VPF và nỗi lo bị CLB "xù" 2 tỷ đồng

Cho đến giờ chưa có đội bóng nào tại V-League đóng tiền ký quỹ 2 tỷ cho VPF. Thậm chí, lệ phí 500 triệu đồng tham dự giải vẫn còn nợ...

Điều hành một giải đấu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, VPF phải chấp nhận việc những quy định do mình đặt ra bị các CLB xem thường. Từ trường hợp An Giang dọa bỏ giải hay Than Quảng Ninh suốt từ đầu giải không trả thưởng cho cầu thủ, đề cập đến cơ chế kiểm soát tài chính các CLB, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Mặc dù VPF quy định mỗi CLB phải đóng tiền ký quỹ 2 tỉ đồng, nhưng cho đến nay không CLB nào thực hiện. Đây là thói quen và hoạt động tài chính từ thời bao cấp không dễ gì thay đổi”.

Ngoài ra, về quy định mỗi CLB phải có ngân sách tối thiểu 35 tỉ đồng thì mới được tham dự V- League, ông Viễn cũng thừa nhận rằng VPF chỉ nhận được …báo cáo từ đầu mùa, nhưng “quy trình giải ngân thì không phải ngay một lúc”. “Nguồn vốn chắc chắn nhất là từ địa phương, còn đối với các nhà tài trợ thì có thể có vấn đề, như ở An Giang hay Than Quảng Ninh”.

CLB Than Quảng Ninh không trả thưởng cho cầu thủ suốt từ đầu mùa, nhưng VPF vẫn phải làm ngơ

Có nghĩa là nếu nhà tài trợ hứa rồi “xù” thì VPF cũng không thể kiểm soát được. Thậm chí có CLB như Ninh Bình, đã tham gia gần hết lượt đi của V- League 2014 và bây giờ đã bỏ giải, nhưng cũng vẫn chưa nộp lệ phí tham dự giải (500 triệu đồng).

Với tư cách là trưởng BTC giải, ông Tanaka Koji cho rằng bóng đá VN còn thiếu nhiều điều kiện cơ sở vật chất như các trang thiết bị trên sân chưa đầy đủ, mặt sân không tốt khiến cầu thủ không thể thi đấu hết khả năng, tuy nhiên những vấn đề vị trưởng giải đề nghị cải thiện ngay trước mắt lại không liên quan đến chuyện tiền nong.

“Trước hết, chúng ta cần phải cải tiến cách điều hành trận đấu của các BTC sân và rõ ràng vấn đề này chưa thể làm được ngay. Ngoài ra, VFF, VPF phải có biện pháp triệt để nhằm giảm số lượng thẻ vàng trong các trận đấu. Đạo đức và tư cách cầu thủ chưa thật sự tốt. Một số cầu thủ các CLB thi đấu quyết liệt quá mức, không nghiêm túc chấp hành luật và không tôn trọng cầu thủ đội bạn, thể hiện thái độ thi đấu cay cú ăn thua, vi phạm lỗi nghiêm trọng.

Thống kê số thẻ vàng, thẻ đỏ qua 15 vòng đấu ở V-League là khá cao: Tổng cộng 414 thẻ vàng/83 trận, trung bình 4,99 thẻ/trận. 18 thẻ đỏ. Cầu thủ phải thi đấu với thái độ chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy hơi ngạc nhiên khi có những CLB rất đông khán giả nhưng ngược lại có CLB rất ít khán giả. Phải nỗ lực hơn để lôi kéo khán giả đến xem”.

VPF cũng thừa nhận rằng mặc mùa giải năm nay thiếu những gương mặt trẻ tài năng có khả năng đóng góp cho các đội tuyển quốc gia, và đó là một tín hiệu không lạc quan cho hướng phát triển tài năng trẻ của bóng đá VN.

SVĐ chả giống ai

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết hiện mới chỉ có 5 đến 6 trong tổng số 20 CLB ở các giải chuyên nghiệp VN có thể đáp ứng ngay yêu cầu cấp phép CLB theo chuẩn của AFC. Vấn đề khó khăn nhất là sân bãi “Nhiều SVĐ của các CLB được xây từ thời bao cấp đến giờ chả giống ai: Thiếu các phòng chức năng thậm chí cả khu vệ sinh. Mặc dù các điều kiện đã được giảm đi đến mức thấp nhất theo yêu cầu của AFC nhưng vẫn rất khó khăn. Tuy vậy, đến mùa giải 2015, vẫn có 3 điều kiện mà các CLB bắt buộc phải đảm bảo nếu tham dự giải, đó là: Đủ các tuyến đào tạo trẻ, sân cỏ đủ tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu tài chính tối thiểu (35 tỉ đồng đối với V- league và 15 tỉ đối với CLB hạng Nhất).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại