Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc trong trừng phạt công ty công nghệ Mỹ

Tuấn Linh |

Một bộ phận lãnh đạo tại Bắc Kinh e ngại công bố danh sách các công ty Mỹ nằm trong diện trả đũa của Trung Quốc và muốn đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Theo bài điều tra độc quyền của Wall Street Journal (WSJ) đăng ngày 22/9, Bắc Kinh đã đẩy nhanh tiến trình lập bản “danh sách đen” các công ty công nghệ Mỹ nằm trong diện có thể bị trừng phạt.

Tiến trình thảo luận trong nội bộ này cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra cách thức đáp trả chính quyền Tổng thống Donald Trump mà vẫn đảm bảo không đẩy quan hệ Mỹ-Trung tới sát ngưỡng sụp đổ.

Tính đến thời điểm này, giới lãnh đạo Trung Quốc cố gắng trả đũa các đòn tấn công của Mỹ, nhưng tránh các biện pháp vượt khỏi giới hạn hành động của Washington.

Sau khi Tổng thống Trump mở chiến dịch đẩy một công ty Mỹ mua lại và nắm quyền kiểm soát ứng dụng chia sẻ video TikTok, giới chức Trung Quốc đã công bố quy định mới về hạn chế xuất khẩu, giúp công ty mẹ của TikTok là ByteDance định ra được các điều khoản không mất quyền kiểm soát nền tảng hoạt động cũng như công nghệ thiết yếu tại Mỹ.

Tháng 5/2019, Trung Quốc lần đầu công bố ý định thiết lập “danh sách đen” các công ty, thực thể Mỹ ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt biện pháp hạn chế tập đoàn Huawei tiếp cận công nghệ, thiết bị của các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không đưa ra bất kỳ một công ty hay cá nhân cụ thể nào trong bối cảnh các nhà thương thuyết của hai nước mở các cuộc đàm phán thương mại. Nhờ đó, hai bên đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi tháng 1 vừa qua.

Thế nhưng, khi Mỹ tăng cường tấn công nhằm vào nhiều công ty công nghệ tốt nhất của Trung Quốc, trong đó có Tencent - hãng quản lý, vận hành ứng dụng tin nhắn Wechat và nền tảng thanh toán điện tử, việc cho ra “danh sách đen” lại trở nên cấp thiết.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc trong trừng phạt công ty công nghệ Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc lên kế hoạch trừng phạt các công ty, thực thể Mỹ sau khi Nhà Trắng có động thái kiềm chế hoạt động của tập đoàn Huawei. Ảnh: Reuters.

Các nguồn thạo tin cho biết trong vài tuần trở lại đây, một nhóm đặc trách do Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa - người phụ trách thương mại và đầu tư nước ngoài - đứng đầu đã gần như hoàn tất danh sách này, coi đây là câu trả lời của Trung Quốc trước Mỹ.

Một số nguồn tin cho biết, nhóm công tác trước đó đã gửi yêu cầu tới các bộ ngành, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế, Cục An ninh mạng và giới am hiểu luật chống độc quyền, đề nghị mỗi đầu mối đệ trình tên các công ty Mỹ để đưa vào danh sách để có bản chính thức cuối cùng. Vấn đề còn tranh luận hiện nay là thời điểm công bố và có nên công bố hay không.

Đây có thể xem là một trong những bước đi cân bằng khó khăn nhất: Vừa phải cân nhắc đáp trả Mỹ ra sao, nhưng lại không được phép gây ra những tổn thất không thể hàn gắn được cả về quan hệ song phương lẫn nền kinh tế và các ngành công nghiệp của Trung Quốc.

“Trung Quốc tỏ ra rất nguyên tắc trong kiềm chế, không hành động thái quá nhằm vào các công ty Mỹ”, ông Paul Triolo, trưởng nhóm nghiên cứu chính sách công nghệ toàn cầu tại hãng tư vấn Eurasia Group có trụ sở ở New York bình luận.

Một số quan chức cấp cao, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, e ngại công bố “danh sách đen” tại thời điểm nhiều quan chức đang kỳ vọng “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Trung sau bầu cử Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại