Thép Cà Ná: Nếu có hệ lụy, Bộ trưởng có hứa từ chức không?

Hoàng Đan |

Đó là câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trong buổi chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Không có lợi ích nhóm

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt câu hỏi rằng tại sao sau sự cố Formosa, Bộ Công thương đã phê duyệt ngay dự án thép Cà Ná dù có nhiều ý kiến phản đối?

"Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án Cà Ná? Có hay không chuyện Bộ chạy theo doanh nghiệp để làm dự án, bất chấp việc hủy hoại môi trường và đánh đổi cuộc sống của người dân?", bà Hiền đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, Việt Nam có trữ lượng quặng sắt khoảng 1,5 tỷ tấn nhưng hàng năm chúng ta đang nhập khẩu sắt thép phục vụ cho nhu cầu xây dựng đất nước là khoảng 3 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 có thể lên tới 15 tỷ USD.

Hiện nay, sắt thép của chúng ta mới chủ yếu đáp ứng được một số chủng loại sắt thép xây dựng cũng như sắt thép chuyên ngành còn về các ngành sắt thép cơ bản, đặc biệt là thép thô phục vụ cho cán thép, sản phẩm đầu ra là sắt các loại phục vụ cho nhu cầu kinh tế hầu như chưa có.

Ngoại trừ một số doanh nghiệp như Hòa Phát, Tổng công ty Thép đã có một số dự án nhưng đều nhỏ.

Theo Bộ trưởng, mỏ sắt Thạch Khê có quy mô rất lớn và nếu khai thác tốt các quặng sắt để đưa vào luyện ở lò cao để phục vụ cho sản xuất thép thô, phục vụ cho cán thép, các sản phẩm khác có thể đóng góp tăng trưởng hàng năm từ 0,3 - 0,4% vào GDP.

"Mục tiêu của chúng ta là bên cạnh sự ổn định về kinh doanh, xuất khẩu thì phải đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, cơ khí, chế tạo, quốc phòng...

Chính vì vậy, chủ trương của Chính phủ là phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp phải tiếp tục ưu tiên khai thác các nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp cơ bản để tạo nền tảng cho các ngành kinh tế công nhiệp cũng như các ngành kinh tế khác", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định: "Không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi môi trường và tôi khẳng định luôn tại Quốc hội là không có lợi ích nhóm.

Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây nếu như chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa, bền vững của các ngành kinh tế để đảm bảo nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác một cách hợp lý tài nguyên quốc gia.

Chúng ta đang hướng tới các Tập đoàn, doanh nghiệp của quốc gia có điều kiện khai thác phát triển tốt, nếu như đáp ứng được yêu cầu phát triển, bảo vệ môi trường thì tại sao chúng ta lại hạn chế điều đó", Bộ trưởng nêu rõ.

Dự án thép Cà Ná đã được xem xét cẩn trọng

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, quy hoạch ngành thép đã có từ năm 2000 và dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) đã được phê duyệt từ năm 2001 với đầy đủ các quy trình thủ tục.

Sau năm 2008 - 2009, dự án này không được thực hiện vì năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề nên dự án bị đưa ra khỏi quy hoạch.

"Tuy nhiên, mới đây, cuối năm 2015, dự án này tiếp tục được nghiên cứu, Tập đoàn Tôn Hoa Sen làm việc với tỉnh Ninh Thuận xin đưa dự án vào quy hoạch thép, đồng thời xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

Với cam kết, đề xuất đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ của chủ đầu tư, căn cứ trên nhu cầu thực tiễn cũng như quy hoạch đánh giá hiện trạng, Bộ Công thương báo cáo với Quốc hội đây mới chỉ là điều chỉnh về quy hoạch", ông nêu rõ.

Nói về môi trường và dự án Cà Ná, có nhiều ý kiến hỏi chúng ta có đánh đổi muối của Cà Ná để lấy thép hay không? Bộ trưởng cho hay, đây không phải đánh đổi, đây là quan điểm về sự phát triển bền vững, hài hoà để phát triển kinh tế, khai thác những lợi thế của đất nước.

 Dự án thép Cà Ná đã được xem xét một cách cẩn trọng với đầy đủ các quy trình, sau đó đã được phê duyệt về quy hoạch thép.

 Tuy nhiên, để đảm bảo việc đầu tư dự án này được có hiệu quả và đảm bảo về môi trường, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các Bộ ngành phải phối hợp làm rõ với chủ đầu tư và địa phương về các nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi của dự án.

Cùng với đó là những chi tiết liên quan đến công nghệ, đến thiết bị, đến phương án xử lý chất thải cũng như phương án bảo vệ môi trường, hiệu suất của dự án sẽ được xem xét, thẩm định và phê duyệt.

"Chúng tôi xin khẳng định công tác liên quan đến điều chỉnh, quản lý quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật với sự tham gia của các Bộ ngành.

 Trong quá trình xây dựng thực hiện các dự án, không chỉ là thép Cà Ná mà còn có dự án thép của Dung Quất cũng như các dự án khác sẽ đảm bảo đúng quy trình thủ tục của pháp luật, dựa trên nguyên tắc đảm bảo môi trường, từ những kinh nghiệm đã rút ra từ dự án thép Formosa", Bộ trưởng khẳng định.

Chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen từng hứa với Nhà nước nếu có sai phạm trong dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận thì sẽ giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước và ông đánh giá cao lời hứa này.

Thép Cà Ná: Nếu có hệ lụy, Bộ trưởng có hứa từ chức không? - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

"Tôi xin hỏi Bộ trưởng 1 câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, đất nước nhưng nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội hay không?", ĐB Nhưỡng hỏi.

Theo chương trình, chiều nay, Bộ trưởng Tuấn Anh sẽ trả lời câu hỏi của đại biểu Nhưỡng và các đại biểu khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại