Ở nước ngoài khi các nhà tài phiệt đổ tiền vào bóng đá thì trước hết đó là vì tình yêu. Massimo Moratti mua lại Inter Milan đó đơn giản vì tình cảm đã được hun đúc từ người cha Angelo truyền lại. Hay những Abramovich (Chelsea), Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan ( Manchester City ) rồi các ông chủ Qatar của PSG… tất cả họ khi đầu tư vào các CLB của mình thì đó hoàn toàn vì tình yêu dành cho môn túc cầu. Có rất ít trường hợp đến với bóng đá để vụ lợi giống như trường hợp nhà Glazer tại Man United. Trong khi đó, hoàn toàn ngược lại, ở Việt Nam , các ông bầu làm bóng đá trước hết là vì lợi nhuận.
Bầu Đức có thể coi là người mở màn cho trào lưu lấy bóng đá để kinh doanh. Chỉ với 2 năm đổ tiền vào CLB Hoàng Anh Gia Lai để đưa đội bóng này từ chỗ vô danh trở thành nhà vô địch V-League, công ty cùng tên của bầu Đức cũng nghiễm nhiên bước ra khỏi bóng tối, vươn mình đầy ngoạn mục lên vị trí hàng đầu Việt Nam cả về danh tiếng lẫn tiềm lực. Nối bước bầu Đức rất nhiều ông bầu đã nhảy vào cuộc chơi bóng banh để tranh thủ kiếm chác. Điển hình là bầu Hiển, ông bầu này đã nhận được không ít dự án tại đất Đà Nẵng khi chấp nhận đứng ra cầm đội bóng sông Hàn. Hiện tại bầu Hiển được cho là đang “kiếm chác” ở tỉnh láng giềng Quảng Nam thông qua việc gián tiếp đổ tiền vào CLB QNK Quảng Nam .
Bầu Đức - bầu Kiên, hai ông bầu nổi tiếng bậc nhất bóng đá Việt nam
Bi hài nhất trong câu chuyện tranh thủ bóng đá để “chạy” dự án thuộc về bầu Thụy. Từng sở hữu CLB Xuân Thành Hà Tĩnh, nhưng sau khi không được tỉnh này bật đèn xanh để kiếm lợi như dự kiến, ông bầu này đã chuyển luôn trụ sở đội vào Sài Gòn và đổi tên thành Sài Gòn Xuân Thành. Đứng chân tại Sài Thành, đội bóng của bầu Thụy cũng không từ bỏ mong muốn “đào mỏ”, khi đã rất nhiều lần có công văn gửi Thành phố đề nghị có trách nhiệm gánh vác, san sẻ với đội bóng.
Bên cạnh các ông bầu muốn dùng bóng đá làm bước đệm để trục lợi, thì ở môi trường bóng đá Việt Nam còn một dạng bầu đặc trưng nữa, đấy là trưởng giả học làm sang. Khi nền kinh tế phát triển nóng rất nhiều người nhảy vào làm bóng đá, sở hữu cho mình 1 đội bóng như thể khoác lên một thứ đồ trang sức thượng hạng để khẳng định đẳng cấp. Chỉ có điều khi kinh tế gặp khó khăn thì những trưởng giả nửa mùa ấy cũng nhanh chóng “đào tẩu”, để lại đống hoang tàn đổ nát.
Có thể kể ra đây những đội bóng chỉ tồn tại 1 mùa duy nhất như Quang Minh DE C chẳng hạn. Đội bóng này được thành lập trên cơ sở ông bầu Phan Đăng Khoa tiếp nhận lại CLB Quân Khu 3 khi ấy đang chơi ở hạng Nhì. Ở thời điểm đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Bóng Đá bầu Khoa còn mạnh miệng khẳng định sẽ làm bóng đá bài bản, đưa Quang Minh DEC trở thành một thế lực. Thế nhưng, chỉ sau đúng mùa giải 2007, đứng nhì bảng hạng Nhì sau Hà Nội T&T, người ta đã không còn bao giờ nghe thấy đến đội bóng này nữa. Tương tự như thế là số phận chết yểu của Đá Mỹ Nghệ hay Khách Sạn Khải Hoàn…
Chuyên gia người Nhật Bản Tanabe khi được mời sang Việt Nam đã nói về sự phát triển bóng đá bền vững. Song với sự lệch lạc ngay từ điểm xuất phát này của các ông bầu theo kiểu người tham, kẻ thì sĩ, e rằng cái khái niệm cao sang kia còn lâu mới có thể biến thành sự thật ở V-League!