Thí điểm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch: Giảm mùi nhưng nước vẫn đen kịt

ANH TRỌNG |

Tìm kiếm các giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, trong 3 ngày qua, UBND thành phố Hà Nội đã cho triển khai dự án thí điểm xử lý, làm sạch 300 mét sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Ghi nhận những ngày đầu xử lý, nước sông bước đầu giảm mùi hôi, tuy nhiên màu nước vẫn đen kịt.

Đặt “nhà máy” dưới lòng sông

Sau 3 ngày thực hiện xử lý, làm sạch 300 mét sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano đối với đoạn sông từ Bưởi đến nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt, ngày 20/5, đại diện Viện Công nghệ môi trường đã lấy mẫu nước sông Tô Lịch (Hà Nội) để kiểm tra chất lượng nguồn nước.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại hiện trường, đại diện tổ lấy mẫu nước - Viện Công nghệ môi trường cho biết: Đơn vị lấy mẫu giám định chất lượng nước trên sông Tô Lịch để kiểm tra và đối chiếu với thời điểm chưa xử lý.

Dự kiến, sau 7 ngày làm việc, các mẫu nước lấy ngày 20/5 sẽ có kết quả giám định, tuy nhiên đánh giá nhanh một vài chỉ số nồng độ oxy, PH… trong nước, đại diện Viện Công nghệ môi trường cho rằng, các chỉ số này đã được cải thiện tại vị trí đặt máy Nano - Bioreactor, điều này làm cho mùi hôi của nước sông Tô Lịch tại đây cũng giảm rõ rệt.

Theo Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị triển khai thí điểm dự án, cách trang bị, lắp đặt thiết bị và sử dụng rất dễ dàng.

Cụ thể, để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đơn vị đã đặt các tấm vật liệu Bioreactor cố định xuống lòng sông, bên trong các tấm vật liệu là máy sục khí Nano.

Cùng với tấm vật liệu Bioreactor, máy sục khí Nano hoạt động sẽ làm sạch mước sông.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty JVE cho biết, công nghệ Nano - Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano theo công nghệ Nhật Bản.

Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, khiến các vi sinh vật có lợi phát triển.

Dự kiến, việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor sẽ được triển khai trong 2 đến 3 tháng. Sau đó đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan tại Hà Nội sẽ đánh giá kết quả, tính khả thi của dự án.

Chuyên gia hoài nghi về hiệu quả

Ghi nhận trong ngày 20/5, sông Tô Lịch đoạn từ dốc Bưởi đến nút giao Hoàng Quốc Việt có 3 vị trí đặt các máy sục Nano dưới lòng sông, mỗi vị trí có từ 3 đến 4 máy sục.

Nguyên lý hoạt động của các máy là chạy bằng điện, thân máy đặt ngập 2/3 trong nước, khi hoạt động máy sẽ làm nước sông tại vị trí đặt sủi bọt trắng.

Túc trực tại vị trí đặt máy cầu T11 (nối đường Bưởi với phố Quan Hoa) từ ngày 16/5 đến nay, anh Trương Văn Việt nhân viên Cty JVE cho biết, máy hoạt động ổn định cả ngày lẫn đêm.

“Ban đầu tại vị trí lắp đặt máy, nước sông thường nổi váng, không nhìn thấy đáy bùn và mùi hôi rất khó chịu. Tuy nhiên, đến hôm nay, nước đã hết nổi váng, nhìn thấy bùn đáy sông và mùi hôi cũng giảm nhiều”, anh Việt nói.

Tại đây chúng tôi thấy rằng, nước sông có giảm váng cặn, mùi hôi nhưng màu nước vẫn đen kịt. Với các đoạn phía sau vị trí đặt máy khoảng 20 đến 30 mét, nước cũng đen ngầu và bị ô nhiễm không khí bởi mùi hôi nồng nặc.

Ủng hộ các giải pháp, công nghệ mới để xử lý ao hồ Hà Nội. Tuy nhiên, khi đề cập đến giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường cho rằng, giải pháp trên là xử lý ô nhiễm tại chỗ, cục bộ chỉ có thể áp dụng với những ao hồ hẹp có mực nước đứng yên.

Theo ông Khải, thí điểm để biết, đánh giá giải pháp thì được còn nhân rộng thì ông cho rằng khó mà mang lại hiệu quả như mong đợi.

Dẫn chứng cho nhận định này, TS Khải cho rằng, thứ nhất: để giải quyết ô nhiễm nước sông Tô Lịch không thể xử lý từng đoạn, do vậy nếu đặt máy dọc 14 km sẽ cần bao nhiêu máy, bao nhiêu bột xử lý; thứ hai: Công nghệ này chỉ xử lý màu, mùi nước, vậy các phần lắng cặn của bùn, rác thải ai sẽ nạo vét hằng năm?

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, mặc dù công nghệ Nhật Bản thì rất tốt, tuy nhiên giải pháp cần đồng bộ và bền vững.

Không thể xử lý thí điểm, làm một vài đoạn rồi sau đó áp dụng đại trà thấy khó khăn về mọi thứ, đặc biệt là kinh phí cao thì lại thôi.

Theo bà An, để giải quyết được ô nhiễm nước trên sông Tô Lịch, giải pháp căn bản nhất vẫn là ngăn ngừa, thu gom, xử lý được toàn bộ hệ thống nước thải của người dân ở hai bên bờ xả xuống.

Nếu không làm được việc này thì mọi giải pháp chỉ giải quyết được phần ngọn.

Ủng hộ các giải pháp, công nghệ mới để xử lý ao hồ Hà Nội. Tuy nhiên, khi đề cập đến giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, TS Nguyễn Văn Khải – chuyên gia lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường cho rằng, giải pháp trên là xử lý ô nhiễm tại chỗ, cục bộ chỉ có thể áp dụng với những ao hồ hẹp có mực nước đứng yên.

Đánh giá về giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor tại buổi trao đổi với báo chí giữa tháng 4 vừa qua, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội nói: Việc sử dụng công nghệ của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch rất khó khả thi, do hiện nay mực nước sông rất thấp và không có dòng chảy.

Thí điểm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch: Giảm mùi nhưng nước vẫn đen kịt - Ảnh 3.

Các máy sục khí Nano được đặt dưới lòng sông Tô Lịch để xử lý ô nhiễm nước


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại