Trong một chia sẻ với truyền thông, một quan chức có những liên hệ rất mật thiết với bóng đá Iran, ông Mojtabi Sharifi đã làm rúng động giới làm bóng đá nước này với tuyên bố rất nhiều thành viên đang thi đấu ở đội tuyển nữ là nam giới, và cho rằng việc để điều này xảy ra là một hành vi "vô đạo đức" của LĐBĐ Iran.
"8 cầu thủ hiện đang thi đấu cho đội tuyển nữ thực tế là nam, và họ vẫn chưa hoàn tất các bước chuyển đổi giới tính của mình." - ông Mojtabi Sharifi khẳng định.
Trước cáo buộc này, hôm thứ Tư vừa qua giới chức trách đã yêu cầu thực hiện một đợt kiểm tra giới tính quy mô lớn đối với toàn bộ các thành viên của đội tuyển nữ của Iran, thậm chí họ cũng yêu cầu kiểm tra cả những cầu thủ nữ đang chơi tại giải chuyên nghiệp.
Được biết, hiện danh tính của 8 cầu thủ nữ được cho là... nam này vẫn đang được giữ bí mật nhằm tránh những tác động xấu từ dư luận trong thời gian điều tra.
Theo giới quan sát cho biết, một trong những lý do khiến sự việc này diễn ra một thời gian mà không ai hay biết đó cũng một phần là vì truyền thống của Iran, khi họ buộc các cầu thủ nữ ra sân thi đấu với trang phục kín đầu, tất dài và áo dài tay, do đó thực tế rất khó để nhận đó là nam hay là nữ.
Thực tế trong quá khứ, LĐBĐ Iran cũng đã từng đối mặt với những sự việc tương tự, khi vào năm 2014 họ đã phát hiện 4 cầu thủ nam vẫn chưa hoàn tất các bước chuyển đổi giới tính của mình đang thi đấu cho đội tuyển nữ.
Trước đó vào năm 2010, cũng có nhiều thông tin nghi ngờ về thủ thành tuyển quốc gia Iran nữ là nam giới.
Tại Iran, phẫu thuật chuyển giới không bị xem là phạm pháp đối với một fatwa - hay còn gọi là một luật lệ tôn giáo - do lãnh đạo tinh thần cuộc cách mạng Hồi giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini đặt ra.
Điều này trái ngược hẳn với luật lệ nghiêm ngặt về tình dục theo bộ luật Sharia của đất nước, nghiêm cấm đồng tính ái và quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Cũng như nhiều nước khác, bóng đá rất được yêu thích tại Iran, và phụ nữ cũng không ngoại lệ.
Mặc dù vậy phụ nữ của đất nước này vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn khi sống với tình yêu của mình dành cho trái bóng tròn. Một ví dụ cho việc này chính là việc họ không được đến SVĐ xem ĐT nam thi đấu.
Mới đây, vì không nhận được sự đồng ý của chồng, Nloufar Ardalan - đội trưởng tuyển nữ Iran đã không thể cùng các đồng đội lên máy bay sang Malaysia để thi đấu. Chia sẻ về điều này, Ardalan cũng đã cho biết:
"Là một người phụ nữ Hồi giáo, tôi muốn được cống hiến cho màu cờ của Tổ quốc, chứ không phải du lịch để cho vui. Tôi hy vọng chính quyền sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa, cho phép các VĐV nữ có thể bảo vệ quyền lợi của họ."