Sáng 26/1, lãnh đạo VFF tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí khu vực phía Bắc. Ở đó, chủ đề xoay quanh tương lai của HLV Miura tiếp tục được đặt câu hỏi.
Và như thường lệ, PCT phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ lại lái không khéo lắm câu chuyện sang hướng khác.
Lần trước, sau buổi Đại hội thường niên 2015, ông Gụ phát biểu: “Giờ là lúc U23 Việt Nam chuẩn bị bước vào thi đấu tại VCK U23 châu Á nên cần có sự tập trung. Vì vậy, Ban chấp hành thống nhất không nhắc tới chuyện hợp đồng của HLV Miura”.
Lần này, vẫn là PCT Nguyễn Xuân Gụ tỏ ra hóm hỉnh một cách khiên cưỡng: “Tết đến xuân về, nói chuyện đào quất đơm hoa nảy lộc thì… hay hơn”.
Như thế cũng có nghĩa, đến thời điểm hiện tại, HLV Miura vẫn là người của VFF và vẫn chịu trách nhiệm dẫn dắt cả 2 ĐT.
Song chỉ vài tiếng sau buổi gặp gỡ báo chí sáng 26/1 vừa nhắc tới ở trên, đã lại xuất hiện thông tin, tương lai của chiến lược gia sinh năm 1963 sẽ được quyết định ngay trong cuộc họp của Ban chấp hành VFF diễn ra ngày 28/1.
Cuộc họp này do đích thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng triệu tập.
Câu chuyện nêu trên là ví dụ rất nhỏ nhưng phản ánh những vấn đề rất lớn mà HLV Miura đã và đang phải đối diện trong công việc của ông tại Việt Nam.
Hẳn nhiên, VFF là “ông chủ” còn nhà cầm quân người Nhật sắm vai “người làm thuê”.
Một trong những mâu thuẫn rất lớn HLV Miura gặp phải là giải quyết bài toán lối chơi và thành tích.
Những thành công ban đầu của ông cho thấy sự lên ngôi của triết lý thực dụng, hiệu quả. Nhưng khi thất bại, cũng vẫn thứ bóng đá ấy lại là điều đầu tiên bị chỉ trích.
Một cách sòng phẳng, HLV Miura là người làm thuê và thành tích là kết quả cụ thể để đánh giá về công việc.
Kể cả khi ông theo đuổi lối chơi đẹp mắt nhưng không có thành tích, thì điều đó cũng khó trở thành "tấm bùa" cứu nguy.
Nhưng khi ông chủ có tới 4-5 cái đầu, tương ứng là 4-5 cái miệng, 4-5 cặp mắt nhìn về các hướng khác nhau và đưa ra những yêu cầu, quan điểm đôi khi trái ngược hẳn nhau, HLV Miura không thể có “3 đầu 6 tay” để chiều lòng tất cả.
Nhà cầm quân người Nhật hẳn cũng khó hình dung ra việc những người trực tiếp đưa ông tới Việt Nam và luôn ủng hộ ông trong giai đoạn đầu (Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn) rốt cuộc lại “bóng chim tăm cá” trước sức ép của bầu Đức và phần còn lại.
Và giờ đây, trong những ngày tháng có thể là cuối cùng tại Việt Nam, HLV Miura có lẽ cũng khó lòng trả lời được câu hỏi: “Thực ra, họ muốn gì?”.
Bởi nếu muốn sa thải ông, VFF đã có khá nhiều cơ hội để thực hiện điều đó, chứ không cần phải đợi đến VCK U23 châu Á vốn được xác định là sân chơi quá tầm và thất bại ở Qatar khó có thể xem là lý do chính đáng.
Nhưng ngược lại, nói như HLV Nguyễn Văn Sỹ: “Không nhà cầm quân nào có thể làm tốt công việc khi vây quanh họ là quá nhiều chỉ trích, áp lực bóp nghẹt khả năng sáng tạo và cảm hứng trong công việc”.
Đặc biệt khi áp lực và sự chỉ trích nặng nề lại đến đúng vào ngày HLV Miura cùng các học trò chuẩn bị bước vào tranh tài ở sân chơi châu lục!
Đó là nghịch lý hiếm thấy trong bóng đá nói riêng cũng như cuộc sống nói chung. Bởi đã dùng người thì phải tin, còn nếu không có lòng tin thì không dùng.
Song suy cho cùng, nghịch lý ấy lại là bình thường đối với nền bóng đá mà ngay chính những nhân vật nắm trong tay quyền điều hành còn không thống nhất được với nhau các nguyên tắc cơ bản.
Và hệ quả như những gì người ta chứng kiến thời gian qua là sự hỗn loạn của đủ loại ý kiến trái chiều đánh giá về HLV Miura. Còn VFF rõ ràng đã bất lực trước tình hình này.
Chiến lược gia sinh năm 1963 từng chia sẻ: “Tôi không biết tiếng Việt nên không rõ người ta nói gì về mình”.
Đó có thể là cách nói tránh để giảm áp lực lên công việc, nhưng ngẫm ra thế mới là điều may mắn cho HLV Miura. Bởi nếu không, ông sẽ khó giữ được sự bình tĩnh khi nỗi bức bối được đẩy lên cao trào với câu hỏi: “Thực ra, họ muốn gì?”.
Nếu chưa chóng quên, người tiền nhiệm của nhà cầm quân người Nhật là HLV Calisto từng không ít lần nổi nóng, khi công việc của ông bị can thiệp (dù chưa đến mức “thô bạo” như những gì HLV Miura phải trải qua).
Không thực hiện tốt công việc thì chia tay, đến Mourinho cũng không là ngoại lệ! Thay thế HLV Miura, bóng đá Việt Nam rồi sẽ có những nhà cầm quân khác.
Nhưng với cung cách của VFF như thời gian qua, không loại trừ khả năng “ông chủ” có 4-5 cái đầu cũng sẽ tiếp tục chơi trò “thử thần kinh” của các HLV.
Loạn thông tin về tương lai của HLV Miura
Nhà cầm quân người Nhật sẽ bị sa thải ngay, sau buổi họp BCH ngày 28/1. Hoặc, ông vẫn sẽ được giữ lại đến hết tháng 4, khi bản hợp đồng 2 năm đáo hạn.
Thậm chí, có nguồn tin khẳng định HLV Miura đã đánh tiếng với một nhà môi giới để tìm kiếm công việc mới tại Trung Quốc, Trung Đông hay một quốc gia khác tại ĐNA.
Đi xa hơn, nguồn thông tin khác khẳng định, HLV Miura đã tìm được công việc tại Thái Lan.
Nói như nhà báo Nguyễn Lưu: "Từng có không biết bao nhiêu ý kiến chỉ trích HLV Miura xoay tua đội hình. Giờ lại có đủ loại quan điểm "xoay tua" người sẽ thay thế ông Miura và tương lai của HLV này".
Quả đúng là may mà HLV Miura không biết tiếng Việt!