Không bàn thắng, ít bài học và nhiều chấn thương
Có rất nhiều ý kiến đồng tình với anh Long. Đã có một khoảng thời gian, bóng đá Việt Nam “phát cuồng” vì những cầu thủ đội tuyển (ĐT) U.19 với những trận đấu rất lãng mạn, những pha bóng cực đẹp và lối chơi vô tư, trong sáng của họ.
Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam hay ĐT U.23 hiện nay đang mất dần yếu tố lãng mạn ấy, thay vài đó là những trận đấu thực dụng, đậm mùi ăn thua.
Thậm chí, tính thực dụng còn lấn át và làm sai lệch mục đích của trận đấu giao hữu.
Sau trận đấu ĐT U.23 Việt Nam - ĐT U.23 Hàn Quốc, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế cho rằng: “Dường như ông Miura và các học trò đã tiếp cận sai đối với trận đấu.
Theo tôi, một trận đấu giao hữu quốc tế trước một giải đấu lớn phải đạt được ít nhất hai mục đích sau: Một là không để các cầu thủ chấn thương, hai là tận dụng đối thủ để triển khai, thực hành các mảng chiến thuật đã được trau dồi trong lúc luyện tập.
Rõ ràng là ở trận gặp Hàn Quốc, chúng ta không có được cả hai điều trên. U.23 Việt Nam đã chơi bằng sức mạnh tranh chấp quá ngưỡng làm chính đối thủ ngỡ ngàng... tới mức tự gây chấn thương nghiêm trọng với 3 cầu thủ…
Đương nhiên, họ nghỉ tập và cứ một trận giao hữu thời kỳ chuẩn bị HLV yêu cầu phải thi đâu theo chuẩn này thì lấy đâu ra quân đủ để thi đấu và làm sao hồi phục thể lực đủ để đá với mật độ 2 ngày /1 trận?
Về chiến thuật, ngoài việc toàn đội chơi quăng quật tranh cướp tới 200% sức ra, chưa thấy hình nét lối chơi.
Ông Miura chỉ thay cầu thủ chấn thương là chính, và càng khiến người xem không yên tâm vì không ai cảm nhận được vị trí đội hình theo chủ định của HLV. Ngay như cả trận, Hồng Quân chơi rất tệ…”.
Những nhận xét của ông Trịnh Minh Huế là rất xác đáng.
Những cầu thủ ĐT U.23 Việt Nam đang phải thể hiện với ông Miura để giành một vị trí chính thức - khỏi bị loại - nên đã căng sức ra chơi. Ở trận đấu gặp Hàn Quốc, ĐT U.23 Việt Nam có được một trận hòa là còn quá ít bài học, chỉ có thêm nhiều trường hợp bị chấn thương.
Bao giờ cho đến… U.19
Nhìn vào đội hình của ĐT U.23 Việt Nam vừa qua - nhiều người cho rằng sẽ là thành phần chính của ĐT U.23 Việt Nam tại SEA Games - có thể thấy, phần lớn là những cầu thủ thiên về sức mạnh như Ngọc Thịnh, Quế Ngọc Hải, Mạc Hồng Quân, Phi Sơn…
Hầu như không có “chất” như của ĐT U.19 Việt Nam; phải cho đến khi Phi Sơn, Huy Toàn chấn thương, Công Phượng, Văn Toàn mới được lấp vào trong tình thế bất khả kháng.
Chính vì thế, rất dễ hiểu là lối chơi của ĐT U.23 Việt Nam khác hoàn toàn với những gì mà ĐT U.19 đã thể hiện.
Nếu ĐT U.19 Việt Nam từng làm mê đắm người hâm mộ Việt Nam với lối chơi ban - bật và đặc biệt là khả năng giữ bóng tuyến giữa (với hai nhân vật chủ chốt là Tuấn Anh, Xuân Trường) thì khả năng cầm bóng của ĐT U.23 Việt Nam khá kém.
Nhiều chuyên gia bóng đá lo ngại về khả năng ghi bàn của các tiền đạo. Mạc Hồng Quân là nhân vật chủ chốt, nhưng việc phối hợp cùng những cầu thủ xung quanh chưa cho thấy khả quan - sự thiếu ăn ý của những nhân tố hàng công.
Câu hỏi là tại sao ông Miura không tận dụng nền tảng và những gì mà ĐT U.19 đã làm được, khi vẫn còn đó những “nhân tố” U.19. Tuấn Anh không được dùng, Công Phượng vào thay người bất đắc dĩ...
Ông Miura đang lấy các cầu thủ SLNA làm nòng cốt cho ĐT U.23 và đưa U.19 HAGL vào dĩ vãng. Có thể ông Miura có lý do riêng của mình; nhưng với người hâm mộ Việt Nam, sự biến mất của những hình ảnh U.19 là điều họ rất luyến tiếc.