Góc nhìn: Khi Pirlo ngã xuống…

Rốt cục thì cái ngày mà có lẽ HLV Cesare Prandelli luôn luôn lo sợ ấy cũng đã đến, khi tiền vệ kỳ cựu Andrea Pirlo dính một chấn thương cơ không nhẹ ở trận thắng nhọc tuyển Nhật Bản.

1. Anh may lắm cũng chỉ có thể trở lại ở trận bán kết, đẩy Prandelli vào thách thức rất lớn khi Italia phải quyết đấu với chủ nhà Brazil để tranh ngôi đầu bảng A (99% sẽ tránh được Tây Ban Nha ở bán kết). Khốn khó càng thêm khốn khó khi trụ cột De Rossi cũng vắng mặt trận ấy bởi án treo giò. Pirlo là linh hồn ở trận ra quân thắng Mexico, còn De Rossi xuất sắc nhất trận thắng Nhật Bản. Không còn họ, Azzurri sẽ “sống” thế nào trước một Brazil cũng đang chơi thăng hoa và lại có lợi thế chủ nhà?

 Góc nhìn: Khi Pirlo ngã xuống…
Pirlo vẫn quá quan trọng với Italia - Ảnh Getty

Câu trả lời mà những người yêu mến tuyển Italia cần bây giờ không phải là chỉ cho một trận đấu. Italia đã phụ thuộc vào Pirlo quá nhiều và quá lâu rồi, trong khi Pirlo ngày một mỏi mệt bởi tuổi tác và áp lực khi tất cả đều trông vào anh. Đến ngay cả một trận giao hữu thử nghiệm “vớ vẩn” như với San Marino hồi đầu tháng mà Pirlo cũng phải chơi trọn 90 phút, thì có thể thấy Prandelli không hề tự tin nếu không thấy mặt anh trên sân. Nhưng Pirlo sẽ không đá cho đội tuyển lâu nữa, bởi vì anh đã tuyên bố giã từ Azzurri sau World Cup 2014. Prandelli không thể đợi đến lúc ấy mới tính đến giải pháp không Pirlo. Trong tình cảnh chắc chắn vẫn bị vắt kiệt sức tại Juventus và không được nghỉ nhiệm vụ quốc gia trong mùa tới, chẳng ai đảm bảo được Pirlo vẫn còn có thể chạy ở Brazil một năm sau.

Sự kiện Pirlo chấn thương là một rủi ro lớn, nhưng đồng thời cũng là vận hội quý giá để tuyển Italia phải thay đổi suy nghĩ trông chờ vào anh. Rơi xuống nước thì phải bơi nếu không muốn chết chìm. May mắn là trận gặp Brazil không mang ý nghĩa sinh tử nữa vì cả hai đã vào bán kết, Prandelli không cần phải quá căng thẳng dù chiến thắng vẫn có giá trị rất lớn. Gặp Tây Ban Nha ở bán kết hay chung kết cũng không khác nhau là bao nhiêu nếu dám ôm mộng vô địch. Ngoài ra, việc đối đầu với đại kình địch Brazil cũng là phép thử dữ dội nhất để kiểm tra độ sẵn sàng của Italia cho cả tham vọng ngôi cao lẫn tương lai không Pirlo.

2. Tìm người trám chỗ De Rossi đã khó, thay thế Pirlo là vấn đề nan giải hơn nhiều. Pirlo là linh hồn, là chìa khóa của đội bóng không phải vì vị trí anh chơi mà là phẩm chất, là đẳng cấp và kinh nghiệm. Juventus vừa qua cũng mới chỉ hạn chế bớt được tầm ảnh hưởng của Pirlo nhờ Vidal chơi rất toàn diện, chứ chưa thể thiếu anh. Mất Pirlo, khả năng kiểm soát bóng của Italia sẽ giảm đáng kể. Về mặt logic, Prandelli sẽ phải bổ sung thêm những cầu thủ chơi kỹ thuật để duy trì tỉ lệ giữ bóng. Nhưng thiếu De Rossi, sức chiến đấu cũng mất đi nhiều. Italia suýt “chết” ở trận gặp Nhật Bản một phần bởi tuyến tiền vệ quá ít cơ bắp (chỉ De Rossi “công nhân”, trong khi 4 tiền vệ còn lại đều là “nghệ sĩ”, bao gồm Pirlo, Montolivo, Aquilani và Giaccherini). Marchisio sẽ trở lại đá thay De Rossi, nhưng chỉ mình anh là chưa đủ để đối chọi với những “gã lực điền” Hulk, Gustavo, Lucas. Các lựa chọn khác cho tuyến giữa của Italia đều thiên về chơi kỹ thuật (Candreva, Diamanti).

Dường như Prandelli đã tính toán không kỹ ở khâu tuyển chọn nhân sự. Sẽ không bất ngờ nếu Italia bị Brazil áp đảo đến mức nghẹt thở ở trận đấu đêm nay khi Brazil quá giàu sức mạnh thể lực. Nhưng đó sẽ là một bài học quý giá cho giải đấu lớn mùa hè năm sau. Khi Pirlo luôn phải đối mặt với nguy cơ không thể ra sân, Azzurri sẽ phải thay đổi. Pirlo có thể ngã xuống một ngày, nhưng Italia thì phải đứng lên từ chỗ không anh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại