Trong thế hệ cầu thủ U16 Việt Nam từng đánh bại U16 Trung Quốc năm 2000, Văn Quyến và Như Thuật được đánh giá là 2 gương mặt nổi bật nhất.
Điều đó cũng tương tự như những gì đang diễn ra với Công Phượng và Tuấn Anh lúc này.
Có thể tìm ra khá nhiều nét tương đồng giữa Tuấn Anh và người đàn anh Như Thuật, từ chiếc áo số 8 đến phong cách thi đấu kỹ thuật, những đường chuyền dọn cỗ thông minh và những pha lập công luôn để lại dấu ấn bởi sự tinh tế.
Và thậm chí, 2 cầu thủ này còn giống nhau cả ở nhược điểm về thể lực cũng như hạn chế trong khả năng tranh chấp.
Ngược thời gian trở về thời của Như Thuật, những nhược điểm vừa nhắc cũng chính là lực cản ngăn anh phát triển khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp.
Không giống như nhiều người đồng đội ở SLNA, sa sút trên sân cỏ vì dính vào tệ nạn hay những thú vui không có điểm dừng, Như Thuật được biết đến là cầu thủ rất chỉn chu, ngăn nắp.
Thế nhưng kể từ thời điểm tỏa sáng rực rỡ năm 2000, tiền vệ sinh năm 1984 không bao giờ còn tái hiện lại được những khoảnh khắc ấn tượng trên sân cỏ.
Theo dõi Như Thuật thi đấu, ai cũng phải thừa nhận đó là mẫu cầu thủ “chơi bóng bằng đầu”. Song bóng đá không hoàn toàn chỉ là trò chơi của trí tuệ.
Như Thuật đã không vượt qua được giới hạn của bản thân anh về mặt thể chất và cũng không tìm ra được giải pháp để thích nghi trong quá trình phát triển từ cấp độ giải trẻ lên thi đấu chuyên nghiệp.
Sau mùa giải 2015, Như Thuật đã treo giày để chuyển sang nghiệp huấn luyện.
Trở lại với câu chuyện của Tuấn Anh, rất khó để phủ nhận thực tế “viên ngọc thô” của bầu Đức đã sa sút khá nhiều so với thời điểm một, hai năm trước.
Khi tiền vệ người Thái Bình bị loại khỏi U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á và sau đó là SEA Games 28, nhiều ý kiến từng cho rằng lối chơi kỹ thuật, mềm mại của anh không phù hợp với triết lý bóng đá thực dụng và đề cao tính chiến đấu của HLV Miura.
Tại V-League 2015, Tuấn Anh thi đấu 25 trận và chỉ ghi được một bàn thắng. Trong khi đó, Công Phượng ghi được 4 bàn và còn có nhiều đóng góp trong mầu áo U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28.
Song một người đàn anh khác cũng có lối chơi thiên về kỹ thuật, cựu thủ quân ĐTVN Nguyễn Minh Phương không đồng ý với quan điểm này:
“Là cầu thủ chuyên nghiệp, anh phải tìm cách thích nghi với mọi yêu cầu của HLV và đá được trong mọi sơ đồ chiến thuật”.
Minh Phương đưa ra ví dụ từ chính trải nghiệm của bản thân anh: “Khi mới lên đội tuyển, tôi cũng gặp không ít khó khăn với triết lý “fighting” của thầy Calisto.
Song tôi buộc phải thay đổi phong cách chơi bóng để đáp ứng yêu cầu của thầy. Nếu không, tôi sẽ đối diện với nguy cơ bị loại và không bao giờ có cơ hội thi đấu tại AFF Cup 2008”.
Trên thực tế, chưa cần nói đến sự thay đổi HLV, Tuấn Anh đã có dấu hiệu sa sút ngay khi còn chơi bóng dưới sự dẫn dắt của người thầy Graechen.
Anh tỏa sáng trong màu áo U19 Việt Nam suốt 2 năm 2013-2014. Nhưng gần như không để lại dấu ấn nào đáng kể khi bước vào thi đấu tại V-League.
Đó là sự khác biệt đáng kể so với cách Công Phượng đã cho thấy sự tiến bộ cả ở cấp CLB lẫn đội tuyển.
Thế nên, nếu Tuấn Anh không thay đổi và có bước đột phá trong quá trình phát triển, tiền vệ sinh năm 1995 sẽ đối diện với nguy cơ trở thành một Như Thuật 2.0.
Thế giới bóng đá chứng kiến không ít trường hợp những tài năng trẻ sau này tồn tại ở dạng “tiềm năng” khi trưởng thành.
Nhưng thuận lợi của Tuấn Anh so với Như Thuật là tiền vệ người Thái Bình được đặt trong một môi trường không chỉ theo đuổi triết lý khác biệt so với mặt bằng bóng đá Việt Nam mà còn mở ra những cơ hội để nâng cao trình độ của các cầu thủ.
Chuyến sang Nhật của Tuấn Anh vì thế được kỳ vọng sẽ trở thành bước đột phá trong sự nghiệp của anh.
Kỹ thuật của Tuấn Anh