Sự im lặng khó hiểu và món nợ của bầu Đức

Hà Quang Minh |

Những ngày gần đây, cái tên Đoàn Nguyên Đức lại sáng lên trên các phương tiện truyền thông, với thông tin HAGL nợ lương cầu thủ, nhân viên. Nhưng chẳng phải chỉ có thế.

Vị thế của người có tiền

Kể từ khi chủ tịch Lê Hùng Dũng gặp vấn đề về sức khỏe và không thể bám sát VFF ngõ hầu thực hiện những mục tiêu đã đề ra khi trúng cử, rất nhiều người nhìn vào đây với con mắt chờ đợi xem ai sẽ là nhân tố đứng mũi chịu sào thay thế cho ngài chủ tịch đang ốm đau.

Không ít người nghĩ đến ông Đoàn Nguyên Đức, với hình ảnh thu hút từ lứa cầu thủ Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường mà ông đã cho trình làng V-League ở mùa giải trước, kèm theo những tuyên bố đầy “dân túy” hứa hẹn cho thấy ông sẽ là một nhà cải cách.

Ý nghĩ đó càng được củng cố hơn khi ông Đức đã có những động thái mang tính quyết định ở ĐTQG, nhất là ở vị trí HLV trưởng, ở giai đoạn cuối của Miura và giai đoạn đầu của Hữu Thắng.


Có một thời, tiếng nói của bầu Đức có trọng lượng cả trên sân cỏ, lẫn trong phòng họp.

Có một thời, tiếng nói của bầu Đức có trọng lượng cả trên sân cỏ, lẫn trong phòng họp.

Sự quyết liệt ấy của ông Đức khiến người ta nhìn nhận ông như nhân vật quyết định lớn nhất ở VFF lúc này, khi mà thực quyền của tổ chức gần như đang bị ông Lê Hùng Dũng bỏ ngỏ.

Và thậm chí, đã có những ý kiến đây đó tên mạng xã hội nhận xét vui vui rằng: “bây giờ, ông Đức mới công bố họ thật của mình: Liên Đoàn Nguyên Đức”.

Sự im lặng bất thường

Nhưng thực tế, dường như ông Đức không đủ tầm quyết định như thế, hoặc ông cũng không muốn “dính” vào chuyện phải quyết định, nhất là ở những câu chuyện tế nhị của V-League, những câu chuyện mà ai cũng ngỡ rằng lẽ ra ông Đức phải là người lên tiếng mạnh mẽ nhất.

Kể từ vòng 5 của V-League mùa giải này, Hà Nội FC sẽ được “di dời” vào TP.HCM để hướng tới việc sẽ đổi tên thành Sài Gòn FC, một việc mà đa số giới chuyên môn đều cảm thấy trái khoáy.

Nhưng cái việc di dời đó tích cực ở chỗ nó đã chỉ ra rõ ràng về tầm ảnh hưởng và quyết định lớn lao của ông Đỗ Quang Hiển đối với đội bóng Hà Nội FC là như thế nào.

Trước đến nay, người ta vẫn cáo buộc ông HIển về chuyện “một ông bầu bốn đội bóng” nhưng bằng chứng bằng giấy tờ thì lại chống lại những cáo buộc ấy.

Ông Hiển lúc nào cũng dùng đúng một chiêu rất cũ theo kiểu “Tôi chỉ là người hâm mộ. Tôi hâm mộ các đội bóng. Còn mỗi đội đều có một nhà tài trợ là một pháp nhân riêng”.

Những cáo buộc đều chìm vào im lặng bởi hai lẽ. Thứ nhất, thiếu chứng cứ như đã nói ở trên và thứ nhì, những người cáo buộc không đủ sức nặng để khiến ông Hiển phải chùn tay.

Nhưng khi ở vai trò nhà tài trợ mà đủ tầm quyết định để “bứng” một CLB từ địa phương này sang địa phương khác, xem ra đã đến lúc cái chiêu của ông Hiển trở nên lạc hậu, và hơi phô.

Tầm ảnh hưởng của nhà tài trợ dẫn đến mâu thuẫn quyền lợi chung-riêng giữa các đội bóng là rõ ràng không thể chối cãi. Và nếu đã có mâu thuẫn chung-riêng, chắc chắn cách làm bóng đá đó là không công chính.

Song, ai là người đủ sức nặng để có khả năng yêu cầu ông Hiển phải minh bạch hóa chuyện đó đây? Trong VFF, mối quan hệ nhằng nhịt, dính đến quyền lợi khiến một vài quan chức có thể sẽ “mũ ni che tai” trước ông Hiển.

Nợ, hay không nợ?

Chỉ còn lại ông Đức, con người được kỳ vọng sẽ là nhà cải cách, là có khả năng lên tiếng. Nhưng cũng như mọi người, trước ông Hiển, ông Đức đánh bài lờ.

Tại sao ông Đức đánh bài lờ?

Trước một người làm sai, làm quấy, con người ta chỉ có thể im lặng, không chất vấn, không chỉ trích… nếu giữa họ có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng (mà thực ra nhiều khi pháp bất vị thân, người thân cũng vẫn có thể bị chất vấn, chỉ trích) hoặc đã nợ kẻ đáng bị chỉ trích một thứ gì đó.

Đã là con nợ, trước chủ nợ chẳng ai dám to tiếng cả. Đó đã là luật bất thành văn của loài người bởi vị thế chủ nợ -con nợ khác nhau nhiều lắm.

Sẽ có người đặt ra câu hỏi “Vậy ông Đức nợ gì ông Hiển mà lại sợ ông Hiển đến mức chẳng dám nói?”. Phải chăng nợ vì trận Hà Nội T&T “cứu” HAGL cuối mùa trước?

Ấy dà, nói thế ác quá. Nói thế tội cho lứa cầu thủ ngoan hiền, miễn nhiễm với môi trường bóng đá mà ông Đức chẳng ưa gì mấy. Nói thế cũng tội cho những cầu thủ Hà Nội T&T, những người vẫn chơi bóng rất “chất”.

Vả lại, nợ nhau trận bóng thì trả bằng trận bóng, chứ hơi đâu lại có cái chuyện chỉ vì một trận mà sợ nhau cả đời.


Cú lội ngược dòng ngoạn mục trước Hà Nội T&T đã giúp HAGL trụ hạng ở mùa giải trước.

Cú lội ngược dòng "ngoạn mục" trước Hà Nội T&T đã giúp HAGL trụ hạng ở mùa giải trước.

Thế thì ông Đức nợ ông Hiển cái gì?

Hay là tại vì trót quá tay cho Quế Ngọc Hải 400 triệu trong khi phía SHB Đà Nẵng không thiện chí gì trước thái độ của cầu thủ xứ Nghệ, cứ ép nhau bằng lý chứ không xử với nhau bằng tình?

Phải chăng, vì ông Hiển giàu có thế nên hành động tặng 400 triệu của ông Đức chẳng khác gì bỉ mặt nhau, nên giờ ân hận, ngại mất tình anh em, nên ông Đức đành ngậm hột thị trước cái sai, cái quấy của đối thủ cạnh tranh V-League với mình?

Cũng chẳng phải thế. Ông Đức vốn ăn to nói lớn từ lâu. Ông Hiển bị nghi ngờ là chủ nhiều đội bóng cùng lúc cũng từ lâu. Chuyện Quế Ngọc Hải thì mới đây thôi. Mắc mớ gì đến nhau mà sợ.

Vậy thì chẳng ai biết ông Đức nợ ông Hiển cái gì? Mà trên đời này, ngoài tiền ra, người ta chẳng có thứ nợ nào khiến mình phải câm như hến đến thế. Đơn giản, nợ ân tình thì ghi sâu còn có lúc trả được.

Chẳng ai ép nhau phải trả nợ nhân tình cả. Còn nợ tiền, ép một phát, nát một đời.

Nhưng mà lấy bằng cớ đâu ra mà bảo ông Đức nợ ông Hiển tiền nhỉ? Lấy bằng cớ đâu bảo doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Đức nợ tiền doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Hiển đây?

Chẳng lẽ, trong cơn nợ lương vừa rồi của Hoàng Anh Gia Lai, ông Hiển lại có tên trong danh sách nhân viên ông Đức ư?

Vô lý quá.

Vậy thì có nợ gì nhau không?

Điều ấy chỉ có ông Đức mới có thể trả lời.

Mà thực ra, có khi chuyện ấy là chuyện ông Đức “chán chả buồn nói".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại