Thí điểm xe khách hai tầng tại Hà Nội: Vì sao tạm dừng?

Anh Trọng |

Trước việc Bộ GTVT tạm dừng triển khai xe chở khách hai tầng tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành, một số ý kiến cho rằng, Bộ GTVT chỉ nên là cơ quan quản lý, tham mưu cho Chính phủ, không nên áp đặt việc thực hiện tại các địa phương. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tránh chồng chéo, Sở đang tập trung mở tuyến buýt City tour bằng ô tô chuyên dụng hai tầng đã được thành phố cho chủ trương trước đó.

Vì cộng đồng hay "bảo hộ" doanh nghiệp?

Với mục tiêu tạo sự thuận tiện, phù hợp với xu thế mới và tạo môi trường lành mạnh trong vận tải khách, hai năm qua Bộ GTVT đã lần lượt triển khai hai đề án, dự án, gồm: Ứng dụng kết nối vận tải bằng công nghệ với xe chở khách dưới 9 chỗ (gọi tắt là Đề án xe công nghệ) và Dự án Cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch (gọi tắt là Đề án xe khách hai tầng).

Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, cả hai đề án, dự án trên lần lượt bị dư luận cho rằng, thiếu minh bạch, công bằng, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường vận tải khi Bộ GTVT chỉ định duy nhất một đơn vị được tham gia.

Nhiều chuyên gia và Hiệp hội vận tải cho rằng, hai nội dung trên có chung cách thức triển khai là đều được Bộ GTVT ủy quyền cho một doanh nghiệp duy nhất thực hiện tại các tỉnh.

Cụ thể, với Đề án xe công nghệ, Bộ GTVT chỉ đích danh Công ty TNHH GrabTaxi được phép cung cấp ứng dụng phần mềm triển khai dịch vụ trên xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức taxi tại 5 thành phố lớn trên cả nước.

Tương tự, Dự án xe khách 2 tầng Bộ GTVT chỉ đích danh Cty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân (Cty Hải Vân) được phép xây dựng dự án để triển khai xe chở khách bằng ô tô du lịch 2 tầng, thoáng nóc và xe chất lượng cao từ 16 đến 45 chỗ có kết nối với các sân bay tại 8 tỉnh thành phố.

Thực tế, sau hơn một năm triển khai Đề án xe công nghệ, ngoài không kiểm soát được sự gia tăng về số lượng phương tiện ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ, các tỉnh thành còn không thể quản lý được các hoạt động của xe chở khách Grab; đặc biệt trước sự phản ứng của nhiều địa phương và các DN vận tải khác, vừa qua Bộ GTVT đã phải cấp phép thêm cho 7 đơn vị vận tải cùng tham gia Đề án xe công nghệ.

Tuy chưa triển khai ở thực tế, nhưng dự án xe khách hai tầng có nhiều ý kiến cho rằng, thiếu minh bạch, hơn nữa Bộ GTVT đang làm không đúng vai trò khi phê duyệt chủ trương và chỉ định một đơn vị duy nhất tham gia nội dung này.

"Với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ GTVT nên đưa ra các chủ trương, chính sách để giúp Chính phủ điều tiết, quản lý giao thông, vận tải.

Với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, Bộ nên đưa ra các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn phương tiện, tiêu chuẩn dịch vụ và điều kiện để tổ chức các loại hình này đúng pháp luật. Bộ GTVT không nên chỉ định bất kỳ một DN vận tải nào tham gia các loại hình dịch vụ.

Việc này phải để các tỉnh thành tự lựa chọn trên cơ sở thực tế tại địa phương và có tổ chức đấu thầu", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nêu ý kiến.

Cũng theo ông Liên, qua tham khảo gần 10 văn bản liên quan đến xe hai tầng được lãnh đạo Bộ GTVT gửi đi từ năm 2016 đến nay, cùng với yêu cầu các tỉnh thành hoàn thiện các thủ tục triển khai, Bộ GTVT cũng chỉ định duy nhất Cty Hải Vân được triển khai loại hình này tại 8 tỉnh thành. Như vậy vừa không đúng chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.

Đẩy sự việc lên Thủ tướng là không cần thiết

Từ thực tế triển khai Đề án xe công nghệ, khi thực hiện Dự án xe hai tầng, một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng đã chủ động lựa chọn các đơn vị vận tải tại địa phương để triển khai.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện cả Hà Nội và Đà Nẵng đã xây dựng phương án tuyến và đặt hàng các xe buýt du lịch 2 tầng, mui trần để vận hành hành tuyến trong thời gian tới, riêng thành phố Hà Nội đã tổ chức chạy thí điểm xe buýt hai tầng mui trần tại khu vực hồ Hoàn Kiếm vào tháng 6 vừa qua.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo kế hoạch được thành phố giao, sau khi thành phố chọn đơn vị thực hiện là Tổng Cty Vận tải Hà Nội, bước tiếp theo Sở GTVT sẽ tổ chức lộ trình tuyến. Theo kế hoạch, sau khi DN nhận đủ số xe đã đặt thành phố sẽ triển khai mở tuyến trong quý 4 năm nay.

Tuy nhiên ngày 19/7, thay vì tiếp tục triển khai dự án xe chở khách hai tầng như kế hoạch đặt ra, lãnh đạo Bộ GTVT đã ký công văn số 7958/BGTVT-VT gửi 8 địa phương trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng, nêu rõ: "Khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, Bộ GTVT yêu cầu sở GTVT tại các tỉnh, thành phố tạm thời chưa triển khai dự án này tại địa phương cho đến khi Bộ GTVT ban hành các quyết định".

Cho ý kiến về việc này, đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, trước khi xây dựng dự án trên, Bộ GTVT đã xin ý kiến, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương bằng Văn bản số 2171/TTg-KNT và giao cho Bộ GTVT triển khai.

Như vậy, dựa trên các quy định về hoạt động vận tải, trong đó có xe chở khách, với vai trò là cơ quan quản lý vận tải cao nhất, Bộ GTVT có đủ thẩm quyền đưa ra các quy định, hướng dẫn để triển khai dự án trên.

Hơn nữa, trong văn bản trên, Thủ tướng cũng nêu rõ, sau 6 tháng triển khai, tổ chức sơ kết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai tiếp.

Thủ tướng đã chỉ đạo và cho cơ chế triển khai, điều chỉnh (nếu cần) rõ ràng như thế, việc Bộ GTVT "đẩy" sự việc lên Thủ tướng Chính phủ là không cần thiết.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng cho rằng, xe buýt du lịch 2 tầng đã được triển khai trên thế giới từ những năm 50 của thế kỷ 20, hiện có trên 120 thành phố có dịch vụ này.

Với vai trò của mình, nếu cho rằng đây là loại hình mới, Bộ GTVT nên cử đại diện sang các thành phố này học tập, triển khai.

"Đưa sự việc lên Thủ tướng là đùn đẩy. Việc này sẽ kéo dài thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ tại các tỉnh thành, đặc biệt có nguy cơ gây thiệt hại cho các tỉnh đã chủ động đặt mua phương tiện để triển khai", đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhấn mạnh.

Thông tin về việc trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước khi Bộ GTVT có dự án trên, thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai một số tuyến xe khách kết nối, đưa đón hành khách tương tự như dự án của Bộ GTVT.

Do vậy, để tránh chồng chéo, liên ngành Hà Nội vừa họp và thống nhất, báo cáo thành phố để tập trung triển khai mở tuyến buýt City tour bằng xe ô tô chuyên dụng hai tầng, thoáng nóc đã được chạy thử nghiệm vào tháng 6 vừa qua.

Dự án thí điểm xe chở khách 2 tầng, được Bộ GTVT ra văn bản triển khai thí điểm ở 8 tỉnh thành phố, gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP HCM, Kiên Giang. Cty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân là đơn vị duy nhất được Bộ GTVT chỉ định thực hiện đề án.

Dự án được đưa ra lấy ý kiến các địa phương cuối năm 2016, Bộ GTVT đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục lấy ý kiến để triển khai thí điểm trong 5 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại