Sự thật về sức mạnh đáng sợ nhất của thầy Miura

Thu Minh |

Nhiều người khen sức mạnh này là điểm tiến bộ của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura. Tuy nhiên giá trị của nó có đúng như đánh giá?

Trên thực tế, không phải đến thời HLV Miura, bóng đá Việt Nam mới biết đến khái niệm “fighting”.

“Chiến đấu” với chính mình, với đồng đội và với đối thủ là thông điệp được người tiền nhiệm của HLV Miura là HLV Calisto hết sức nhấn mạnh, khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha còn tại vị.

Trong các yếu tố làm nên chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐTVN, sức mạnh tinh thần đóng vai trò quan trọng.

Bởi nếu thiếu điều đó, thầy trò HLV Calisto, vốn hầu như sắm vai cửa dưới, sẽ khó làm nên chuyện trước những đối thủ được đánh giá cao hơn (chẳng hạn Thái Lan).

Ngược thêm về quá khứ, nếu không có sức mạnh tinh thần, nền bóng đá ở vùng trũng như Việt Nam chắc sẽ khó đạt được những chiến tích như lọt vào tứ kết Asian Cup năm 2007, hay đi đến vòng loại thứ 3 (cuối cùng) của Olympic Bắc Kinh năm 2008.

Sức mạnh tinh thần đóng vai trò quan trọng trong chiến tích vô địch AFF Cup 2008 của ĐTVN. Ảnh: Zing
Sức mạnh tinh thần đóng vai trò quan trọng trong chiến tích vô địch AFF Cup 2008 của ĐTVN. Ảnh: Zing

Trước khi HLV Miura đến Việt Nam, nền bóng đá đã trải qua 2-3 năm ảm đạm. Không phủ nhận việc nhà cầm quân người Nhật quả đã “thổi” một luồng sinh khí mới vào diện mạo của cả 2 ĐT.

Song nói như cựu thủ quân ĐTVN Nguyễn Minh Phương: “Các đội bóng HLV Miura dẫn dắt đều có tuổi đời rất trẻ, mà với các đội bóng trẻ thì thể lực và tinh thần luôn là điểm mạnh”.

Bốn trong số 5 giải đấu chính thức của HLV Miura là dành cho các ĐT U23. Còn lại, ĐTVN tham dự AFF Cup 2014 có độ tuổi trung bình cũng là trẻ nhất trong khoảng chục năm trở lại.

Nếu nhìn theo bề ngoài, thái độ nhập cuộc không khác gì chiến binh hay lối chơi quyết liệt không ngại va chạm của các học trò HLV Miura khiến nhiều người nhầm tưởng rằng đó là biểu hiện của sức mạnh tinh thần.

Nhưng bản lĩnh của đội bóng không chỉ được đo bằng những pha truy cản đến độ… gãy xương sườn (tiền vệ Hoàng Thịnh) trong một trận giao hữu (gặp U23 Hàn Quốc), mà trước hết được thể hiện ở trạng thái giữ thăng bằng trong mọi hoàn cảnh.

Trước trận bán kết lượt về AFF Cup 2014, ai cũng nghĩ rằng tấm vé vào chung kết đã nằm gọn trong tay thầy trò HLV Miura, sau khi ĐTVN vượt qua Malaysia ngay trên sân khách.

Song chính bởi trạng thái mất tự chủ, các học trò của nhà cầm quân người Nhật đã tự thua chính mình, trước khi gục ngã bởi những đòn đánh không quá sắc sảo của Malaysia.

Sau thất bại ở bán kết AFF Cup 2014, các tuyển thủ khóc như mưa. Ảnh: Zing
Sau thất bại ở bán kết AFF Cup 2014, các tuyển thủ khóc như mưa. Ảnh: Zing

Một đội bóng mạnh về tinh thần và bản lĩnh chắc cũng khó bị “cóng” như U23 Việt Nam trong trận bán kết SEA Games 28, để rồi sau đó thất bại cay đắng trước U23 Myanmar bị đánh giá thấp hơn.

Chuyên gia Trịnh Minh Huế từng có lần tâm sự: “Bạn bè tôi ở nước ngoài xem U23 Việt Nam đá tại SEA Games 28 rất thắc mắc về chuyện, tại sao họ lại khóc và vật vã như nhà có đám khi thua U23 Myanmar.

Để rồi hôm sau, cũng chính những con người ấy lại cười phớ lớ khi nhận tấm HCĐ. Chúng ta hãy thử nhìn sang Thái Lan xem cách họ đón nhận chiến thắng và thất bại như thế nào?

Những biểu hiện đó cho thấy U23 Việt Nam không phải một đội bóng có bản lĩnh. Nếu diễn đạt theo tục ngữ thì đó là kiểu “giòn cười, tươi khóc””.

Thất bại tại bán kết SEA Games 28 cũng lại khiến U23 Việt Nam khóc như nhà có đám. Ảnh: Zing
Thất bại tại bán kết SEA Games 28 cũng lại khiến U23 Việt Nam khóc như nhà có đám. Ảnh: Zing

U23 Việt Nam bước vào VCK U23 châu Á cũng bằng phong cách hô quyết tâm và lên giây cót tinh thần.

Nhưng khi bị dội gáo nước lạnh bằng 2 thất bại liên tiếp, ngay lập tức nhiệt huyết “xìu” như cái bánh đá nhúng nước.

Thế nên mới có chuyện trung vệ Đào Duy Khánh, người đã mắc không ít sai lầm trong 2 trận thua của U23 Việt Nam, thở than: “Đôi khi ngẫm nghĩ cái nghề mình chọn nó cũng bạc và đắng thật”.

 

Tâm sự của Duy Khánh sau trận thua U23 Australia.
Tâm sự của Duy Khánh sau trận thua U23 Australia.

Và khi U23 Việt Nam buộc phải sử dụng đến những pha vào bóng tiểu xảo, bạo lực trong trận thua toàn diện trước U23 Australia, thì đó chắc chắn không còn là tập thể giàu sức mạnh tinh thần nữa.

Bởi các cầu thủ không dám đối diện với thực tế rằng đối phương thì chơi bóng, còn U23 Việt Nam không đủ sức để làm điều đó.

Trong ngày chia tay VCK U23 châu Á, một kết quả thắng hay bại trước U23 UAE không còn ý nghĩa với thầy trò HLV Miura.

Nhưng điều người hâm mộ chờ đợi lúc này là nếu có thua, hãy thua trong tư thế ngẩng cao đầu; và hãy dám chơi bóng nếu U23 Việt Nam thực sự có sức mạnh tinh thần.

Sau trận thua trước U23 Australia, cựu trung vệ ĐTVN Nguyễn Mạnh Dũng nhận xét về màn thể hiện của U23 Việt Nam:

"Tối trong lối chơi, yếu thể lực và xấu về phong cách. Những pha phạm lỗi thô bạo hay việc sử dụng tiểu xảo là ví dụ cho thấy cầu thủ của chúng ta không còn giữ được bình tĩnh khi đối phương chơi bóng, còn mình thì không".

 

U23 Việt Nam 0-2 U23 Australia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại