Pha bóng này đã được Quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bình luận là “Chơi bóng như tàn sát đội bạn”. Sẽ có những án phạt đưa ra, nhưng bạo lực ở V-League vẫn là căn bệnh khó chữa, dù VPF đã mời một chuyên gia người Nhật làm trưởng giải.
Đạp thì dễ - đẹp thì khó
Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ lý giải thành công của CLB này và hiện tượng khán giả xứ Thanh ùn ùn tới sân khi Thanh Hóa chơi trên sân nhà: “Tôi nghĩ để được khán giả yêu mến, hết mình cổ vũ thì chúng tôi thực hiện bóng đá 3Đ. Tức là đá “đúng” yêu cầu HLV, đá “được” với bất kỳ đối thủ nào khi đã biết mình, biết người và điều quan trọng là phải đá “đẹp”.
Trên sân Thanh Hóa có một tấm băng-rôn lớn: “Khán giả là tài sản lớn nhất của CLB”. Ông Đệ nói: “Chúng tôi luôn yêu cầu các cầu thủ phải đá trung thực, đá sạch, đặc biệt tuyệt đối không được chơi kiểu bạo lực. Ở Thanh Hóa, cầu thủ dù giỏi đến đâu, nhưng nếu không có đạo đức hoặc có bất kỳ biểu hiện nào tiêu cực cũng đều bị loại”. Ở Thanh Hóa mùa giải trước cũng có những “án” kỷ luật rất rặng, như việc trảm và tước băng đội trưởng của cả Bật Hiếu lẫn Anh Tuấn.
Sự thật, Thanh Hóa là đội chơi khá “lành” ởV-League, chỉ có 15 thẻ vàng sau 7 trận. Họ cũng chứng minh rằng, đáp đẹp vẫn có có thể “bay cao” ở V-League.
Thế nhưng, lại đang có một xu hướng/kiểu chơi triệt hạ đối phương. Nói như ông Lê Hùng Dũng: “Chơi kiểu tàn sát” để có được chiến thắng".
Mỗi trận ở V-League hiện được treo thưởng khoảng 500 triệu đồng và đó là lý do để cầu thủ tìm mọi cách “đoạt” chiến thắng không đơn thuần chỉ bằng chuyên môn.
Trái với Thanh Hóa, Hải Phòng là đội “xấu chơi” nhất V-League tính theo số thẻ khiến HLV Lê Huỳnh Đức thốt lên “xin thua 0-3 vì chủ nhà chơi bạo lực quá”.
Bốc thuốc cho V.League
Với cú ra chân của Đình Đồng, cuối tuần qua, VFF đã ra quyết định “phạt nguội” với mức phạt được cho là nặng nhất từ trước tới nay: Treo giò đến hết năm 2014, phạt 20 triệu đồng. Đình Đồng phải có trách nhiệm chi phí toàn bộ số tiền trong quá trình điều trị của Anh Hùng.
Hiển nhiên đây là cái giá rất đắt cho một pha bóng. Đình Đồng là một cầu thủ trẻ, cơ hội để lên tuyển QG còn nhiều, khi cuối năm là AFF Cup 2014 và những giải đấu khác. Án phạt này không chỉ khiến Đình Đồng “nghỉ chơi” 1 năm mà cơ hội trở lại đội tuyển cũng không còn.
Liệu những án phạt này đã đủ sức răn đe? Nó chỉ có thể tác động tới phần nào. Bản chất cho bài thuốc chống bạo lực ở V-League không phải là ở án phạt mà là cơ chế đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, ý thức bảo vệ nghề nghiệp cho mình và cho cầu thủ đối phương, ngay từ khi vào nghề.
Trong khi đó, chơi bạo lực, đá để đối phương phải sợ vẫn là cách mà nhiều CLB áp dụng, nhiều HLV khuyến khích “ngầm” cầu thủ đá rắn.
Bóng đá VN đã có một hình ảnh tương phản với những pha bóng bạo lực ở V-League là đội U.19 VN với lối chơi đẹp, 10 trận không thẻ vàng. Chìa khóa chính là rèn luyện ý thức cầu thủ khi vào nghề. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức có lý khi không muốn các cầu thủ trẻ của mình chơi ở V-League vì sợ họ mất nghề với những pha bóng bạo lực của đối phương.
Ngăn bạo lực sân cỏ là chuyện của CLB. Tuy nhiên đây là việc khó, bóng đá là môn thể thao phản ánh những góc độ của cuộc sống. Trong một xã hội đang có xu hướng giải quyết các xung đột (trong gia đình, ngoài xã hội) bằng bạo lực thì bóng đá khó tránh khỏi lây nhiễm.
Khi các CLB không khuyến khích cầu thủ bạo lực, khi cầu thủ luôn nhắc nhở bảo vệ nghề của đối phương và cá nhân, thì đó chính là phương thuốc mang lại hy vọng, chứ không phải từ một ông trưởng giải đến từ Nhật Bản.