Tại Hội nghị chuyên đề về thể thao Việt Nam nhằm chuẩn bị cho phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan nêu lên thực trạng đầy lo lắng: “Tôi xem truyền hình thấy bóng đá VN bạo lực quá. Cầu thủ đá, đạp nhau… Thắng mà đạo đức kém thì chẳng hay ho gì. Cần phải hội nhập văn hóa trong lĩnh vực bóng đá thì cầu thủ VN lại không có…”.
Lẽ ra thì những nhà điều hành bóng đá hay những người có trách nhiệm trong ngành thể thao phải thấy điều đó trước và có biện pháp để chấn chỉnh. Đàng này thì có những nhà làm bóng đá lại bao biện theo khía cạnh đơn thuần chỉ là va chạm bình thường trong bóng đá.
Đã có rất nhiều hồi chuông gióng lên về đạo đức cầu thủ, nhưng biện pháp kỷ luật mới chỉ là một phần. Phần chính phải từ ý thức của những nhà điều hành bóng đá xác định việc dạy cầu thủ ngay từ nhỏ, mà điển hình là từ những lớp năng khiếu - điều mà nhiều đội, nhiều "lò" chỉ chăm chút cho đôi chân, chứ không chăm cho cái đầu. Có thể thấy rất rõ là cảnh các em năng khiếu khiêng cáng ở sân Ninh Bình.
Nếu không được người lớn chỉ bảo điều xấu hoặc bật đèn xanh thì chắc chắn các em này không dám khiêng cáng theo kiểu hốt và đổ cầu thủ đội khách xuống sân như trút đòn thù. Hoặc ở một số sân, các em năng khiếu làm nhiệm vụ nhặt bóng còn được giao nhiệm vụ câu giờ khi đội nhà dẫn bàn và đưa bóng vào cuộc nhanh lúc đội nhà thua…
Ai cũng hô hào lập lại trật tự bóng đá và đưa sân cỏ đi vào nề nếp, có văn hóa, nhưng cùng nhau hướng đến thứ bóng đá tử tế thì nhiều đội vẫn dạy trẻ tiểu xảo từ tuổi mới học đá bóng.