Khi cảnh sát Trần Chiến Sơn được điều đến huyện Khúc Thuỷ, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), ông nhận được một bức thư tố cáo nặc danh. Theo thông tin cung cấp trong thư, một công nhân nhà máy ở địa phương tên Hồ Lâm Sơn đột nhiên phát tài trong thời gian ngắn. Lương tháng khi đó của Hồ Lâm Sơn rất khiêm tốn nhưng có thể mua nhiều tài sản như nhà, xe đắt tiền.
Khi đến ngôi làng nơi Hồ Lâm Sơn sinh sống, người dân ở đây cũng bất ngờ trước sự giàu lên nhanh chóng của người công nhân nhà máy. Cha mẹ của người đàn ông họ Hồ đều là nông dân, điều kiện kinh tế khó khăn. Bản thân Hồ Lâm Sơn chỉ đi học vài năm rồi bỏ học, làm việc tại nhà máy cao su.
Cảnh sát Trần cùng các cộng sự tiến hành điều tra các nguồn thu nhập khác của Hồ Lâm Sơn. Họ phát hiện người đàn ông này đang điều hành một khách sạn nhỏ sau khi vừa nghỉ việc ở nhà máy. Tuy nhiên huyện Khúc Thuỷ là khu vực hẻo lánh, xa xôi, khó có thể làm giàu từ việc mở khách sạn.
Một cảnh sát đã cải trang thành khách đến nghỉ tại khách sạn và nhận thấy nơi này có mức giá dịch vụ rẻ bất thường so với các cơ sở lưu trú khác trong khu vực, trả phòng chậm cũng không bị tính phí.
Sau vài ngày theo dõi hoạt động ở khách sạn, cảnh sát phát hiện manh mối từ việc nghe lén cuộc trò chuyện của nhóm người đến gặp Hồ Lâm Sơn vào buổi đêm. Nhóm người này bàn bạc về kế hoạch tìm kiếm và đào những ngôi mộ cổ, bán lại cổ vật và tài sản bên trong mộ.
Nắm bắt được thông tin này, cảnh sát Trần điều người tiếp tục theo dõi người đàn ông này. Băng nhóm này họp đêm đó là bởi chúng đang nhắm tới một ngôi mộ cổ lớn trên cánh đồng lúa mì, cách huyện Khúc Thuỷ 15km.
Cảnh sát tiến hành mai phục, bắt giữ nhóm người của Hồ Lâm Sơn khi chúng đang tiến hành trộm mộ. Lực lượng chức năng thu giữ được hàng chục cổ vật từ trước đó của nhóm này chưa kịp tẩu tán.
Trong 1 năm, băng nhóm của người đàn ông họ Hồ đã tiến hành đào hơn chục khu lăng mộ tại huyện Khúc Thuỷ và các khu vực lân cận. Vào thời kỳ “đỉnh cao”, tổng số tiền kiếm được từ việc trộm mộ của Hồ Lâm Sơn vượt quá 1 triệu NDT. Ban đầu Hồ Lâm Sơn được lôi kéo vào một nhóm trộm mộ, hoa mắt bởi lợi nhuận kiếm được nên sau đó hắn tự “chiêu mộ” người lập thành băng nhóm khác.
Trên thực tế, khách sạn này là “căn cứ” của nhóm trộm mộ và kinh doanh chỉ là hình thức để che giấu cách làm giàu phi pháp đằng sau của Hồ Lâm Sơn. Các chuyên gia từng đánh giá huyện Khúc Thuỷ là địa điểm có nhiều giá trị lịch sử với vô số cổ vật chôn dưới lòng đất, nhiêu nông dân từng đào được “kho báu” khi làm ruộng. Chính vì vậy nơi đây trở thành mục tiêu cho những kẻ trộm mộ.
Kho báu 2.000 năm tuổi lộ diện
Dựa theo lời khai của Hồ Lâm Sơn, cảnh sát thông báo cho Cục Di tích Văn hóa tỉnh Sơn Tây tiến hành khai quật ngôi mộ trên. Vài ngày sau, một nhóm các chuyên gia khảo cổ từ tỉnh và ĐH Bắc Kinh đã đến địa điểm ngôi mộ.
Cảnh tượng trước mắt khiến các chuyên gia vui mừng bởi đây là mộ từ thời Tây Chu cách đây hơn 2.000 năm. Họ phát hiện 48 cỗ xe, 105 con ngựa bằng đất nung. Đây là phát hiện chưa từng có với giới khảo cổ địa phương lúc đó bởi số lượng xe ngựa lớn, cho thấy chủ nhân ngôi mộ có địa vị cao quý.
Tuy nhiên nhóm chuyên gia suy đoán trước nhóm của Hồ Lâm Sơn, đã có băng nhóm trộm mộ khác phát hiện ra nơi này, cướp phá nhiều cổ vật và phá huỷ bằng chứng nên họ không thể kết luận danh tính chủ ngôi mộ.
Trong quá trình tìm kiếm thêm cổ vật, một nhà khảo cổ học đã tìm ra một số đồ vật như bình, chuông bằng đồng và ngọc bích chưa bị đánh cắp được chôn trong bức tường đất.
Đáng chú ý, những chiếc chuông khắc chữ được cho là vật xuất hiện trong tang lễ của của các vị vua chúa, quan cao cấp thời nhà Chu. Một bộ chuông hoàn chỉnh thường gôm 10-16 chiếc nhưng trong ngôi mộ chỉ xuất hiện 2 chiếc.
Ngay khi tin tức về vụ việc khai quật lăng mộ tại tỉnh Sơn Tây lên sóng, giám đốc Bảo tàng Thượng Hải đã gửi đến họ 14 chiếc chuông mua từ một nhà đấu giá ở Hong Kong (Trung Quốc). Là chuyên gia thẩm định đồ cổ nên vị giám đốc này nhận ra đây là cổ vật có giá trị quốc gia, ngay lập tức nộp đơn xin tài trợ để mua lại.
Nhờ vậy, cuối cùng bộ 16 chiếc chuông hoàn chỉnh được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Tây, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử của các nhà khảo cổ học địa phương.
Theo Toutiao