Lối chơi "made in Việt Nam" là lối chơi nào?

Tùy Phong |

Một trong những điều kiện mà VFF (thực ra là PCT phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức – PV) đưa ra khi đặt bút ký hợp đồng thời hạn 2 năm với HLV Nguyễn Hữu Thắng là phải xây dựng được lối chơi “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, hỏi thẳng người trong cuộc, lối chơi mang bản sắc Việt Nam là như thế nào thì mấy ai trả lời được?!

Chúng ta không khó để hiểu ra ẩn ý của ông Đoàn Nguyên Đức rằng lối chơi Việt Nam chính là cách mà “những đứa trẻ ở Hàm Rồng” đã và đang vận hành.

Do thua thiệt về hình thể, sức vóc và cả sức mạnh cơ bắp, độ bền tốc độ…, nên việc chọn lối đá bóng ngắn, ban bật ít chạm được cho là phù hợp nhất với tố chất cầu thủ Việt Nam.

Chỉ mới là phù hợp thôi, còn làm nên vũ khí chiến thắng, tạo được năng lực chinh phục tầm cao cấp ĐTQG, lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Trên thực tế, cách mà HAGL đã và đang vận hành, hàng chục năm về trước, các đội bóng như Cảng Sài Gòn hay Thể Công đã từng chơi rồi.

Thứ bóng đá thuần khiết “made in Việt Nam” ấy từng một thời thăng hoa, khi các giải bóng đá cao nhất dải đất hình chữ S chưa có bóng dáng của ngoại binh.

Và ngoài ra, lối chơi ấy cũng chỉ dừng lại ở cấp CLB, còn trên tầm ĐTQG, nơi tập hợp những tinh tuý nhất của nền bóng đá, được dẫn dắt bởi thầy ngoại, triết lý này không thể bảo lưu.

Gần nhất, sau khi Cảng Sài Gòn và Thể Công vì nhiều lý do phải giải thể, hoặc thay đổi phiên hiệu, một đội bóng tạo dựng được lối chơi tương đối có bản sắc và hợp với thể trạng người Việt Nam nhất là Hà Nội T&T.

Tuy nhiên, 5-6 năm qua, quân Hà Nội T&T lại chưa từng chiếm đa số trong màu áo các ĐTQG. Đó là chưa kể, khi bơi ra đấu trường châu lục, Hà Nội T&T thường thua thảm, thậm chí không thể so được với B.Bình Dương. Sân chơi ở tầm cao rất khác so với tưởng tượng.

Dài dòng như thế để thấy rằng, việc hướng tới một lối đá phù hợp, tức là phát huy tối đa những tố chất của cầu thủ Việt Nam là một chuyện, còn nâng tầm lên thành lối chơi có bản sắc cần rất nhiều thời gian.

Theo tiền đạo đội trưởng ĐTQG Lê Công Vinh, với một nền bóng đá vùng trũng, thì việc đòi hỏi lối chơi “made in Việt Nam” là điều không thể.

“Chúng ta đâu phải đội bóng hàng đầu thế giới mà có thể đòi hỏi, vừa đá đẹp lại vừa thắng. Đó là điều hão huyền”, Vinh chia sẻ.

Ở V-League, sức mạnh và vũ khí chiến thắng, năng lực chinh phục của CLB được quyết định bởi ngoại binh, dù họ chỉ chiếm chưa đến 15% quân số (ngay lúc này, thậm chí chưa được 10%, bao gồm cả Tây nhập tịch) và chủ yếu tập hợp trên hàng công.

Tuyến dưới có ban bật, thêu hoa dệt gấm đẹp mắt đến đâu, thì đường bóng quyết định vẫn được hướng tới các trung phong ngoại cao to để họ giải quyết khâu dứt điểm cầu môn. Cầu thủ ngoại quyết định chuyện thắng/bại.

Ngay cả SHB Đà Nẵng của Lê Huỳnh Đức hay Hà Nội T&T dưới thời Phan Thanh Hùng cũng không phải ngoại lệ. Mất Gaston Merlo, Samson hay Gonzalo, họ trở nên rất thường.

Bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng trong chiến tích vô địch Cúp QG 2010 và quán quân V-League 2011 cũng cậy nhiều vào các ngoại binh trên tuyến đầu.

SLNA vận hành lối chơi theo kiểu đá khoán và họ át được các đối thủ còn lại phần nhiều nhờ tinh thần chiến đấu, cũng như lối chơi rắn, rát trên mức cần thiết.

Qua nhiều triều đại HLV trưởng các ĐTQG khác nhau, bài toán trung phong cắm vẫn chưa được giải. Đội bóng có thể không thua, nếu khâu phòng ngự được tổ chức tốt, nhưng chắc chắn không thể chiến thắng, nếu không có người giải quyết các bàn thắng.

Vì thế, HLV Hữu Thắng sẽ có rất nhiều việc phải làm trong 2 năm hợp đồng với VFF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại