Ngay khi vừa có thông tin cựu Công chúa Nhật Bản Mako hẹn hò cùng chàng trai thường dân Kei Komuro, những thông tin xoay quanh tính cách, đặc biệt là học vấn của anh đã được điều tra. Trước khi scandal liên quan đến tài chính gia đình bị phát giác, Komuro trong mắt người dân Nhật là một phò mã hoàn hảo với học vấn đáng nể.
Anh được nhận xét là một chàng trai tài năng với tương lai xán lạn khi đã tốt nghiệp trường Luật của Đại học Fordham - một trong tám trường luật được ABA (Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ) phê duyệt tại New York và bắt đầu làm việc tại văn phòng Manhattan của công ty luật Lowenstein Sandler.
Kei Komuro luôn là cái tên gây tranh cãi
Tuy nhiên, vấn đề tài chính phức tạp của gia đình Komuro đã khiến cuộc hôn nhân chịu sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng. Tuy vậy, cuối cùng công chúa và Kei Komuro vẫn vượt qua dư luận để kết hôn, bắt đầu cuộc sống mới tại New York.
Kei Komuro và Mako trong họp báo thông báo kết hôn tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 26/10
Những tưởng mọi chuyện sẽ dừng ở đây, vào ngày 15/4, truyền thông Nhật Bản đưa tin, Kei Komuro, chồng cựu Công chúa Mako, đã thi trượt lần hai trong cuộc thi lấy bằng luật sư bang New York .
Thông tin 2 lần thi trượt bằng luật sư khiến nhiều người nghi ngờ về trình độ học vấn của Komuro và quay sang chỉ trích chàng rể không xứng đáng với những gì mà cựu công chúa Mako đã hi sinh. Vậy rốt cuộc thi lấy bằng luật sư có khó và liệu có quá vội vàng khi mọi người chỉ trích Kei Komuro vì trượt kỳ thi này hay không?
Thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư có khó không?
Không thể phủ nhận, luật sư là một nghề khó. Mức độ khó đó được thể hiện thông qua quá trình đào tạo lâu dài, thời gian tập sự nhất định và các luật sư phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia để có chứng chỉ luật sư.
Ảnh minh họa
Tại Mỹ, để trở thành luật sư chính thức sẽ phải vượt qua một kỳ thi gọi là "bar examination" hay thường được gọi tắt là "bar exam" - kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư. Đây là một hình thức sát hạch nổi tiếng nhất trong ngành luật ở nhiều quốc gia nhằm cấp phép hành nghề luật sư tại các tòa án, chính vì thế không lạ khi bar exam nổi tiếng với độ khó cực kỳ cao.
Theo thống kê của Adaptibar, tỉ lệ đậu kỳ thi tại Hoa Kỳ vào năm 2018 là 54% và 2019 là 58%, còn riêng tại New York lần lượt là 56% và 59%. Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm, độ khó bài thi sẽ khác nhau tùy từng bang và các thí sinh sẽ trải qua 2 ngày thi vô cùng căng thẳng.
Kỳ thi luật tại Thành phố New York có khó không?
Kỳ thi sát hạch luật sư không giống như bất kỳ môn học hay kỳ thi cuối khóa nào ở các trường luật. Nhiều người lý giải rằng, các bang lớn với dân số đông đồng nghĩa với tỷ lệ chọi ở các ngành nghề cơ bản đã cao, bên cạnh đó số lượng luật sư đang hành nghề đông, nên việc cố tình đẩy nội dung kỳ thi khó hơn mức bình thường là điều dễ hiểu.
Và kỳ thi luật sư tại Thành phố New York - nơi Kei Komuro đăng ký thi cũng luôn nằm trong top những kỳ thi "gây khó dễ" cho các thí sinh.
Kỳ thi sát hạch luật sư này được tổ chức bởi Hội đồng Giám định Luật bang New York, Mỹ (BOLE). Được tổ chức trong vòng hai ngày, kỳ thi này được thiết kế nhằm thử thách thí sinh cả về mặt trí tuệ lẫn sức bền thể chất.
Quang cảnh một buổi thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư tại Mỹ
Trong ngày đầu tiên, các thí sinh dự thi phải trải qua hai bài thi giải quyết tình huống thực tế (MPT) kéo dài 3 tiếng. Bài thi này nhằm đánh giá khả năng vận dụng kiến thức pháp luật và kỹ năng luật sư vào các tình huống thực tế. Bài thi này chiếm 20% tổng điểm của kỳ thi.
Sau đó, các thí sinh phải trải qua phần thi viết luận (MEE) kéo 3 tiếng với 6 câu hỏi. Các câu hỏi được thiết kế nhằm kiểm tra khả năng xác định, phân tích và diễn đạt các vấn đề pháp lý một cách gãy gọn và súc tích dưới dạng văn bản. Nếu làm tốt phần thi này, các thí sinh sẽ giành thêm 30% số điểm nữa của cả kỳ thi.
Vào ngày thứ hai, các thí sinh sẽ phải trải qua một bài thi "marathon" kéo dài 6 tiếng với 200 câu hỏi trắc nghiệm. Bài thi này sẽ đánh giá tổng quát kiến thức pháp lý và kỹ năng hành nghề của các thí sinh. Bài thi này cũng kiểm tra khả năng quản lý và phân phối thời gian một cách khoa học của người dự thi. Đây là bài thi quan trọng nhất của cả kỳ thi khi nó chiếm tới 50% tổng số điểm.
Ảnh minh họa
Kỳ thi do BOLE tổ chức này là điều kiện tiên quyết với bất cứ ai muốn hành nghề luật sư ở New York. Để vượt qua kỳ thi, các thí sinh cần đạt ít nhất 266/400 điểm. Yêu cầu về điểm số này được xem là khó hơn so với kỳ thi luật sư tại các bang khác.
Chỉ được tổ chức 2 lần một năm vào tháng 2 và tháng 7, kỳ thi sát hạch luật sư tại bang New York thu hút đông đảo thí sinh từ khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ thi đậu của kỳ thi này khoảng từ 38% đến 75%. Đối với thí sinh nước ngoài chưa được đào tạo luật ở New York, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 31%.
Những người nổi tiếng từng thi trượt kỳ thi sát hạch luật sư
Trong quá khứ, cũng có nhiều người nổi tiếng đã đỗ kỳ thi luật ở các bang khác nhưng vẫn trượt ở những nơi có kỳ thi khó hơn. Tuy nhiên, họ vẫn đạt được những thành tựu đáng nể trọng.
- Tổng thống Franklin D. Roosevelt: ông rớt kỳ thi luật ở New York trong lần đầu tiên và đậu ở lần thi tiếp theo vào năm 1907. Sau cùng, ông trở thành tổng thống lỗi lạc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
- Cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton: tuy đã thi đỗ kỳ thi tại bang Arkansas, nhưng bà không thể vượt qua kỳ thi tại Washington D.C
Những người từng rớt kỳ thi chứng chỉ hành nghề luật sư
- Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama: cựu sinh viên ngành Luật của Đại học Harvard cũng từng trượt kỳ thi bar tại bang Illinois trong lần thi đầu tiên.
- Con trai của Tổng thống John F. Kennedy - Kennedy Jr đã 2 lần trượt kỳ thi luật ở New York, sau thời gian làm luật sư, ông rẽ hướng sang làm báo và cho ra đời tạp chí George.
Điều này cho thấy kể cả những người bản xứ tốt nghiệp ngành Luật ngay nước sở tại cũng không dễ gì vượt qua được kỳ thi này.
Tổng hợp