Theo điều tra của FBI, 2 nghi phạm thực hiện vụ khủng bố này là Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi và Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Hai người này là anh em ruột, đều theo đạo Hồi và có gốc gác Chechnya . Dù chưa có kết luận chính thức nhưng theo phỏng đoán ban đầu thì nguyên nhân dẫn đến sự manh động của anh em nhà Tsarnaev là do họ bị kì thị vì nguồn gốc Chechnya của mình. Người anh Tamerlan thậm chí còn từng công khai trên trang mạng cá nhân của mình: “Tôi không có bạn bè ở Mỹ. Tôi không hiểu họ”. Chính sự bức bối do không thể hòa nhập được với xã hội, hay chính xác hơn là bị xã hội đẩy ra rìa đã khiến anh em nhà Tsarnaev đi đến quyết định điên rồ ấy.
Ác tính của con người đã gây ra thảm họa
Ở góc độ nào đó, họ cũng rất đáng thương. Thế nhưng, rõ ràng không thể sử dụng bất cứ lí do gì để bào chữa cho hành động khủng bố kinh hoàng, gieo rắc sự sợ hãi và chết chóc cho cộng đồng (khiến 3 người chết và 180 người bị thương). Anh em nhà Tsarnaev đã có một sự lựa chọn sai lầm, không thể tha thứ. Càng đáng trách hơn khi họ lại chọn một sự kiện thể thao để thực hiện mưu đồ quỷ dữ của mình.
Bản thân thể thao nói chung là mang tính chất không biên giới. Nó xóa nhòa mọi sự khác biệt về màu da, sắc tộc cũng như tôn giáo. Nó giúp mọi người trên toàn thế giới xích lại gần nhau, giúp họ đập cùng một nhịp đập, đó là nhịp đập của tinh thần thể thao cao thượng. Anh em nhà Tsarnaev có thể bị kì thị một cách ghê gớm, nhưng lẽ ra họ phải hiểu rằng thể thao có thể giúp họ vượt qua được nỗi đau ấy, thay vì chọn một sự kiện thể thao làm nơi trút giận. Nhất là khi giải Marathon Boston vốn là một giải đấu mà tính kết nối con người vượt qua mọi rào cản được thể hiện mạnh mẽ nhất.
Lễ hội Marathon Boston
Cần biết rằng, dù là giải Marathon thường niên lâu đời nhất thế, được xếp vào danh sách 6 cuộc thi marathon lớn trên thế giới (World Marathon Majors), song giá trị của giải đấu này không nằm ở khía cạnh chuyên môn. Bằng chứng là kết quả tại Marathon Boston không được công nhận để xét kỷ lục thế giới. Sự đặc biệt của sự kiện này nằm ở tính cộng đồng. Hàng năm có trung bình 20.000 người không phân biệt vận động viên chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trên toàn thế giới quy tụ về Boston để tham dự giải đấu. Họ tham dự Marathon Boston như một cuộc giao lưu toàn cầu, giống một lễ hội nhiều hơn một cuộc thi đấu ăn thua.
Lẽ ra đó phải là nơi mà tiếng cười, cùng tâm lý lạc quan hứng khởi, yêu đời lên ngôi. Vậy mà con người bằng sự tàn nhẫn của mình lại nhấn chìm một sự kiện nhân văn như thế trong bi kịch. Thể thao nguyên thủy khi được sinh ra là một trò chơi; một thú giải trí. Nó giúp con người cùng nhau tìm thấy niềm vui, hạnh phúc; là nơi con người xích lại gần nhau, để biết yêu thương, biết trân trọng cuộc sống.
Vì vậy, sau tất cả, xin hãy để thể thao mãi mãi là một trò chơi…