Suýt bị bỏ rơi
Trần Minh Vương sinh năm 1995, do có năng khiếu thiên bẩm, Minh Vương được “nhặt” vào đội tuyển của trường, của huyện đi thi đấu các giải cụm, giải huyện và đều cùng đội của mình giành thành tích cao. Đến năm 2006, Minh Vương được gọi vào đội U11 nhi đồng Thái Bình tham gia thi đấu tại vòng chung kết giải bóng đá nhi đồng toàn quốc, tổ chức tại Khánh Hòa. Chính tại đây, Minh Vương và Tuấn Anh - tiền vệ của tuyển U19 VN đã trở thành những người đồng đội của nhau và cùng U11 Thái Bình giành ngôi vị á quân.
Sau khi trở về từ giải đấu đó, cả Minh Vương và Tuấn Anh đều được triệu tập vào trường năng khiếu bóng đá Thái Bình. Tuy vậy, sau đó hai em phải tạm xa nhau một thời gian do Tuấn Anh bị bố mẹ bắt về nhà, không cho tiếp tục sinh hoạt nội trú ở trường. Tưởng như Tuấn Anh sẽ phải từ bỏ giấc mơ trở thành ngôi sao sân cỏ, còn Minh Vương sẽ không có cơ hội gặp lại người đồng đội cũ thì vào năm 2007, trước thông tin các tuyển trạch viên của Arsenal JMG toàn cầu về tuyển sinh tại sân vận động Thái Bình, hai tài năng nhí lại mè nheo bắt bố mẹ đưa đi ứng thí bằng được.
Nếu như những ngày đầu bố mẹ Tuấn Anh ngăn cản con tới bóng đá thì bố mẹ Minh Vương lại hết lòng ủng hộ ước mơ trở thành cầu thủ đá bóng của cậu con trai út. Khi được hỏi về điều này, bà Nguyễn Thị Chuất - mẹ tiền vệ Trần Minh Vương, chia sẻ: “Khi đó, cháu đang ăn tập ở trường năng khiếu, một hôm anh trai cháu nghe thấy thông tin HAGL tuyển sinh thì có nói với bố cho em đi thi tuyển. Nhưng khi gia đình tôi hỏi các thầy ở trường năng khiếu thì các thầy bảo không có đợt tuyển sinh nào như vậy, bố và anh cháu lại cất công dò hỏi số điện thoại ghi ở thông báo của HAGL thì nhận được câu trả lời khác, họ hẹn gia đình tôi ngày này giờ này đưa cháu đến sân vận động tỉnh để thực hiện các bài thi. Sau đó, gia đình phải cam kết và thuyết phục mãi, các thầy ở trường năng khiếu mới đồng ý để bố cháu đưa cháu đi thi tuyển”.
Sau khi hoàn thành các nội dung tuyển sinh, Tuấn Anh, Minh Vương và Văn Quý là 3 cầu thủ nhí của Thái Bình lọt vào vòng thi trong tại Pleiku. Thế nhưng, thời gian ngắn sau đó, trong khi Văn Quý và Tuấn Anh đã nhận được giấy báo lên phố Núi dự đợt sát hạch cuối cùng chọn từ 54 cầu thủ nhí trên cả nước xuống còn 16 người cho khóa 1 của học viện HAGL Arsenal JMG, thì riêng Minh Vương vẫn chưa có giấy báo gửi về nhà. Thấy sốt ruột và không yên tâm, bố và anh trai Minh Vương khi đó lại gọi điện thoại cho cán bộ phụ trách tuyển sinh của HAGL thì được biết, giấy báo trúng tuyển vào vòng tuyển sinh cuối cùng của Minh Vương được gửi về trường năng khiếu bóng đá Thái Bình(!?).
Sau khi gia đình trao đổi với cán bộ tuyển sinh của HAGL, thà muộn hơn không, còn nước còn tát, bố Minh Vương lại lặn lội đưa con trai út vào Hàm Rồng để tề tựu cùng các bạn trên cả nước. Tuy nhiên, do hai bố con ông Trần Công Phong lên Hàm Rồng muộn nên khi Minh Vương đến nơi thì các bạn đã thi xong một nửa nội dung và học viện HAGL Arsenal JMG chỉ lấy đủ 16 cầu thủ cho khóa 1. May mắn, Vương được bầu Đức, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, giám đốc điều hành Huỳnh Mau tạo điều kiện cho xuống lớp năng khiếu HAGL.
Cầu thủ Minh Vương.
Được vào học bóng đá thì trở thành mồ côi
Niềm vui đến muộn với gia đình ông Trần Công Phong, bà Nguyễn Thị Chuất chưa được bao lâu thì họ gặp phải nỗi đau không thể tả bằng lời. Sau khi để cậu con trai bé bỏng của mình ở lại Hàm Rồng cho các thầy dạy dỗ, chỉ 4 ngày sau khi về đến Thái Bình, ông Phong đột ngột qua đời vì căn bệnh tim quái ác…
Bà Chuất ngơ ngác vì chồng mất quá bất ngờ, họ hàng làng xóm tiếc thương một người đàn ông mẫu mực, luôn hết lòng vì vợ và hai cậu con trai. Bà gào lên, yêu cầu anh em họ hàng gọi ngay “thằng Cún” về, không bóng bánh gì nữa. Vậy nhưng, được sự động viên của lãnh đạo học viện và các thầy, gia đình đã quyết định giấu không để Minh Vương biết tin dữ mất cha. Một tháng sau khi lo hậu sự cho chồng, cả gia đình bà Chuất vẫn giấu không cho cậu bé biết tin.
Như có linh cảm chẳng lành, Vương liên tục gọi điện về thăm gia đình và lần nào cũng đòi nói chuyện với bố. Bà Chuất nuốt nước mắt vào lòng, lấy lý do là chồng bận việc đồng áng không thể nói chuyện với con được. Như vẫn không yên tâm, Minh Vương hỏi số điện thoại của hàng xóm láng giềng để dò hỏi tin bố, thế nhưng hàng xóm cũng giấu giúp và không ai nói ra sự thật. Đến khi anh trai Minh Vương vào Vũng Tàu nhập học ghé qua phố Núi thăm em và mẹ cầu thủ này lặn lội vào tận Gia Lai để dự lễ khánh thành học viện HAGL Arsenal JMG thì Vương mới biết tin.
Tết Nguyên Đán năm ấy, vừa đặt chân về đến sân nhà mình, Minh Vương đã nhìn thấy ảnh bố trên bàn thờ, cậu bé chết lặng không nói thành lời, khi ấy Vương mới tin mình đã mất bố thật.
Gạt qua nỗi đau mất cha, mất chồng tưởng rằng “không thể chấp nhận” - cách Vương nói với mẹ và anh trai, 3 mẹ con bà Chuất đã nương tựa vào nhau để sống và vượt qua khó khăn đè nặng. Một mình bà Chuất ngoài việc cấy 7 sào ruộng còn cùng người em trai của chồng cai quản trại nuôi cá và lò ấp trứng cách nhà gần một cây số. Anh trai Minh Vương được sự động viên của mẹ đã cố gắng học đại học trong tận Vũng Tàu, riêng Vương thì gần 8 năm qua xa nhà biền biệt theo các thầy khổ luyện, một năm về với mẹ và anh được hai lần vào dịp hè và tết âm lịch.
Bà Chuất bảo, “thằng Cún” của bà sống rất tình cảm, bề ngoài tưởng vô lo vô nghĩ nhưng thực ra lại suy nghĩ rất người lớn. “Thế nhưng có một điểm đặc biệt là hắn rất ít nói, không bao giờ khoe khoang hay phô trương gì cả. Ngay cả khi ghi bàn, khi được gọi vào câu lạc bộ hay đội tuyển thì cũng không nói gì với mẹ. Hai mẹ con có nhắn tin nói chuyện thì hắn cũng nói chuyện linh tinh, hỏi thăm mẹ thôi chứ không nói gì chuyện bóng bánh. Duy nhất có một hôm hắn nhắn tin cho tôi và tôi cũng thấy lạ: Mẹ ơi! Hôm nay, báo chí khen Cún nhiều lắm nhưng mẹ hãy yên tâm nhé, thằng Cún của mẹ chưa là gì cả đâu ạ”.
Khi trở thành cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2014, Minh Vương được gọi vào tuyển U19 QG nơi tập trung hầu hết các cầu thủ giỏi nhất của HAGL Arsenal JMG.
Hành trình của Vương kỳ lạ, trải qua nhiều mất mát, khổ luyện, cuối cùng cầu thủ trẻ gốc Thái Bình vẫn trở lại đúng con đường mà lẽ ra Vương phải đi 7 năm trước.