Cách đây ít ngày, chương trình Chuyển động 24h đã đưa rất nhiều chi tiết riêng tư của Công Phượng lên sóng truyền hình. Có nhiều ý kiến nhận định đây là hành động vi phạm pháp luật. Trước những luồng dư luận đó, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định:
“Thứ nhất: Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Bộ luật dân sự cũng quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó cho phép. Như vậy, tôi khẳng định quyền về nhân thân và thân nhân được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai: Câu hỏi đặt ra là VTV có quyền đưa tin về một ai đó, một tổ chức hay một sự kiện hay không? Luật Báo chí quy định: Báo chí có quyền phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Như vậy, theo luật báo chí thì VTV có quyền đưa tin.
Thứ ba: Khi tác nghiệp báo chí thì người của VTV cần phải tác nghiệp trong giới hạn luật pháp cho phép. Nếu đi quá giới hạn thì có thể sẽ vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta cần phải xem việc đưa tin quá sâu về đời tư của VTV có xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công Phượng được pháp luật bảo vệ hay không? Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách
Cho tới lúc này, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra lời khẳng định Chuyển động 24h có sai sót hay không. Nhưng theo luật sư Bách, nếu thiếu sót thì Chuyển động 24h cần xin lỗi và bồi thường cho Công Phượng.
“Nếu VTV có sai sót thì xin lỗi Công Phượng và nếu có hậu quả là thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường. Đó là một việc bình thường mà cơ quan, tổ chức có thể làm. Trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự. Do đó, ai đưa ra yêu cầu thì người đó sẽ phải có căn cứ chứng minh hợp pháp. Trong trường hợp này, nếu Công Phượng thấy bị xâm phạm về đời tư cá nhân mà khởi kiện thì cần phải có căn cứ chứng minh rằng mình sinh năm 1995. Các chứng cứ đó như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, thẻ học sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng sinh… sẽ là cơ sở để phản biện lại cáo buộc”.
Trước khi Chuyển động 24h đưa những thông tin, bằng chứng mới nhất bất lợi cho Công Phượng, thì đã xuất hiện một tờ giấy khai sinh của tiền đạo người Nghệ An, chứng minh Phượng sinh năm 1995. Tuy nhiên tờ giấy khai sinh này lại thiếu số tờ, số quyển nên đã tạo ra nghi vấn.
“Theo Luật, giấy khai sinh của Công Phượng là hợp lệ” – luật sư Bách khẳng định.
Nếu Công Phượng bị chứng minh thực sự đã 21 tuổi, luật sư Nguyễn Hồng Bách nhận định:
“Trong trường hợp Công Phượng gian dối về độ tuổi thì kết quả thi đấu phải xem xét lại tuỳ theo nội quy của từng giải. Những người có liên quan phải chịu trách nhiệm, từ cấp xã nơi làm giấy khai sinh, đến những người có liên quan tới việc làm giấy khai sinh có thể phải chịu trách nhiệm vì đó là khởi nguồn của tất cả các giấy tờ chứng minh về nhân thân của Công Phượng sau nay.
LĐBĐ Việt Nam (VFF) cũng sẽ là cơ quan đưa ra quyết định quan trọng. Theo Khoản 2, điều 52 quy định về kỷ luật của VFF: Giả mạo và làm sai lệch hồ sơ, Quy định về kỷ luật của VFF nêu rõ, cầu thủ khai man tuổi dưới mọi hình thức, sẽ bị cấm chơi bóng đá từ 1 đến 5 năm ở bất cứ giải đấu nào.
Trưởng đoàn, huấn luyện viên cũng sẽ bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm và đội bóng có cầu thủ bị gian lận về tuổi cũng sẽ phải nộp phạt khoản tiền từ 25 đến 50 triệu đồng. CLB, đội bóng chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra gian lận. Ngoài ra, VFF cũng sẽ kiến nghị tới Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với người ký xác nhận các văn bản, tài liệu để đăng ký danh sách cầu thủ của đội bóng.
Nguy hiểm hơn, nếu cầu thủ gian lận tuổi đại diện cho quốc gia thi đấu ở các giải đấu khu vực và quốc tế, VFF cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ thế giới (FIFA). Mọi phán quyết được tuân thủ theo quy định của từng tổ chức và chế tài sẽ được áp dụng đối với VFF nếu có sự vi phạm. Khi đó, thiệt hại là rất lớn đối với bóng đá nước nhà”.
Cuối cùng, trước câu hỏi Công Phượng, HAGL có nên kiện Chuyển động 24h hay không, ông Bách chia sẻ:
“Nếu Công Phượng hoặc/và Hoàng Anh Gia Lai thấy bị xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp thì có thể kiện ra tòa án để đề nghị tòa xem xét và giải quyết. Trên cơ sở các chứng cứ do các bên đương sự cung cấp và theo quy định của pháp luật, tòa án sẽ ra phán quyết buộc bên nào có lỗi sẽ phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có trong trường hợp đơn khởi kiện được chấp nhận.
Triệu triệu người hâm mộ Công Phượng nên tôi nghĩ rằng phải có một lý do nào đó họ mới hâm mộ như vậy! Mà họ đã hâm mộ thì sẽ bảo vệ thần tượng của mình. Như vậy, Công Phương có rất nhiều “luật sư” bảo vệ quyền lợi cho cậu ấy dù gián tiếp hay trực tiếp. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này Công Phượng sẽ tự quyết định vấn đề của mình và tôi luôn hy vọng VTV và Công Phượng sẽ vẫn được người hâm mộ yêu mến như thời gian vừa qua. Tôi muốn rằng nếu bên nào đó có gì chưa đúng thì chúng ta phải nhìn nhận lại cho đúng. Tôi rất yêu mến VTV và yêu mến cả Công Phượng nên nếu được mời làm luật sư, nhiệm vụ của tôi sẽ là giúp họ ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc chứ không phải gặp nhau tại công đường”.