Trong khi Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam 2014 Phạm Thành Lương đang là HLV trẻ nhất theo học lớp bằng C (đang diễn ra tại Huế), thì Thế Anh cũng vừa hoàn thành chứng chỉ A HLV của AFC sau khóa học ở Nha Trang (Khánh Hoà).
HLV Phạm Thành Lương
Nghe có vẻ ngồ ngộ, khi Lương chỉ mới bước qua tuổi 27 (theo giấy tờ), hiện ở thời kỳ chín nhất của sự nghiệp và cũng đang nắm giữ kỷ lục 3 QBV (ngang với các đàn anh Công Vinh và Huỳnh Đức).
Với sự dẻo dai, kỹ - chiến thuật và nhãn quan chiến thuật hơn người, cùng việc điều chỉnh lối đá – vị trí trên sân, Thành Lương có thể chơi bóng thêm 5-7 năm nữa. Ấy thế mà tiền vệ nhỏ con này đã lại lều chõng, học để một ngày kia làm thầy.
Cách đây hơn 3 năm, khi Cty VietFootball được thành lập với một nhánh chuyên hoạt động – huấn luyện bóng đá cộng đồng (VietGoal sau này – PV), Thành Lương xỏ giầy chơi bóng cùng các em nhỏ, nhìn rất ra dáng một HLV.
Tuy nhiên, khi được các phụ huynh đề bạt, Lương chỉ khiêm tốn: “Giờ em chỉ biết đá bóng thôi, còn muốn làm huấn luyện thì phải đi học. Huấn luyện bóng đá trẻ có những đòi hỏi rất khắt khe”.
Có thể, ý thức trở thành một HLV bóng đá chuyên nghiệp của Thành Lương đã được phôi thai kể từ ấy. Và giờ, tiền vệ CLB Hà Nội T&T bắt đầu trang bị cho mình những kiến thức huấn luyện cần thiết, theo trình tự C, B, A và Pro. Đương kim HLV trưởng ĐT U19 Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn, đang được xem là người duy nhất ở Việt Nam đạt chuẩn các văn bằng huấn luyện quốc tế của AFC, sau lớp FIFA Pro vừa kết thúc.
Trong đội hình ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, tiền vệ đội trưởng Nguyễn Minh Phương là người có “học vị” cao nhất theo chuẩn, khi Phương đã học lớp sau bằng A (của AFC).
Kế đến, Tài Em, Thế Anh…, cũng rất đáng biểu dương. Song song với việc học để chuẩn bị cho hậu vận, những Thế Anh, Anh Đức thậm chí còn đang sở hữu những hạng mục kinh doanh đồ sộ như nhà hàng, bất động sản, đồ thể thao…
Với cựu thủ môn ĐT Việt Nam và B.Bình Dương, Nguyễn Thế Anh, lộ trình trở thành HLV chuyên nghiệp được vạch ra một cách rất nghiêm túc.
Năm 2007, ở tuổi 27 (bằng với Thành Lương bây giờ) và vừa giành chức vô địch V-League lần đầu tiên trong sự nghiệp cùng B.Bình Dương, Thế Anh nộp đơn theo học bóng đá chuyên sâu tại Đại học TDTT TP.HCM, đồng thời bắt đầu xin các suất học bằng HLV chuyên nghiệp.
Là người biết tích luỹ, Thế Anh sở hữu vốn bất động sản, nhà cửa, hệ thống phòng trọ cho thuê và sân bóng cỏ nhân tạo rất hoành tráng.
Chuyển về XSKT Cần Thơ thi đấu và đang được cơ cấu vào BHL, thủ thành người Nghệ An tranh thủ rót thêm vốn vào nhà hàng King Club to nhất nhì Tây đô. Tổng tài sản lưu động và bất động của thủ môn được đánh giá là “đầu óc” này giờ lên tới cả triệu USD.
Độc hành như Nguyễn Hữu Thắng
Khi phần lớn các đồng nghiệp, đồng đội đều đi theo lộ trình bất biến: Học để trở thành HLV chuyên nghiệp, thì cựu tiền vệ ĐT Việt Nam và B.Bình Dương, Nguyễn Hữu Thắng (còn gọi là Thắng “Thòn” – PV) mở cho mình một lối đi riêng, rất ung dung tự tại:
Sáng đưa con đi học, chiều đón về, thi thoảng làm mấy trận bóng phủi, gọi là kiếm ít mồ hôi. Với Thắng, dứt được ra khỏi “cái nợ” với quả bóng, thực sự là niềm vui lớn.
Nói là “cái nợ”, bởi Thắng “Thòn” (Hữu Thắng vốn là con của cựu danh thủ Nguyễn Văn Thòn, người từng khoác áo Cảng Sài Gòn – PV) vốn không thật đam mê quả bóng tròn.
“Ngay cả khi còn thi đấu, bóng đá cũng không chảy trong huyết quản của tôi. Tôi chỉ xem đó là một công việc, thích thì chơi, không thích thì nghỉ. Vinh quang chỉ như cái chớp mắt và đến giờ này, tôi đã quá ngán ngẩm rồi”, Hữu Thắng chia sẻ.
Hữu Thắng nhìn khá tài tử, nhưng khó gần và thậm chí khó ưa, song những ai chơi từng với anh, những người mà anh xem là bạn, là bằng hữu phải nói là rất trân quý, bởi sự thẳng thắn, bộc trực.
“Tôi sẽ làm thêm cái gì đấy, nhưng chắc chắn không liên quan gì đến bóng đá cả. Giờ ngoài công việc đưa đón, chăm sóc con cái, cuối tháng tôi đi thu tiền phòng trọ, cuộc sống cũng tạm ổn”, vẫn lời Thắng.
So với những đồng nghiệp cùng thế hệ từng thành danh, Hữu Thắng không thuộc “tốp” cầu thủ có tổng giá trị chuyển nhượng cao ngất ngưởng, dù anh cũng từng chuyển ra V.Ninh Bình, hoặc nhiều lần tái ký với B.Bình Dương và thậm chí từng được LA Galaxy ở MLS mời qua thử việc...
Nhưng, Thắng là người biết tích luỹ và không ném tiền qua cửa sổ, hay các thú vui tao nhã gọi là thời thượng của giời quần đùi áo số.
Trở thành HLV chuyên nghiệp là một lựa chọn khả dĩ nhất (chứ không phải duy nhất) với cầu thủ trước và sau giải nghệ. Hữu Thắng không cố tỏ ra mình khác biệt, mà đơn giản, anh có điều kiện để chọn lựa.
1. Ở tuổi 27, Thành Lương là cầu thủ đương thời trẻ nhất đã và đang theo học các lớp HLV chuyên nghiệp.
Trước Lương, nhiều đàn anh khác cũng học HLV từ khi còn khá trẻ, nhưng là bởi họ không có lựa chọn khác, vì chấn thương hay vì lý do gì đó, mà phải bỏ ngang nghiệp “quần đùi áo số”, học làm nghề là lựa chọn đầu tiên duy nhất.
45. Ở tuổi 45, HLV Trịnh Tấn Thành (Đồng Tháp và ĐT Việt Nam) chắc chắn là một trong những người nhiều tuổi nhất vừa mới hoàn thành bằng B HLV được tổ chức tại An Giang.
51. HLV Lê Thuỵ Hải chỉ có chức vô địch V-League lần đầu tiên khi đã 51 tuổi (B.Bình Dương năm 2007), dù ông Hải “lơ” là một trong những HLV Việt Nam đầu tiên theo học lớp bằng C (cùng với những lão tiền bối như Lê Thế Thọ, Nguyễn Thành Vinh, Trần Bình Sự, Trần Văn Phúc...).
Giờ ở tuổi hưu, ông Hải vẫn chưa thể kiện toàn bằng cấp huấn luyện vì nhiều lý do.