Kẻ "ghen ăn tức ở" mới nói U19 Việt Nam không đá được V-League

Tại sao cầu thủ tuyển U19 Việt Nam lại không đá nổi ở V-League trong khi họ đang là những cầu thủ trẻ giỏi nhất của nền bóng đá?

Phải chăng là thói ghen ăn tức ở?

Dẫn đầu ý kiến cho rằng cầu thủ tuyển U19 Việt Nam không thể đá được ở V-League là HLV Lê Thụy Hải. Ông Hải “lơ” một mặt khen tuyển U19 Việt Nam và Học viện HAGL JMG nhưng mặt khác lại cho rằng cầu thủ U19 Việt Nam chưa đủ trình độ để đá ở V-League và thậm chí không có cầu thủ nào xứng đáng có mặt ở CLB B.Bình Dương mà ông dẫn dắt. Ý kiến của ông Lê Thụy Hải lại được nhiều HLV nội khác ủng hộ.

Thế nhưng một điều rất mâu thuẫn là trước đó ông Lê Thụy Hải lại viện dẫn các trường hợp của Lê Công Vinh, Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình và nhiều cầu thủ khác đã thành danh khi mới 18-19 tuổi trong màu áo ĐTQG để làm cơ sở cho nhận định là nhiều cầu thủ U19 Việt Nam vừa rồi “cũng chưa là gì cả” so với các đàn anh ngày trước.

Thực ra, cánh phóng viên biết giữa bầu Đức và HLV Lê Thụy Hải tồn tại rất nhiều mâu thuẫn và cả hai đều nhiều lần công kích lẫn nhau trên mặt báo theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, vấn đề tuyển U19 Việt Nam đá ở V-League thuộc phạm trù chuyên môn cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ thay vì để định kiến cá nhân lấn át lý trí.

Chúng tôi cho rằng, lập luận cầu thủ tuyển U19 Việt Nam không đá được ở V-League là võ đoán và có gì đó mang tính chất “GATO” của nhiều người làm chuyên môn ở VN trước thành công vang dội của lứa cầu thủ U19 VN cũng như Học viện HAGL JMG.

Cũng là tuyển thủ U.19 VN nhưng Trần Minh Vương đá được ở V.League cho HAGL còn Tuấn Anh, Xuân Trường thì không đá được !?

Cũng là tuyển thủ U19 VN nhưng Trần Minh Vương đá được ở V.League cho HAGL còn Tuấn Anh, Xuân Trường thì không đá được!?

Tại sao tuyển thủ U19 Việt Nam không thể đá được ở V-League khi chính một tuyển thủ trong đội hình thi đấu ở giải U19 ĐNÁ vừa qua là tiền vệ Trần Minh Vương của HAGL đã đoạt danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất V-League 2014? Mùa giải vừa qua, Minh Vương đã đá 15 trận và ghi 2 bàn cho HAGL.

Trần Minh Vương xuất phát điểm từ lứa Năng khiếu HAGL, tức lứa cầu thủ không trúng tuyển vào Học viện JMG nhưng được bầu Đức giữ lại đào tạo làm lớp kế thừa. Ngoài trường hợp của Minh Vương thì mùa rồi HAGL còn sử dụng 1 cầu thủ trẻ khác lứa U19 Việt Nam là tiền đạo Hoàng Thống.

Vậy cớ gì Trần Minh Vương đá được cho đội 1 HAGL còn Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy lại không thể đá ở V-League?

Cầu thủ U19 Việt Nam đều là những cầu thủ trẻ tốt nhất

Mục đích cao nhất của Học viện HAGL JMG đào tạo cầu thủ để bán sang châu Âu, tuy nhiên nếu mục đích này không đạt được thì khi kết thúc chương trình đào tạo các cầu thủ cũng bắt buộc phải có môi trường thi đấu đỉnh cao để được phát triển, trau dồi kinh nghiệm.

Các cầu thủ U19 Việt Nam hiện nay hầu hết sinh năm 1995 (một số ít sinh năm 1996) và như vậy sang mùa 2015, họ bước vào tuổi 20 – độ tuổi thích hợp nhất để thi đấu đỉnh cao. Về chuyên môn, bước vào tuổi 19-20 thì chu trình đào tạo cũng kết thúc và những cầu thủ tài năng phải được đưa lên đội 1 để luyện tập, thi đấu tùy theo khả năng, vị trí và sự lựa chọn của HLV trưởng.

Nhìn lại lứa U20 Việt Nam từ năm 2003 đến 2011 tất cả đều có chung mẫu số là các tuyển thủ này đều là những cầu thủ giỏi nhất của BĐVN ở từng thời điểm. Nhiều người đã chơi cho đội 1 ở CLB hay sau đó khi trở về từ tuyển U20 cũng được đôn lên đội 1 ở CLB.

Lứa U20 VN năm 2003-2004 có: Lê Công Vinh (SLNA), Nguyễn Vũ Phong (Vĩnh Long), Châu Lê Phước Vĩnh (Đà Nẵng), Mai Tiến Thành (Thanh Hóa), Nguyễn Xuân Thành (HN.ACB), Nguyễn Quý Sửu, Trần Việt Cường, Bùi Tấn Trường, Châu Phong Hòa, Phan Thanh Bình (Đồng Tháp), Nguyễn Anh Đức (Bình Dương), Minh Chuyên (Bình Thuận)…

Trong số này, đáng chú ý là trung vệ Châu Lê Phước Vĩnh (sinh 1985) sau khi đi tuyển U20 VN về đã được đôn lên đội 1 Đà Nẵng do chính… HLV Lê Thụy Hải dẫn dắt thi đấu ở V-League 2005.

Tuyển U20 VN năm 2003-2004 chụp tại trung tâm CATPHCM. Trong số này rất dễ nhận ra Anh Đức, Vũ Phong, Minh Chuyên, Tấn Trường, Việt Cường, Xuân Thành, Quý Sửu, Thanh Bình... Những cầu thủ này sau đó đều đá cho đội 1 CLB và khoác áo tuyển U.23 VN

Tuyển U20 VN năm 2003-2004 chụp tại trung tâm CATPHCM. Trong số này rất dễ nhận ra Anh Đức, Vũ Phong, Minh Chuyên, Tấn Trường, Việt Cường, Xuân Thành, Quý Sửu, Thanh Bình... Những cầu thủ này sau đó đều đá cho đội 1 CLB và khoác áo tuyển U.23 VN

Lứa U20 VN năm 2005-2006 có: Phạm Thành Lương (HN.ACB), Nguyễn Thành Long Giang, Huỳnh Phúc Hiệp, Võ Nhật Tân, Trần Quốc Anh (Tiền Giang), Nguyễn Ngọc Điểu, Từ Hữu Phước (Khánh Hòa), Lê Văn Duyệt (Nam Định), Nguyễn Văn Khải (Thành Long), Nguyễn Thanh Bình, Võ Hoàng Quãng, Trần Văn Học (Đà Nẵng), Nguyễn Quang Tình, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Đắc Khánh, Nguyễn Ngọc Anh (SLNA)…

Lứa cầu thủ này ít nổi danh hơn các đàn anh lứa 2003-2004 nhưng hầu hết sau khi đi tuyển U20 VN về thì ở mùa bóng 2007 họ đều được đôn lên đội 1 thi đấu ở giải V-League hay hạng Nhất. Năm 2009 chính lứa này làm nòng cốt của của tuyển U.23 VN thi đấu ở SEA Games 25 tại Vientian (Lào) và thua U.23 Malaysia trong trận chung kết.

Lứa U20 VN năm 2007-2008 có: Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình, Đình Hiệp, Nguyễn Hồng Việt (SLNA), Chu Ngọc Anh, Trần Mạnh Dũng, Phạm Văn Quý (Nam Định), Trần Tấn Đạt (Khánh Hòa), Nguyễn Đức Nhân (Đồng Nai)… Giống như các đàn anh, lứa U20 VN này sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia về thì hầu hết được đôn lên đá ở đội 1 CLB mà không gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào quá lớn.

Cầu thủ chơi cho U19 Việt Nam của HLV Guillaume Greachen hiện nay đương nhiên ai cũng hiểu đó là những gương mặt trẻ ưu tú nhất của nền bóng đá thì hà cớ gì họ lại không đủ khả năng để đá ở V-League, trong khi các lứa đàn anh của họ vẫn đá bình thường? Phải chăng giải V-League bây giờ chất lượng đã ngang tầm La Liga và Premier League?

Lời kết

Cầu thủ U19 Việt Nam vào năm sau nếu đá ở V-League là chuyện bình thường “như cân đường hộp sữa”, chẳng có gì phải to tát hay trầm trọng vấn đề lên.

Đối với cầu thủ Học viện HAGL JMG thì không phải tất cả đều được đôn lên đội 1 và lên đội 1 cũng không có nghĩa ra sân đá chính. Cần biết rằng, CLB HAGL vừa thanh lý hợp đồng 12 cầu thủ cũ nhưng vẫn giữ lại nhiều cầu thủ trụ cột có kinh nghiệm như Hoàng Thiên, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long, Tạ Thái Học, Bùi Trần Vũ… Các cầu thủ cũ này cộng với 2 ngoại binh vẫn làm lực lượng xương sống cho CLB và giúp đỡ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy, Văn Toàn hòa nhập với môi trường mới.

Tiền vệ Stefan Mauk (10) của U.19 Australia đã đá 19 trận cho CLB Melbourne City ở giải A-League từ năm 2013. Vậy sao tiền vệ Tuấn Anh (8) không thể đá được cho CLB HAGL khi đã 20 tuổi?

Tiền vệ Stefan Mauk (10) của U.19 Australia đã đá 19 trận cho CLB Melbourne City ở giải A-League từ năm 2013. Vậy sao tiền vệ Tuấn Anh (8) không thể đá được cho CLB HAGL khi đã 20 tuổi?

Đối với các cầu thủ thuộc “lò” khác như Phan Văn Long (SHB.Đà Nẵng), Hồ Tuấn Tài (SLNA), Lục Xuân Hưng (Thanh Hóa), Bùi Tiến Dũng (Viettel), Phạm Trùm Tỉnh (Khánh Hòa)… sau khi thi đấu ở VCK U19 châu Á thì ở mùa bóng 2015 việc sử dụng họ ở đội 1 tùy theo vào tình hình nhân sự ở CLB và quyết định của HLV trưởng. Riêng trường hợp tiền vệ Nguyễn Quang Hải chỉ mới 17 tuổi (sinh năm 1997) nên tiếp tục được rèn giũa thêm ở tuyến trẻ của Hà Nội T&T.

Điều chốt lại vấn đề: cần vui mừng và ủng hộ khi cầu thủ U19 Việt Nam hiện nay sẽ đá ở V-League 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại