Tiết lộ lý do võ thuật Việt Nam khuynh đảo bốn phương

Hạ Huyền |

Không chỉ dừng lại ở những thành tích vang dội trong khu vực ĐNA, các môn võ thuật cũng làm rạng danh thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.

Võ thuật làm rạng danh thể thao Việt Nam

Trong khi rất nhiều môn thể thao Việt Nam (TTVN) chưa từng giành huy chương ASIAD hoặc Olympic, các môn võ thuật đã làm được điều này từ hơn 10 năm trước và luôn nằm ở tốp đầu SEA Games.

Có thể kể ra những ví dụ tiêu biểu như tấm HCV của Trần Quang Hạ ở môn taekwondo tại ASIAD 1994. Đến ASIAD 1998, Hồ Nhất Thống cũng tái lập thành tích tương tự.

Tại Olympic 2000, nữ VĐV taekwondo Trần Hiếu Ngân xuất sắc giành HCB lịch sử - huy chương đầu tiên của TTVN tại đấu trường Olympic.

Giấc mơ giành huy chương Olympic không biết bao giờ mới đến với Ánh Viên nhưng Trần Hiếu Ngân đã làm được điều này 15 năm trước.
Giấc mơ giành huy chương Olympic không biết bao giờ mới đến với Ánh Viên nhưng Trần Hiếu Ngân đã làm được điều này 15 năm trước.

Môn võ thuật thứ hai cũng đạt đến đẳng cấp rất cao của TTVN là karatedo. Ở khu vực ĐNA, ngoài taekwondo thì karatedo Việt Nam cũng thường xuyên tranh chấp vị trí nhất nhì tại các kỳ SEA Games.

Trên bình diện châu lục, Vũ Kim Anh và Nguyễn Trọng Bảo Ngọc từng đóng góp 2 trên tổng số 4 HCV của TTVN tại ASIAD 2002. Đây cũng là kỳ Đại hội thể thao châu lục, TTVN giành được thành tích tốt nhất từ trước đến nay.

Tới ASIAD 2006, đến lượt Vũ Thị Nguyệt Ánh kế tiếp truyền thống vẻ vang bằng tấm HCV.

Môn võ thuật thứ ba cũng làm rạng danh cho TTVN trên đấu trường quốc tế là wushu với những tên tuổi như Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Phương Lan… trong quá khứ.


Vũ Thị Nguyệt Ánh (giáp đỏ) giành HCV ở môn karatedo tại ASIAD 2006.

Vũ Thị Nguyệt Ánh (giáp đỏ) giành HCV ở môn karatedo tại ASIAD 2006.

Gương mặt nổi bật nhất của wushu Việt Nam hiện tại là Dương Thúy Vi - VĐV đã giành tấm HCV đầu tiên của wushu Việt Nam tại một kỳ ASIAD (2014).

Ngoài ra, các môn võ thuật khác như pencak silat, judo, vật, boxing… cũng đều có đóng góp lớn trong sự phát triển của TTVN nhiều năm qua.

Truyền thống và sự thịnh trị của một xu hướng

Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, thành tích của các môn võ thuật trước hết gắn liền với tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, võ thuật vừa là hình thức rèn luyện sức khỏe vừa là vũ khí để đánh bại quân thù. Đó là truyền thống không phải dân tộc nào cũng có được.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Truyền thống ấy tiếp tục được vận dụng vào những năm tháng đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Đặc trưng của thể thao miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ này được gói gọn trong phương châm “chạy, nhảy, bơi, bắn, võ”. Bởi những môn thể thao này phục vụ hết sức đắc lực cho cuộc kháng chiến của dân tộc”.

Xu hướng vừa nhắc vẫn còn để lại ảnh hưởng sâu đậm đến thời điểm hiện tại, khi ngoài võ thuật, bắn súng Việt Nam cũng là môn thể thao thường xuyên gây tiếng vang trên đấu trường khu vực.

Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh là chuyên gia hàng đầu về thể thao Việt Nam.
Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh là chuyên gia hàng đầu về thể thao Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, một nguyên nhân quan trọng khác khiến võ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh thời kỳ tái hòa nhập thể thao khu vực là chủ trương “đi tắt đón đầu” trong những năm 1989-2003.

Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao kể lại: “Khi mới tái hòa nhập sân chơi khu vực, do ảnh hưởng của chiến tranh, sự suy giảm phát triển kinh tế, nền thể thao của chúng ta hầu như không có gì để đua tranh với các nước bạn.

Việc phát triển các môn võ thuật ở thời điểm đó nhằm đáp ứng nhu cầu thành tích trước mắt, tạo tiền đề để thể thao Việt Nam không bị tụt hậu.

Sở dĩ võ thuật được lựa chọn bởi mức độ đầu tư không lớn như nhiều môn thể thao khác, trong khi chúng ta đã có sẵn nền tảng tương đối tốt”.

Đó là lý do giải thích cho việc, trong khoảng thời gian kéo dài hàng thập kỷ, các môn võ thuật thường xuyên chiếm khoảng 50-60% tổng số huy chương của thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games.


Hồ Nhất Thống giành HCV ở môn taekwondo tại ASIAD 1998.

Hồ Nhất Thống giành HCV ở môn taekwondo tại ASIAD 1998.

Tuy vậy, vai trò của các môn võ thuật dần giảm sự ảnh hưởng theo quá trình chuyển hướng của thể thao Việt Nam sang đầu tư cho các môn thi đấu thuộc hệ thống Olympic.

Từ chỗ là các môn chủ đạo tìm kiếm huy chương qua các kỳ SEA Games, võ thuật đã phải nhường lại vị trí cho các môn khác như bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ hay đấu kiếm…

Tại SEA Games 28, hơn 85% số HCV của đoàn thể thao Việt Nam thuộc về các môn Olympic đã tô điểm rõ nét cho xu hướng nêu trên.

Đây là thực tế khá đáng buồn đối với các môn võ thuật, nhưng được xác định là xu thế tất yếu để nâng tầm thể thao Việt Nam hướng đến sân chơi châu lục và thế giới (phát triển các môn trong hệ thống Olympic).

Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, võ thuật Việt Nam cần phải có sự quy hoạch lại sau khoảng thời gian khá dài phát triển dàn trải.

Trương Đình Hoàng giành tấm HCV lịch sử cho boxing Việt Nam ở hạng cân 75 kg dành cho nam tại SEA Games 28.
Trương Đình Hoàng giành tấm HCV lịch sử cho boxing Việt Nam ở hạng cân 75 kg dành cho nam tại SEA Games 28.

Cụ thể là đầu tư trọng điểm cho các môn võ nằm trong hệ thống Olympic như taekwondo, karatedo, judo, vật, boxing… và tìm hướng phát triển khác cho các môn nằm ngoài hệ thống này.

Nếu thực hiện được điều đó, tương lai của võ thuật Việt Nam không hề ảm đạm mà trái lại vẫn sẽ rất sáng sủa với bề dày thành tích hàng chục năm qua.

Tại SEA Games 28, taekwondo đã mang về cho đoàn TTVN 5 HCV, pencak silat (4), wushu (4), boxing (3), judo (2)…

Do 2 môn karatedo và vật không nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games 28 nên võ thuật Việt Nam đã không có cơ hội nâng cao hơn nữa thành tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại