"Cú sốc" và "đòn mạnh" vào HAGL
Trong một báo cáo có tên gọi Rubber Barons (những ông trùm cao su) được công bố vào đầu tháng 5/2013 về hoạt động của các công ty cao su tại Lào và Campuchia, tổ chức Nhân chứng Toàn Cầu Global Witness cho rằng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tiến hành "chiếm đất" tại Campuchia và Lào.
Tổ chức này cũng cáo buộc HAGL và VRG “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền của họ, trái với các quy định của pháp luật”.
Hoạt động của HAGL và VRG còn được nhìn nhận là “phớt lờ luật pháp và đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su tại đây”.
Bản báo cáo nêu những con số về đất đai “có vấn đề” của HAGL và các công ty liên kết, là dường như đang được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất đai. Trong đó có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này, thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.
Báo cáo GW không chỉ chỉ trích HAGL mà còn chỉ trích cả Ngân hàng Deutsche Bank và Tổ chức Tài chính Thế giới IFC đã tài trợ cho HAGL phá rừng làm đồn điền trồng cao su ở Campuchia và Lào.
Thậm chí, sự chỉ trích còn hướng vào Chính phủ hai quốc gia nhận đầu tư, khi cho rằng đã có những bộ phận quan chức tham nhũng tiếp tay cho những hành động của các “ông trùm”.
“Cú đấm” của GW vào HAGL ở lĩnh vực cao su vì thế là một sự đe doạ cho HAGL, cả về hình ảnh doanh nghiệp FDI tại Lào - Campuchia và về lợi ích.
Bởi khi chỉ trích nhất là liên quan đến môi trường và con người tạo thành sự tẩy chay thì câu chuyện thiệt hại đã trở thành một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc trên góc độ kinh tế.
Ngay khi dính vào bê bối này, khắp các trang tài chính quốc tế đều đăng tải thông tin. Ngoài ra, về mặt tác động tâm lý xã hội, trên trang change.org thậm chí đã có kiến nghị của cổ động viên Arsenal (Arsenal FC) muốn tẩy chay HAGL vì nghi án chiếm đất ở Đông Nam Á.
Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) sau cáo buộc của GW cũng đăng tải các thông tin cho rằng, VRG và HAGL đã thất bại trong việc tham khảo ý kiến người dân địa phương về bồi thường đất đai. Bài viết cũng kèm theo đăng tải các phản ánh của người dân địa phương về thực trạng này.
Ngoài việc bị ảnh hướng đến hình ảnh, thương hiệu, tâm lý đầu tư, chỉ trong một thời gian ngắn, vụ lùm xùm này đã gây ra tổn thất không nhỏ cho HAGL. Chốt phiên giao dịch ngày 14/5, Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai lao dốc mạnh. Cụ thể, HAG mất 1.400 đồng/cp, tương ứng đánh mất xấp xỉ 6% xuống còn 21.400 đồng/cp.
Việc bầu Đức đang nắm trên 311,6 triệu cổ phiếu HAG. Với biên độ giảm của HAG tính riêng trong phiên 14/5, bầu Đức đã phải ngậm ngùi nhìn 436,25 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi khối tài sản của mình.
Sẵn sàng đối chất về cáo buộc "cướp đất, phá rừng"
Trước những cáo buộc trên của GW, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã phải tổ chức họp báo vào chiều 17/5 để nói rõ về hoạt động đầu tư của HAGL tại Lào và Campuchia. Cho rằng, các cáo buộc là “bịa đặt 99,9%”, bầu Đức khẳng định HAGL “không lấy một tí đất nào của dân, không đụng vào một lóng gỗ nào”.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho rằng các hoạt động đầu tư của tập đoàn vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Lào, Campuchia đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.
Ông Đức nhấn mạnh, HAGL không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của HAGL. Chính phủ Lào và Campuchia có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ.
“Global Witness chưa chỉ ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Chúng tôi sẵn sàng đối chất với họ. Chúng tôi đề nghị Global Witness không chỉ gặp mặt hai bên mà phải có mặt các hãng thông tấn quốc tế - những tổ chức báo chí đã được Global Witness gửi thông cáo. Qua đó sẽ họp bàn và khảo sát thực địa để các bên có thể đánh giá cái gì được, cái gì chưa được. Nếu HAGL có điểm nào chưa đáp ứng được thì sẽ tìm phương án hợp lý để khắc phục”, ông Đoàn Nguyên Đức nói.
Ông khẳng định, HAGL đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương bằng cách đóng thuế, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương và có nhiều đóng góp mang tính cộng đồng.
Vì thế, trong những năm gần đây, HAGL "nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ Chính phủ Lào và Campuchia". Đồng thời, "chính phủ hai nước khuyến khích các nhà đầu tư khác nên đi theo mô hình của HAGL".
Chủ tịch HAGL cũng cho biết, Global Witness đã liên lạc với HAGL với một loạt các câu hỏi về các hoạt động của tập đoàn. Tuy nhiên, tổ chức này không cung cấp và chia sẻ các bằng chứng và cũng không nêu lên một cách cụ thể các dẫn chứng liên quan đến các vấn đề đã đề cập.
Đồng thời, bầu Đức cũng tiết lộ, hai năm trước, Chính phủ Lào từng ngỏ ý trả nợ số tiền HAGL cho nước này mượn xây làng SEA Games vào năm 2009 trị giá 19 triệu USD bằng gỗ nhưng ông đã gửi công văn từ chối và yêu cầu chỉ nhận tiền mặt.
Cùng với đó, chính các quan chức cao cấp trong Chính phủ Lào và Campuchia cũng đồng loạt lên tiếng phản đối các cáo buộc của Global Witnetss.
Ông Khamphan Phommathat - Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu (tỉnh mà HAGL đầu tư lớn nhất tại Lào) cho biết: “Mỗi dự án của HAGL đều tạo ra những đột phá về cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm, an sinh đối với người dân nơi đây. Khoảng vài năm gần đây, Attapeu thay đổi diện mạo từng ngày nhờ các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự có mặt của HAGL”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavad đã nhiều lần khẳng định ở các Hội nghị Đầu tư Việt -Lào: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy các DN VN đã thực hiện rất đúng các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của 2 Đảng, 2 Chính phủ. Một số địa phương chúng tôi đi thăm, đều thấy rằng các DN VN sang đầu tư đã cùng chúng tôi góp phần làm phát triển kinh tế, thu nhập của nhân dân tăng cao lên, cải thiện đáng kể đời sống, trí tuệ được nâng cao…
Ngoài chuyện làm ăn, các DN VN còn làm rất tốt công tác xã hội, mà HAGL với VRG là những hình mẫu về đầu tư nước ngoài hiệu quả và đầy tính trách nhiệm tại Lào, làm cho mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước ngày càng gắn bó, sâu sắc, tốt đẹp hơn...”
Còn Phó Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Yim Chhay Ly cũng lên tiếng bác bỏ hoàn toàn các thông tin không đúng sự thật gần đây của Tổ chức Global Witness và Đài châu Á tự do (RFA) cáo buộc các công ty thuộc Tập đoàn Cao su VN và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào Campuchia đã hủy hoại môi trường, lấn chiếm đất của người dân địa phương.
Ông nhấn mạnh các công ty VN nói chung và các công ty cao su nói riêng đã nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp Campuchia, tôn trọng phong tục, tập quán của người dân địa phương, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án.
Phó thủ tướng chỉ trích Global Witness đã sử dụng các hình ảnh có từ thời Khmer Đỏ để cáo buộc các công ty cao su VN phá rừng; hoặc ngụy tạo nhân chứng để cho rằng công ty VN dùng vũ lực ngăn cản người dân địa phương canh tác trên phần đất của họ.
Và trong buổi gặp báo chí vào chiều 17/5, ông Đức cũng khẳng định: "Trước các cáo buộc này, tâm lý nhà đầu tư bị xáo trộn còn đối với tập đoàn HAGL hiện tại đang đầu tư tại Lào hoàn toàn đúng luật pháp thì không có việc gì chúng tôi phải dừng lại, mọi việc vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã vạch ra từ trước. Chứ không phải nghe tổ chức GW cáo buộc mà bỏ chạy”.
Hiện tại, các tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết. HAGL cho biết đã mời một tổ chức có quy mô hơn Global Witness là Bureau Veritas - tập đoàn Toàn cầu của Pháp, hoạt động trên 130 năm về dịch vụ đánh giá và chứng nhận về Chất lượng, Sức khỏe & An toàn, Môi trường và Trách nhiệm xã hội (QHSE-SA) - thực địa các dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia. Qua đó sẽ lấy được chứng chỉ quản lý rừng bền vững và cũng sẽ có những kết luận cuối cùng cho cuộc chiến chống lại những cáo buộc "cướp đất, phá rừng" này củaGW.
Khi nhận xét về việc HAGL bị cáo buộc "cướp đất, phá rừng", GS Nguyễn Ngọc Lung cho hay:
Việc HAGL (hay bất kỳ ai) đầu từ sang các nước khác thì thường là phải có lãi hoặc lợi ích cao hơn, đầu tư là hành động kinh doanh chứ không phải là làm nhân đạo. Còn nước được đầu tư cũng thấy cái lợi, là có vốn, có công nghệ, hơn thiệt thì chính họ phải cân nhắc, có thể cho là cơ hội được vay vốn của HAGL, hoặc cơ hội cải thiện đời sống cho dân.
Có lẽ HAGL nói đúng. Nếu theo luật của Việt Nam thì chủ đầu tư được thuê đất sạch, không liên quan đến kinh doanh gỗ để giải phóng mặt bằng như xưa.
Từ cách đây 15 năm tôi đã phải chủ trì cuộc họp ở Đông Dương chính là vì Campuchia lúc đó các quân khu được giao rừng, giao mỏ đá quý đang phá rừng ác liệt, mà mình mua gỗ của Campuchia thì thế giới đã lên tiếng cảnh báo đây là hành động tiếp tay cho nạn phá rừng. Do quan niệm khác nhau, mình đã lý luận rằng mình không mua thì các nước khác họ sẽ mua vì vậy tôi mua trên cơ sở bình đẳng quốc tế. Ký hợp đồng mua bán, việc vi phạm của 1 công ty thì công ty đó bị xử lý...
Tức là mình không muốn tiếp tay phá rừng nhưng nếu không mua thì họ vẫn bán để nuôi sống quân đội của họ. Tôi không thể bình luận gì vì chưa nghiên cứu tố cáo của GW và không có thông tin về dự án của HAGL .