Mỹ và phần còn lại của thế giới (không chỉ châu Á) sẽ nhận ra sự thật phũ phàng rằng, chỉ trích hay tách rời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là một ý tưởng hay. Nó giống như "qua cầu rút ván" vậy, ông Anthony Rowley, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á cho biết trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Một kết luận nổi bật được rút ra từ loạt báo cáo gần đây về hiện trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu là Trung Quốc sẽ không đóng góp vào sự phục hồi trên toàn thế giới ở bất kỳ quy mô nào giống nước này đã từng làm thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008- 2009.
Sách lược hồi phục thay đổi
Các cuộc khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã chỉ ra rằng, GDP toàn cầu sẽ giảm sâu hơn nhiều vào năm 2020 so với sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Mức tăng trưởng dương sẽ quay trở lại trong năm tới nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ không phục hồi ở mức của năm 2019.
Theo nhận định của nhà kinh tế trưởng Laurence Boone thuộc tổ chức OECD, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế phát triển và mới nổi của tổ chức G20 đạt tốc độ tăng trưởng gần 2% trong năm nay. Cùng lúc, các nước khác - từ Anh đến Mexico và nhiều nước khác – đều sẽ hứng chịu mức sụt giảm dự báo tồi tệ từ ít nhất 10%.
Điều này có thể cho thấy rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng vươn mình đứng dậy sau đại dịch, như cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã từng làm hơn một thập kỷ trước, trở thành một động lực thúc đẩy phần còn lại của nền kinh tế thế giới thông qua các dự án đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng khổng lồ và các khoản đầu tư trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, lần này, Trung Quốc khó có thể đóng vai trò là vị cứu tinh của thế giới, hay ít nhất là nền kinh tế toàn cầu nữa.
Theo ghi nhận của IIF, Trung Quốc “không sử dụng lại hình thức kích thích kinh tế thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng siêu lớn của năm 2009 nữa. Ảnh: Reuters
Các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng siêu lớn của Trung Quốc vào năm 2009 đã làm tăng giá hàng hóa và kéo theo tăng trưởng toàn cầu. Khả năng cao do Bắc Kinh hiện tại không triển khai một chương trình kích thích như vậy đang là nguyên nhân chính cho các nhận định thiếu lạc quan về các thị trường mới nổi, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Theo ghi nhận của IIF, Trung Quốc “không sử dụng lại hình thức kích thích kinh tế thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng siêu lớn của năm 2009 nữa, có nghĩa là hoạt động toàn cầu và giá hàng hóa sẽ không tăng như điều đã từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Ngoài ra, Ấn Độ đang trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng, không giống như mức tăng trường GDP dương hồi năm 2009.
Kết hợp hai yếu tố này lại báo hiệu một sự phục hồi thời hậu Covid-19 rất khác so với cú sốc năm 2008. Trung Quốc lại đang áp dụng kích thích tài khóa nhưng sẽ nhắm mục tiêu chính xác hơn vào nâng cấp kỹ thuật số và dịch vụ y tế - hai lĩnh vực trở nên thiết yếu trong thời dịch.
Nguy cơ với thế giới
Có vẻ như khó có khả năng rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và mối đe dọa cắt đứt quan hệ kinh tế với Mỹ và các nước khác, đồng thời chứng kiến Washington “bắt bài” dựa trên hệ thống quy định đa phương, Trung Quốc sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải hỗ trợ thế giới tại thời điểm này.
Trong khi đó, quy mô tuyệt đối của sự gián đoạn kinh tế và những thiệt hại gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã khiến cho việc đánh giá chính xác mức độ thiệt hại từ cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ- Trung và quá trình giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc rất khó khăn. Nhà báo Rowley nhận định, điều này thậm chí có thể giúp Tổng thống Mỹ hướng sự chú ý của công chúng khỏi các chính sách kinh tế thất bại của chính phủ đương nhiệm trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần.
Nếu Tổng thống Trump tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ hai, quá trình cắt đứt quan hệ Mỹ- Trung và phạm vi ảnh hưởng từ động thái này sẽ ngày càng gia tăng, khiến cho các nước châu Á buộc phải lựa chọn chỗ đứng giống như việc các quốc gia này đang phải đối mặt với điều mà nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của tổ chức ADB gọi là mối đe dọa kinh tế " nghiêm trọng".
Trong trường hợp ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, một quá trình hàn gắn quan hệ Mỹ- Trung Quốc chậm chạp có thể khởi động, tùy thuộc vào việc chính phủ phe Dân chủ muốn thay thế các chính sách dân túy và bảo hộ bằng chủ nghĩa thực dụng nhanh chóng và sâu rộng đến mức nào. Như tổ chức ADB nhận xét trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á mới nhất, “những rủi ro phát sinh từ những căng thẳng địa chính trị, bao gồm sự leo thang của xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và [Trung Quốc], cũng như các nguy cơ của hệ thống tài chính có thể trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch kéo dài".
Ông Rowley nói rằng, thật khó tin tại thời điểm khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại phải ở thế đối đầu với nhau để giành quyền lãnh đạo tối cao cũng như sự tồn tại. Châu Á và các quốc gia khác đều cảm thấy lo ngại về mối đe dọa thực sự của suy thoái kinh tế toàn cầu hơn là sự trỗi dậy đáng gờm của Trung Quốc.
Theo ông, một mối đe dọa ít được chú ý tới ở trong và ngoài châu Á là việc cắt đứt quan hệ kinh tế Mỹ-Trung có thể làm giảm nguồn cung hàng hóa, trong bối cảnh các chính phủ áp dụng các chương trình kích thích tiền tệ quá mức dẫn tới gia tăng tình trạng lạm phát.