Góc nhìn Đình Đồng: Phạt kiểu... "ao làng"

Đức Phan |

(Soha.vn) - Đúng như khẳng định của Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường, Đình Đồng đã phải nhận một án phạt rất nặng. Song đằng sau bản án ấy có không ít điều phải suy ngẫm.

Theo án phạt được Ban kỷ luật VFF đưa ra, do hành vi vào bóng bằng cả 2 chân, khiến cầu thủ Anh Hùng của HVAG bị chấn thương nặng, Đình Đồng sẽ bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐ Việt Nam tổ chức đến ngày 31/12/2014 (đồng nghĩa là phải nghỉ đến hết giải), bị tiền 20 triệu đồng, đồng thời phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Hùng.

Như vậy, đây chính là bản án nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với lỗi chơi thô bạo được VFF đưa ra (theo tính toán Đình Đồng sẽ phải thi đấu tối đa đến 23 trận chỉ tính riêng trong màu áo SLNA, chứ chưa kể ĐTQG). Không hiểu quyết định này của Ban kỷ luật có bị chi phối gì bởi ý kiến của Quyền Chủ tịch VFF ông Nguyễn Hùng Dũng đề nghị coi đây là án điểm, phải xử thật nặng hay không?

Cho dù về nguyên tắc Ban kỷ luật hoạt động hoàn toàn độc lập và không VIP nào của VFF có thể can thiệp vào. Tuy nhiên, ở đây người viết không muốn bàn về khía nặng nhẹ của bản án (dù SLNA ngay sau khi nhận được thông tin đã phản đối dữ dội), bởi dù gì đấy cũng là một vấn đề mang tính cảm tính. Điều khiến người viết trăn trở chính là việc VFF yêu cầu Đình Đồng phải chi trả toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương của Anh Hùng.

Xét về luật thì Ban kỷ luật cũng không sai khi đưa ra điều khoản ấy. Do khoản 2 và 3 Điều 39 – Quy định về kỷ luật của VFF có nêu rõ: “2. Trường hợp có hành vi xâm phạm thân thể nghiêm trọng có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn; 3. Phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra.”.

Đình Đồng phải trả giá đắt

Đình Đồng phải trả giá đắt

Chỉ có điều, trên thực tế đây là điều có lẽ không có tiền lệ đối với các giải bóng đá quốc tế nói riêng và thể thao đỉnh cao nói chung. Ai cũng hiểu thi đấu thể thao thường mang tính chất đối kháng, máu lửa vì vậy những chấn thương là điều khó tránh khỏi. Nhưng những chấn thương như vậy thường mang tính tai nạn hơn là chủ định triệt hạ đối phương. Bởi hơn ai hết các CĐV chuyên nghiệp hiểu rằng bảo vệ người khác cũng là cách tốt nhất bảo vệ chính họ.

Thế nên, việc quy trách nhiệm chữa trị cho cá nhân cầu thủ là không hợp lý. Nhất là khi chi phí chữa trị y tế với các chấn thương phức tạp là rất lớn. Nếu không may VĐV có thể bị chấn thương dai dẳng cả đời, thậm chí cá biệt có những người còn phải sống thực vật vì chấn thương gặp phải khi thi đấu. Trong trường hợp ấy, chắc chắn 1 cá nhân không thể cáng đáng được khoản kinh phí chữa trị này. Việc đặt trách nhiệm lên cá nhân như trường hợp của Đình Đồng hoàn toàn có thể “giết chết” sự nghiệp của cả 2 con người (trong trường hợp anh này không thể cáng đáng được kinh phí).

Ở những giải đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ sẽ được mua bảo hiểm. Khi ấy những chi phí phát sinh do điều trị chấn thương sẽ do công ty bảo hiểm chi trả. Đấy rõ ràng là phương án hợp lý nhất. Nó không chỉ đảm bảo cho tương lai của các cầu thủ, mà còn thực hiện đúng nguyên tắc cao thượng của thể thao: mọi vấn đề trên sân đấu thì đều để lại sân đấu. Khi thi đấu là hết mình, có thể coi nhau như kẻ thù, nhưng đã hết cuộc chơi họ là bạn, là đồng nghiệp, là anh em.

Bóng đá Việt Nam đã khoác lên mình cái danh chuyên nghiệp. Nhưng nó vẫn còn nhiều khoảng trống, méo mó chẳng giống ai. Án phạt của Đình Đồng một lần nữa cho thấy điều đó. Người ta có thể cấm tuyển thủ này thi đấu, cũng có thể phạt tiền anh, vì cả thế giới đều làm như vậy. Nhưng chuyện chi trả kinh phí chữa trị hãy nghĩ đến một giải pháp chuyên nghiệp hơn, như yêu cầu các CLB bắt buộc phải mua bảo hiểm mức đặc biệt cho thân thể của các cầu thủ. Đấy mới là tư duy của những nhà làm bóng đá để bảo vệ các cầu thủ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại