Tạm không bàn tới việc những hoạt động của U19 Việt Nam với nòng cốt là lớp trẻ từ học viện HAGL suốt nhiều tháng qua mang về cho Bầu Đức bao nhiêu tiền, lỗ hay lãi. Chỉ tính riêng giá trị hình ảnh, thì U19 Việt Nam đã và đang “nuôi” cả HAGL.
“Cá nhân bầu Đức và HAGL được khá nhiều: Cả hình ảnh thương hiệu (Brand image) lẫn uy tín thương hiệu (Brand reputation). Cũng xứng đáng thôi. Vì đã ai làm được điều tương tự đâu. Bóng đá nước nhà được một lứa cầu thủ đào tào bài bản và có văn hoá ứng xử tốt. Khán giả thì lâu lắm mới được truyền cảm hứng từ đội tuyển quốc gia (dù chỉ là U19). Điều này rất đáng ghi nhận.
Nói như thế để thấy ở góc độ xây dựng thương hiệu, chính bóng đá đã "nuôi" thương hiệu HAGL rất nhiều: Được nhiều người biết đến ngoài biên giới Việt Nam; Có hình ảnh "quốc tế" nhờ gắn với CLB Arsenal; Tạo dựng được uy tín nhờ đào tạo và phát triển một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng và có văn hoá.
Về lâu dài, HAGL sẽ còn "lãi" nhiều về thương hiệu nếu biết tận dụng thành công đã có được”, Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Chiến lược thương hiệu cho công ty tư vấn hình ảnh thương hiệu đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam năm 1994 – Richard Moore Associates nhận định.
Bầu Đức rất tâm huyết với bóng đá mà hiện tại là với U19 Việt Nam
Có thể thấy, Bầu Đức đầu tư vào bóng đá không chỉ để kiếm lời từ bóng đá, mà thay vào đó, ông đạt được nhiều lợi ích ngược trong các lĩnh vực kinh doanh. Đây chẳng phải hướng đi mới, khi rất nhiều doanh nhân trên thế giới và ở Việt Nam đã thực hiện.
Tuy nhiên tính riêng ở Việt Nam, điều khiến Bầu Đức thành công là bởi ông luôn đi trước một bước.
“Ở Việt Nam nhiều ông bầu cũng chọn bóng đá làm đòn bẩy cho thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân. Bầu Thắng (ĐTLA), bầu Hiển (Hà Nội T&T), bầu Trường (Ninh Bình), bầu Đệ (Xuân Thành Sài Gòn), bầu XYZ…
Khôn ngoan hay không còn tuỳ vào cách làm như thế nào chứ không phải làm gì. Tại sao ông Đức thành công hơn (ít nhất là về hình ảnh)? Vì ông ta là người đầu tiên và biết làm khác biệt.
Đầu tiên vì HAGL là CLB tạo trào lưu làm kinh tế dựa vào bóng đá (thuê Kiatisuk trả lương 10.000USD/tháng là ví dụ điển hình). Khác biệt vì đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ kết hợp với thương hiệu toàn cầu Arsenal. Đúng là rất "khôn ngoan". Làm cái chưa ai làm!”, Ông Nguyễn Đức Sơn tiếp.
Bầu Đức luôn có những hướng đi tiên phong trong bóng đá, như việc mời Arsenal về Việt Nam du đấu hay hợp tác cho ra đời học viện đào tạo trẻ
Có thể nói, bóng đá với Bầu Đức không chỉ là đam mê, mà một phần rất lớn còn là kinh doanh, lấy lãi lỗ làm lời! Tất nhiên như đã nói ở trên, cái lãi với Bầu Đức có nhiều nghĩa, không chỉ là khía cạnh “vật chất” như tiền bạc. Và khi Bầu Đức muốn dùng bóng đá để đánh bóng tên tuổi HAGL, ông phải làm thật hoành tráng, đẹp mắt. Khi ấy thì người được lợi, không ai khác ngoài các CĐV túc cầu.
"Bóng đá phục vụ mục đích kinh doanh. Đừng ngạc nhiên về điều này. Các ông bầu của các CLB nổi tiếng như Man United, Chelsea, Liverpool và Man City bỏ hàng tỉ USD đầu tư vào đội bóng chỉ cho vui? Vui là một phần. Còn vì kinh doanh là nhiều phần. Bầu Đức cũng vậy thôi. Điều này chả có gì sai. Tất cả đều được lợi - ông bầu, đội bóng và khán giả", ông Nguyễn Đức Sơn nhận định.
U19 Việt Nam giúp Bầu Đức có thêm 500 tỷ?
Những thống kê cho hay trong khoảng thời gian 1 tháng cuối năm 2013 khi U19 Việt Nam với nòng cốt là U19 HAGL thăng hoa, giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng thêm 2000 VNĐ/1 cổ phiếu. Với mức tăng đó, ước tính tài sản vốn hóa của Bầu Đức tăng thêm 500 tỷ. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Sơn chia sẻ:
"Mối quan hệ tương hỗ giữa hình ảnh thương hiệu và giá trị cổ phiếu của thương hiệu là rất chặt chẽ. Nhìn sang nước Anh thì biết. CLB Man United thi đấu bết bát trong nửa mùa đầu mùa giải 2013-2014. Trên thị trường chứng khoán, giá trị thương hiệu của họ giảm 250 triệu bảng ngay. Chưa có bằng chứng cho thấy giá trị cổ phiếu lên xuống của HAGL gắn với sự thăng hoa của U19 Việt Nam. Nhưng chắc chắn, thương hiệu HAGL của bầu Đức sẽ "thơm lây" rất nhiều từ thành công của học viên HAGL-Arsenal mà sản phẩm là U19 Việt Nam".