Hôm thứ sáu tuần trước, U23 Việt Nam đã có trận hòa đáng tiếc trước U23 Myanmar trong trận giao hữu cuối cùng trước khi bước vào chiến dịch SEA Games.
Tiếc là ở chỗ U23 Việt Nam hai lần dẫn trước nhưng lại để đối thủ gỡ hòa trong những phút cuối. Tiếc là bởi dù tạo được nhiều cơ hội nhưng các chân sút áo đỏ không thể ghi nhiều hơn hai bàn và tiếc là bởi Công Phượng chơi quá cá nhân.
Nếu tiền đạo người Nghệ An đá đồng đội hơn, cơ thắng của U23 Việt Nam là rất lớn.
Chắc chắn rằng tất cả những ai theo dõi trận đấu trên đều dễ dàng nhận định Công Phượng chơi quá cá nhân. Suốt 90 phút trên sân, hiếm khi người hâm mộ thấy Phượng chuyền bóng.
Thay vào đó, tiền đạo thuộc biên chế HAGL chỉ biết cắm đầu cắm cổ lao về phía khung thành, đặc biệt là sau bàn mở tỉ số ở phút 23.
Sẽ không có gì để nói nếu Phượng ghi ba đến bốn bàn từ những pha đột phá của mình để định đoạt trận đấu. Thế nhưng, ngoài bàn thắng mở tỉ số, tất cả những lần Phượng quyết định đi bóng đều rất tối.
Hình ảnh của Công Phượng trong trận đấu với U23 Myanmar làm người hâm mộ liên tưởng đến hình ảnh của chính cầu thủ này trong màu áo U19 Việt Nam.
Dưới bàn tay dìu dắt của HLV Miura, Phượng đã đóng góp vào lối chơi chung nhiều hơn nhưng một lần nữa Phượng lại khiến người xem phải thất vọng.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này của Công Phượng? Câu trả lời đó là bởi sự tự ái và những tiếng vỗ tay.
Công Phượng tự ái vì bị HLV Miura gạch tên khỏi danh sách ĐTVN sang Thái Lan dù trước đó truyền thông khẳng định như đinh đóng cột rằng tiền đạo này chắc chắn có vé đi Thái.
Chính vì tự ái nên trận đấu với U23 Myanmar là cơ hội để Phượng chứng minh việc mình bị loại không phải do yếu tố chuyên môn.
Mà muốn chứng minh điều này thì cần phải ghi được càng nhiều bàn thắng càng tốt nên Phượng luôn tự tìm cơ hội cho mình thay vì chia sẻ cơ hội cho đồng đội.
Sau bàn thắng ở phút 23, Phượng khiến sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) nổ tung trong sự reo hò và đó cũng là động lực để Phượng tiếp tục lối chơi cá nhân để tìm kiếm những khoảnh khắc tương tự nhưng bất thành.
Thông thường, những đứa trẻ được khen ngợi làm việc gì thì chúng rất thích thú lặp lại điều đó. Chúng cũng luôn cố làm điều mà chúng thích khi giận dỗi.
Đây là biểu hiện của việc không kiểm soát được tâm lý. Ở một chừng mực nào đó, Công Phượng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự dù tiền đạo này đã hơn 20 tuổi.
Phượng chưa điều khiển được cảm xúc trên sân và thi đấu dựa quá nhiều vào cảm tính. Đó là lý do khiến tiền đạo này dù có tiềm năng nhưng chưa thể thành một "Idol" thực sự trong lòng người hâm mộ.
Tại SEA Games 28, Công Phượng là niềm hy vọng lớn của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Phượng không thay đổi hoặc là anh sẽ bị đào thải hoặc U23 Việt Nam sẽ “chìm” theo sự non trẻ của tiền đạo HAGL.