GIAO LƯU TRỰC TUYẾN "Chuyện Công Phượng: Làm gì để "xây" bóng đá Việt?"

Ban Thể thao |

Buổi giao lưu trực tuyến đã diễn ra vào 09h30 ngày 19/11 có sự tham gia của các cựu danh thủ, nhà báo, chuyên gia truyền thông, luật sư… sẽ đưa ra cái nhìn đa chiều về việc xây dựng một nền bóng đá Việt vững mạnh sau nghi án của Công Phượng.

 Thông tin liên tục, nhanh, độc quyền về CÔNG PHƯỢNG

Như quý vị đã biết, kể từ thời điểm thông tin đầu tiên về nghi án tuổi tác được hé lộ cho đến hiện tại, cái tên Công Phượng đã trở thành chủ đề nóng của truyền thông và người hâm mộ, tạo ra 2 luồng dư luận hoàn toàn trái ngược.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói trong cuộc giao lưu này không chỉ là cách ứng xử xung quanh vấn đề độ tuổi chính xác của Công Phượng mà còn là cách ứng xử thế nào để xây dựng một nền bóng đá Việt vững mạnh.

Để góp phần giải mã vấn đề này, chúng tôi đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Chuyện Công Phượng: Làm gì để "xây" bóng đá Việt?

Tham dự buổi giao lưu có các vị khách mời:

Ở đầu cầu Hà Nội:

- Ông Đặng Gia Mẫn – cựu danh thủ, chuyên gia bóng đá.

- Ông Đình Khải – Nhà báo, BLV thể thao kỳ cựu.

- Ông Minh Hải – Nhà báo, báo Bóng đá.

- Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Ở đầu cầu TP. HCM

- Ông Nguyễn Thế Khoa – Chuyên gia truyền thông, CEO công ty Green Standard.

Ở đầu cầu Nghệ An

- Quốc Vượng – cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam.

Ở đầu cầu Quảng Bình

- Ông Nguyễn Quang Vinh – Nhà văn.

Ở đầu cầu Gia Lai

- Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL, Giám đốc Truyền thông công ty cổ phần HAGL.

Ở đầu cầu Italia

- Ông Trương Anh Ngọc – BLV, Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Ở đầu cầu Australia

- Ông Phan Tất Đức, hiện đang ở Úc, vừa hoàn thành khóa học Thạc sỹ về chuyên ngành quản lý theo chương trình học bổng của Chính phủ Úc, đã có thâm niên gần 10 năm cộng tác với các báo thể thao.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

- Em chào anh Quốc Vượng. Em muốn hỏi anh rằng từng là một cầu thủ chuyên nghiệp thì anh nhận định việc chênh lệch 2 tuổi ở độ 19, 20, mà cụ thể ở đây là Công Phượng, có thể ảnh hưởng thế nào tới các thành tựu, thành tích đạt được? (Độc giả Phan Thị Bính - Thái Bình).

Cựu cầu thủ Quốc Vượng: Chào bạn! Dù tuổi tác như thế nào thì cũng không thể phủ nhận được tài năng của Công Phượng! Hãy tập trung vào việc làm sao để phát triển bóng đá Việt Nam hơn là làm rùm beng những việc kiểu như vậy. Muốn trẻ con trung thực thì các chú các bác hãy làm gương đi. Cá nhân tôi tất nhiên ghét giả dối!

- Chào ông Nguyễn Thế Khoa! Tôi muốn hỏi ông rằng liệu có khía cạnh tích cực nào về hình ảnh mà Công Phượng và HAGL sẽ thu được trong vụ việc này? (Độc giả Trần Đăng Hiệp - Hoàng Mai, Hà Nội).

Ông Nguyễn Thế Khoa: Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong trường hợp này Công Phượng hoàn toàn không thu được điểm tích cực nào và cũng vì yếu tố bảo mật cũng như điều khoản phát ngôn khiến mọi thứ trở nên bị động.Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của HAGL nhưng họ cũng không nhận ra mình đang đối đầu với điều gì. Nếu sáng suốt hơn, HAGL đã có thể tạo thành cơ hội hiếm có để PR cho chính họ.

- Thưa Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông từng lên tiếng đòi quyền lợi cho Công Phượng, vậy lúc này ông nhận định vấn đề như thế nào và có còn thắc mắc nào muốn được giải đáp trong vụ việc này? (Nguyễn Văn Minh – Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Sự việc không còn dừng lại ở chứng cứ địa phương trưng ra nữa, khi cơ quan báo chí đưa chứng cứ mới, đặc biệt cuốn sổ hộ khẩu lưu ở công an huyện, năm sinh của Công Phượng là 1993 thì chắc chắn cơ quan chức năng phải vào cuộc và như Tổng cục Thể dục thể thao đã trả lời báo chí, chuẩn bị cử một bộ phận vào Nghệ An để xác định tuổi cho Công Phượng. Tôi mong nhanh chóng có được trả lời chính thức về tuổi của Công Phượng, câu trả lời trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, điều này có lợi cho nhiều phía, giảm áp lực, vì nói cho cùng, sự thật có sức mạnh đặc biệt của nó, không ai bóp méo, xuyên tạc hoặc vùi dập được. Nếu cuối cùng, sự thật năm sinh 1993 thì khi đó cũng rõ ràng một việc, và ai đó chắc chắn sẽ bị xử lý vì gian lận, còn Công Phượng sẽ nhẹ lòng vì được trả lại đúng tuổi mình, chấm dứt sự nghi kị, đàm tiếu hoặc săm soi, còn vì điều này mà Công Phượng nhỡ phải chấp nhận một hình phạt nào đó thì cũng rất cần, em còn trẻ, không sao hết, mục tiêu tối cao của con người là hướng tới sự trung thực chứ không phải đèo bòng sự dối trá.

Chào Nhà báo Anh Ngọc. Em rất hâm mộ anh và muốn đặt câu hỏi: “Báo chí có nên tiếp tục tranh luận về độ tuổi của Công Phượng không? Dư chấn của cuộc tranh luận sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm lý của cầu thủ trẻ người Nghệ An?” (Độc giả Nguyễn Trung Kiên - Đắc Lắc)

BLV Anh Ngọc: Tôi nghĩ, trên báo chí cũng như trên các mạng xã hội, đã hình thành hai chiến tuyến, phe bảo vệ Công Phượng và phe đưa bằng chứng. Cuộc tranh luận này còn kéo dài đến đâu thì còn phụ thuộc vào việc người ta có tiếp tục đưa ra những lí lẽ, lập luận, đổ lỗi, chỉ trích nhau nữa hay không. Nhưng tôi thấy, loanh quanh mãi cũng chỉ xung quanh chuyện chứng minh ở mấy tờ giấy chứng minh về tuổi và sự "sai sót" ở đó có hay không.

Vấn đề duy nhất mang tính đạo đức mà chẳng ai đặt ra, là đằng sau cái tờ giấy ấy là sinh mệnh và số phận của những con người. Những tờ giấy có thể sửa được một cách vô tình hay cố ý, những số phận cũng có thể thay đổi vì nó, nghe thật đơn giản nhưng chua xót. Đó không phải là chuyện đơn giản, mà là chuyện những số phận con người. Nghe các quan chức địa phương của Phượng nói về những hồ sơ bị mất thấy đơn giản quá. Trong đó là số phận của biết bao con người chứ không chỉ một mình Phượng. Chuyện mất hồ sơ, chuyện làm lại hồ sơ nghe cứ như một chuyện đương nhiên nào đó, trong khi điều ấy phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của công tác hộ tịch và nhân thân. Có thể đưa ra lí giải nào cho việc hàng nghìn hồ sơ bị mất, những sổ học bạ với nét mực giống nhau, những nét gạch, xóa... liên quan đến hàng bao con người? Đây mới chỉ là quê Phượng, còn những quê khác thì sao? Hình như chúng ta đã coi đó là chuyện bình thường. Khi những điều bất thường được chấp nhận là bình thường, tôi tin, đã có điều gì không ổn xảy.

Trở lại chuyện tranh luận, tôi tin rằng, ở Việt Nam mình, khi cái tình đôi khi còn được trọng hơn cái lí, sẽ hòa cả làng thôi. Câu chuyện sẽ chìm xuống và đi vào quên lãng. Đội tuyển Việt Nam sắp đá AFF Suzuki Cup rồi. Nếu có chuyện xảy ra với Phượng, người ta sẽ có cớ để mà đổ lỗi. Nếu Công Phượng sa sút và thất bại, họ sẽ bảo, đó là lỗi của truyền thông. Nếu Công Phượng thành công, tên tuổi của cậu sẽ còn được tung hô nữa, không chỉ vì khía cạnh tài năng bẩm sinh, mà còn trên khía cạnh bản lĩnh nữa. Tôi không thể trả lời thay cho Công Phượng câu hỏi, rằng dư chấn của tranh luận sẽ ảnh hưởng ra sao đến tâm lí của cậu. Dù cậu 19 hay 21 tuổi, thì cậu cũng là một người đã đủ tuổi công dân. Cậu không phải một đứa trẻ và chỉ trông cậy vào công chúng để thể hiện tài năng của mình. Tôi thấy công chúng có vẻ chiều Phượng quá.

Trương Anh Ngọc – BLV, Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam

Trương Anh Ngọc – BLV, Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam

- Thưa Luật sư Bách, việc đưa những thông tin về đời tư của Công Phượng như vậy có vi phạm gì không? (Trang - Hà Nội)

Luật sư Hồng Bách:

Thứ nhất: Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Bộ luật dân sự cũng quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó cho phép. Như vậy, tôi khẳng định quyền về nhân thân và thân nhân được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai: Câu hỏi đặt ra là cơ quan báo chí có quyền đưa tin về một ai đó? một tổ chức hay một sự kiện hay không? Luật Báo quy định: báo chí có quyền phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Như vậy, theo luật báo chí thì cơ quan báo chí có quyền đưa tin.

Thứ ba: Khi tác nghiệp báo chí thì người của cơ quan báo chí cần phải tác nghiệp trong giới hạn luật pháp cho phép. Nếu đi quá giới hạn thì có thể sẽ vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta cần phải xem việc đưa tin quá sâu về đời tư của cơ quan báo chí có xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công Phượng được pháp luật bảo vệ hay không? Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

- Em chào anh Quốc Vượng. Theo kinh nghiệm từ cá nhân anh, những gì dư luận đang làm có là quá hà khắc với các cầu thủ, cụ thể ở đây là Công Phượng? (Độc giả Đinh Thanh Thúy – Kiên Giang)

Cựu cầu thủ Quốc Vượng: Tôi chỉ muốn nói thế này: “Đừng biến Phượng thành công cụ của các bạn nữa vì người khổ là Công Phượng và bố mẹ của cậu ấy. Mọi người làm ơn đừng làm khổ người khác nữa!”

- Dư luận vẫn đang tranh cãi về vấn đề có thực sự cần phải minh bạch tuổi Công Phượng hay không. Theo nhà báo thì vấn đề này như thế nào và nên làm cách nào để mang tính nhân văn và tích cực? (Nguyễn Thị Minh Liên, Hà Nội).

Nhà báo Đình Khải: Cá nhân tôi cho rằng việc các báo điều tra về tuổi của cầu thủ đảm bảo trung thực là điều cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm này nếu tuối Công Phượng không đúng với hồ sơ, tôi cho rằng cũng không nên công khai. Việc thiếu trung thực trong lứa cầu thủ trẻ không phải lần đầu xuất hiện, mà nó diễn ra nhiều năm. Không phải bất kỳ em nào bị phát hiện gian lận ta cũng công khai đâu. Công khai để làm gì? Chúng ta chỉ công bố một lần chứ không công khai. Công khai tuổi của Công Phượng thời điểm này hay thời điểm khác cũng không cần thiết, có thể làm nản lòng cá nhân em ấy.

- Theo nhà báo Anh Ngọc, sau sự việc này giá trị của Công Phượng sẽ thay đổi như thế nào và liệu có ảnh hưởng gì tới tương lai chơi bóng của cầu thủ này? Theo ông, có phải báo chí đang quá tập trung vào những "sự kiện đời tư" của Công Phượng mà vô tình hoặc cố tình "quên" rằng Công Phượng vẫn là một tài năng bóng đá, và là một người trẻ tuổi cần có sự bảo vệ? (Nguyễn Đức - Trần Phú, Hoàng Mai)

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi chưa biết định giá của cầu thủ này là bao nhiêu và đã có ai đánh giá giá trị trên thị trường của Phượng chưa, nhưng nếu thực sự Phượng "có vấn đề" về tuổi, và những tranh cãi kéo dài, thì việc Phượng có muốn thi đấu ở nước ngoài, trong trường hợp có đội bóng nào đó quan tâm, cũng sẽ khó khăn hơn. Các CLB nước ngoài, nhất là Châu Âu, rất ngại các cầu thủ có giấy tờ thiếu minh bạch, hoặc giấy tờ đó đã vướng vào những tranh cãi nào đó. Tôi cho rằng, việc đang xảy ra có thể cản trở Phượng thi đấu ở nước ngoài, nếu Phượng có giá trị.

Phượng đã đủ tuổi công dân, đã là một người đủ năng lực hành vi và chưa thể coi là một cầu thủ ở dạng "quý hiếm" để cần được bảo vệ. Tài năng bóng đá thì đúng, cái đó ai cũng công nhận. Nhưng con đường phía trước của cậu ấy còn dài. Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua những rắc rối đang mắc phải,cậu ấy sẽ không thể lớn được nữa. Chẳng có cách bảo vệ nào tốt hơn cho cậu ấy bằng cách có những cái nhìn khách quan và tỉnh táo về cậu ấy, đừng nuông chiều Phượng và bản thân Phượng cũng phải biết cách tự vệ. Tự vệ bằng cách thi đấu tốt trên sân cỏ. Đó là cách tốt nhất.

- Báo chí Australia đánh giá như thế nào về lứa U19 hiện nay của VIệt Nam sau khi đã thắng họ nhiều lần? (Quốc Trung - Đà Nẵng)

Nhà báo Tất Đức: Phải thành thật thế này, đội U19 của chúng ta gần như không nhận được sự quan tâm nào từ báo chí Australia, dù từng thắng họ. Có thể một phần vì bóng đá không phải là môn thể thao được yêu thích nhất ở đất nước này (họ thích bóng bầu dục hơn). Nhưng điều quan trọng hơn là họ không coi đội U19 là bộ mặt của nền bóng đá. Nên ngay cả khi ĐT U19 Úc thua Việt Nam 1-5 ở vòng loại cũng chỉ có website của LĐBĐ Úc và một số diễn đàn đề cập đến chuyện này. Chứ truyền thông Úc không coi đây là vấn đề lớn. Tôi phải nói rằng có lẽ chẳng có nước nào đội tuyển U19 được quan tâm đặc biệt như ở nước ta.

Nhà báo Đình Khải đang tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Nhà báo Đình Khải đang tham gia buổi giao lưu trực tuyến

- Thưa ông Nguyễn Tấn Anh, giả sử nếu bị đặt vào tình huống phải lựa chọn: Bảo vệ Công Phượng, hoặc bảo vệ sự thật, HAGL sẽ chọn cách nào? Tại sao? (Trần Đình Tiến – Việt Yên, Bắc Giang).

Ông Nguyễn Tấn Anh: Chúng tôi luôn tôn trọng sự thật khách quan. Nếu các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận Công Phượng sinh năm 1993, chúng tôi sẽ chấp nhận sự thật này. Triết lý của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG là luôn đề cao tính trung thực, fair play trong thể thao cũng như cuộc sống. Đây cũng chính là bài học đầu tiên mà HLV Graechen Guillaume dạy cho các học trò của mình. Vì thế chúng tôi sẽ không bao che cho những sai trái (nếu có) và các cháu cũng hiểu rõ điều này.

- Em xin nhờ anh Anh Ngọc giải đáp một loạt những thắc mắc trong lòng như sau ạ: Công chúng phản ứng mạnh mẽ trước việc điều tra về năm sinh thật của Công Phượng, nhiều ý kiến thậm chí cho rằng đây là hành động kìm hãm phát triển tài năng trẻ, họ chỉ quan tâm tới tài năng của anh. Có phải dư luận trong nước đang quá dễ dãi với các tài năng trẻ và đang đặt tình cảm trên lý trí? Là một người sống ở nước ngoài nhiều năm, đã bao giờ anh chứng kiến 1 sự việc nào tương tự như thế này ở nước bạn chưa? và phản ứng của người dân ra sao? (Độc giả Trần Trung Dũng – Quỳnh Hưng, Thái Bình)

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi nghĩ công chúng đã đi quá xa trong việc phản ứng. Là một người làm truyền thông và nghiên cứu truyền thông mạng, tôi nhìn sự kiện này ở một góc độ khác. Phượng và đội U19 của cậu giống như những người xuất hiện đúng lúc người hâm mộ đang thiếu thần tượng mới, đang tìm kiếm những gì trong sạch trong một nền bóng đá không còn làm cho họ yêu thích nữa. Cậu được tung hô như một người hùng, được ca ngợi, được ngưỡng mộ sau những gì cậu và các đồng đội đã làm được trong các trận đấu ở lứa trẻ (chứ không phải ĐTVN). Thế rồi, khi người ta đang sung sướng với một người hùng đưa họ đến những giấc mơ vốn trước nay quá ít ỏi, thì họ bỗng nhiên bị kéo tụt xuống đất bằng một cuộc điều tra vào những nghi vấn liên quan đến giấy tờ của thần tượng-người cứu rỗi. Người ta hoảng hốt trước nguy cơ đổ vỡ thần tượng, và họ phản ứng rất bản năng: hãy làm mọi cách để bảo vệ cậu ấy.

Chĩa mũi dùi vào cơ quan tung ra bằng chứng là chuyện dễ hiểu, xét về mặt tình cảm. Nhưng xét về mặt lí trí, tôi tin là họ đã quá đà và những cách thể hiện sau đây bộc lộ điều quá đà ấy: 1) Phượng là 1 tài năng. Phải bảo vệ cậu ấy bằng mọi giá trước những âm mưu hãm hại cậu, bất chấp cậu có đúng hay sai, 2) Nếu chuyện sai tuổi là đúng, thì đó là lỗi của người lớn, không phải lỗi cậu ấy (trong khi trên thực tế, bản thân cầu thủ bị tố gian tuổi cũng là người được hưởng lợi từ sự gian lận ấy-nếu thực sự có gian lận), 3) Cách làm của cơ quan tung ra bằng chứng là lá cải, là hình sự hóa, là kết luận thay tòa án, thay công an, là sai, 4) 19 hay 21 tuổi không quan trọng, miễn là đem đến niềm vui cho người hâm mộ, miễn là cống hiến cho đất nước, 5) VTV giết chết tài năng, trong trường hợp Phượng bị phạt, nếu việc gian lận tuổi được chứng minh. Những lời "tố cáo" vẫn còn rất dài.

Điều duy nhất người ta cần quan tâm, là tại sao các giấy tờ của Phượng có nhiều chi tiết có vấn đề như thế, tại sao phải như thế và những ai đã thực hiện những giấy tờ đó, những chi tiết đó, để đạt mục đích gì? Nói rộng ra hơn nữa, ở đây, cũng nên nhắc lại rằng, chuyện gian lận tuổi trong bóng đá trẻ Việt Nam là một căn bệnh trầm kha và xảy ra ở rất nhiều các địa phương trong nước, vì thành tích của địa phương đó. Số phận của bao con người đá bóng nằm trong những giấy tờ đó. Người ta không thể dùng sự gian dối để khẳng định là mình đang hướng đến những mục đích cao đẹp. Không thể nói rằng, tại sao công an bắt tôi đi ngược chiều, mà không bắt những người khác cũng đi ngược chiều. Không thể dúi vào tay nhân viên công quyền chút tiền để được thoát, rồi sau đó quay đi và chửi xã hội này toàn thằng ăn chặn, ăn cắp được.

Hoàn toàn trung lập và không bênh ai trong chuyện này, tôi tin rằng, trong một xã hội mà các giá trị thật giả lẫn lộn, nếu người ta đã nghi ngờ ai đó tìm cách giết chết tài năng, thì cũng sẽ có người nghi ngờ rằng, đã có ai đó muốn gian lận tuổi của Phượng để phục vụ mục đích của họ.

Ở Ý, tôi chưa chứng kiến những chuyện liên quan đến tuổi của một cầu thủ nào đó. Họ cũng quan liêu giấy tờ lắm, nhưng không có chuyện xảy ra như với Phượng. Còn chuyện dư luận nổi giận và đứng về phía cầu thủ nào đó, thì đấy là khi họ gây áp lực để buộc các HLV Zoff và Trapattoni phải đưa Roberto Baggio vào đội tuyển Ý. Chuyện xảy ra cách đây cả chục năm rồi.

- Không ít NHM cho rằng, chuyện tuổi thật của cầu thủ/vận động viên bị sai lệch vì lý do này khác là chuyện không có gì lạ và không đáng làm ầm ĩ. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này?(Hiệp – Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Trước hết tôi trả lời với tư cách một cựu cầu thủ, một BLV, một nhà giáo chứ không phải với tư cách là chuyên gia bóng đá. Tôi rất tiếc việc tuổi của Công Phượng lại đưa ra một cách đơn lẻ vào thời điểm ĐT Việt Nam đang bước vào 1 chiến dịch lớn là AFF Cup. Lẽ ra việc này làm sau AFF Cup và làm trong 1 chiến dịch lớn, làm trong sạch về tuổi của các cầu thủ VN trong đó Công Phượng chỉ là 1 điểm nhấn.

- Chào anh Minh Hải. Theo anh, quan điểm có thể cho Công Phượng ra nước ngoài thi đấu để tránh vụ ồn ào này? (Hoàng Minh Anh – Nam Định)

Nhà báo Minh Hải: Chào bạn! Thời gian vừa rồi, NHM đã lên tiếng về nghi vấn liên quan đến tuổi thật của Công Phượng và đã có rất nhiều ý kiến lệch trọng tâm. Chúng ta cần ý thức rất rõ rằng vụ việc này liên quan đến pháp luật, đến tính hợp pháp của giấy tờ. Đề xuất đưa Công Phượng ra nước ngoài thi đấu trong thời điểm đang có tranh cãi về pháp lý như hiện nay là không phù hợp. Bởi chúng ta đang chờ kết luận của cơ quan công quyền và  quy trách nhiệm cho bên liên quan. Khi Công Phượng được chứng minh là vô can, lúc đó, chúng ta đưa ra những giải pháp nhằm phát triển tài năng cho Công Phượng cũng chưa muộn.

Minh Hải – Nhà báo, báo Bóng đá

Minh Hải – Nhà báo, báo Bóng đá

- Anh có cái nhìn như thế nào về việc gian lận tuổi trong lĩnh vực thể thao? Đóng góp của anh để giúp tình trạng này không xảy ra trong nền thể thao nước nhà? (Tuấn Anh - Phố Huế, Hà Nội)

Nhà báo Tất Đức: Phải khẳng định rằng đã là gian lận thì nghiễm nhiên là xấu và cần phải bài trừ, không phải chỉ thể thao mà bất kì lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng vậy. Tương tự thế không chỉ vấn nạn gian lận tuổi, mà bất kì vấn nạn gian lận nào khác trong thể thao (doping, dàn xếp tỉ số…) cũng cần phải được giải quyết dứt điểm.

Tôi cho rằng gian lận tuổi trong thể thao trước hết bắt nguồn từ căn bệnh thành tích. Tự các bạn VĐV khi còn ở lứa tuổi thiếu niên không thể nghĩ ra việc gian lận cho mình. Đó hoàn toàn là do người lớn dàn xếp, tổ chức. Nói cách khác các em chỉ là nạn nhân mà thôi. Vì thế, để giải quyết được gian lận tuổi thì phải chữa được căn bệnh thành tích. Cần phải tuyên truyền để những người làm thể thao hiểu rằng những yếu tố trung thực – cao thượng mới là điều giá trị nhất trong thể thao, chứ không phải là thành tích. Tiếp đến là các nhà quản lý trong lĩnh vực thể thao như BTC giải đấu… cần phải có biện pháp giám sát (kiểm tra chặt chẽ giấy tờ, đo tuổi xương, trắc nghiệm, điều tra ngẫu nhiên…) và có những chế tài đủ mạnh để loại bỏ tình trạng này.

Nhưng dù sao tôi cũng tin rằng trong tương lai gian lận tuổi trong lĩnh vực thể thao cũng sẽ tự giảm. Bởi khác vài 10-20 năm trước, hiện tại những quy định về quản lý tư pháp của chúng ta đã tương đối chặt chẽ, nên sẽ khó có người dân nào có thể gian lận, trừ khi nó được thực hiện bởi cả một hệ thống.

- Thưa nhà báo Anh Ngọc, có ý kiến cho rằng phóng sự của VTV nhằm để tăng rating. Ông nghĩ sao về ý kiến này? (Tuấn Nam - Ba Đình, Hà Nội)

Nhà báo Anh Ngọc: Cách làm của VTV trong sự kiện này có vẻ là quá mới đối với nhiều người. Tôi không bàn đến cách mà họ đã làm như thế nào về mặt chuyên môn, mà tôi chỉ nói rằng, việc tạo rating cũng là một chuyện bình thường đối với truyền hình hiện đại. Khán giả đã quen với những khung giờ vàng, quen với các chương trình vào giờ đẹp thì cũng sẽ phải quen với việc rating quyết định các khung giờ của truyền hình. Chuyện này rất quen thuộc với truyền hình nước ngoài, và những ngôi sao hay "chuyện hot" sẽ có tác dụng trong việc tăng hay giảm rating của chương trình ấy. Người ta sẵn sàng cắt bỏ một serie phim dựng rất công phu, hoặc một chương trình lớn, một khi rating thể hiện số lượng người xem quá thấp. Nếu VTV dùng những lùm xùm quanh giấy tờ của Công Phượng để tăng rating thì cũng là chuyện bình thường, chẳng khác gì chuyện Beckham sang Việt Nam để quảng cáo rượu, hay các siêu mẫu xuất hiện trong các quảng cáo đồ lót cả. Chúng ta phải quen với điều này thôi.

- Khi các trang thông tin đưa không chính xác đều bị phạt. Cơ quan báo chí tung ra thông tin cần phải làm gì trong trường hợp này? (Dương - Hồ Đắc Di, Hà Nội).

Luật sư Hồng Bách: Mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý như nhau. Hành vi vi phạm sẽ có chế tài tương ứng áp dụng. Phản ứng của bạn xem truyền hình là rất mạnh và hiệu ứng lớn. Do đó, có lẽ trong trường hợp của Công Phượng, VTV cần phải xem xét lại với chương trình đã đưa tin trên về Công Phượng trên Chuyển động 24 h. Như thế mới giữ được sự hâm mộ với kênh truyền hình lớn tại Việt Nam.

Luật sư Hồng Bách trả lời câu hỏi của độc giả

Luật sư Hồng Bách trả lời câu hỏi của độc giả

- Chào ông Tấn Anh. Nhiều người cho rằng, Công Phượng hiện đang là cầu thủ của đội tuyển bóng đá U19 từ học viện HAGL, tuy nhiên, khi gặp phải sự cố này, phía Hoàng Anh Gia Lai lại chưa thực sự có sự vào cuộc quyết liệt, đấu tranh, bảo vệ cầu thủ của mình. Ông nghĩ sao về điều này? (Trần Mạnh Dũng – Ba Đình, Hà Nội).

Ông Nguyễn Tấn Anh: Trong suốt thời gian qua, chúng tôi luôn bên cạnh và ủng hộ Công Phượng. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi bảo vệ Công Phượng bằng mọi giá, bất chấp sự thật. Khi có những thông tin sai lệch về tuổi tác, anh Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn đã cử đại diện đến xã Mỹ Sơn, Huyện Đô Lương, Nghệ An gặp gỡ bố mẹ Công Phượng, đại diện chính quyền địa phương hiện đang đương chức và các lãnh đạo qua các thời kỳ để kiểm chứng hồ sơ, giấy tờ có liên quan. Khi đã thu thập đầy đủ các thông tin, anh Đoàn Nguyên Đức mới có cơ sở kiến nghị Bộ Tư Pháp, Bộ Công An và các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc.

Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL, Giám đốc Truyền thông công ty cổ phần HAGL.

Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL, Giám đốc Truyền thông công ty cổ phần HAGL.

- Gian lận tuổi là vấn nạn, vậy tại sao chỉ cá nhân Công Phượng bị điều tra? (Ngọc Linh - Yên Bái)

Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Vì Công Phượng là một tên tuổi quá “hot”. Rất tiếc cơ quan báo chí đó đã làm không khéo trong tình huống này. Tôi có một câu chuyện riêng tư muốn gửi tới mọi người:

Miếng cá ăn vụng và người đàn bà xứ Nghệ

Năm 1970, tôi 17 tuổi học chuyên Toán sư phạm Vinh ở trọ tại gia đình làng chài Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Một buổi trưa vắng vẻ tôi lẻn vào bếp ăn vụng một miếng cá kho. Đúng lúc đấy có tiếng dép loẹt quẹt ngoài cổng. Bà chủ nhà bế hai tay hai đứa trẻ sinh đôi chưa đầy năm. Thấy tôi trong bếp bà rảo bước lên nhà trên.

Cơ thể tôi lớn lên không vì miếng cá nục ấy nhưng tâm hồn, lối sống có ảnh hưởng không nhỏ từ sự bao dung của người đàn bà ít học xứ Nghệ.

Chuyên gia bóng đá Đặng Gia Mẫn

Chuyên gia bóng đá Đặng Gia Mẫn

- Liên quan đến vụ nghi vấn gian lận tuổi của Công Phượng hiện đang có 2 luồng dư luận trái chiều (ủng hộ và không ủng hộ). Ở góc nhìn cá nhân, nhà báo ủng hộ hay phản đối? Vì sao? (Tạ Thị Hồng, Phú Lương, Thái Nguyên).

Bác Đình Khải: Về câu hỏi này tôi thấy cần phải làm rõ: Thứ nhất, tôi ủng hộ việc điều tra phát hiện sự thiếu trung thực nếu Công Phượng gian lận tuổi. Bởi vì, chúng ta đều không thể chấp nhận được tình trạng thiếu trung thực diễn tra trong thể thao từ nhiều năm nay mà vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, tôi không ủng hộ nếu chúng ta tiến hành việc điều tra không có phương pháp, khiến cho cá nhân Công Phượng cũng như những người có liên quan bị ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần. Ở đây, tôi muốn nói về vai trò của báo chí, cần phải được quan tâm tới việc điều tra và thông tin trên báo chí đến mức độ nào thì đủ, thì đúng chức năng báo chí mà không vượt quá phạm vi mình được phép.

- Thưa Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông từng lên tiếng đòi quyền lợi cho Công Phượng, vậy lúc này ông nhận định vấn đề như thế nào và có còn thắc mắc nào muốn được giải đáp trong vụ việc này? (Nguyễn Văn Minh – Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Sự việc không còn dừng lại ở chứng cứ địa phương trưng ra nữa, khi cơ quan báo chí đưa chứng cứ mới, đặc biệt cuốn sổ hộ khẩu lưu ở công an huyện, năm sinh của Công Phượng là 1993 thì chắc chắn cơ quan chức năng phải vào cuộc và như Tổng cục Thể dục thể thao đã trả lời báo chí, chuẩn bị cử một bộ phận vào Nghệ An để xác định tuổi cho Công Phượng. Tôi mong nhanh chóng có được trả lời chính thức về tuổi của Công Phượng, câu trả lời trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, điều này có lợi cho nhiều phía, giảm áp lực, vì nói cho cùng, sự thật có sức mạnh đặc biệt của nó, không ai bóp méo, xuyên tạc hoặc vùi dập được. Nếu cuối cùng, sự thật năm sinh 1993 thì khi đó cũng rõ ràng một việc, và ai đó chắc chắn sẽ bị xử lý vì gian lận, còn Công Phượng sẽ nhẹ lòng vì được trả lại đúng tuổi mình, chấm dứt sự nghi kị, đàm tiếu hoặc săm soi, còn vì điều này mà Công Phượng nhỡ phải chấp nhận một hình phạt nào đó thì cũng rất cần, em còn trẻ, không sao hết, mục tiêu tối cao của con người là hướng tới sự trung thực chứ không phải đèo bòng sự dối trá.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

- Em rất thích cách trả lời của anh Anh Ngọc. Anh cho em hỏi ở các nước tiến bộ, như Italia, người ta làm như thế nào để chống gian lận tuổi? Bên đó, họ có cương quyết với việc chống gian lận tuổi không? ý thức của con người bên đó về việc gian lận tuổi như thế nào? (Phan Mỹ Dung – Bắc Ninh).

Nhà báo Anh Ngọc: Các nước tiên tiến không chỉ dựa vào giấy tờ để chống gian lận tuổi. Họ đo tuổi của xương. Chuyện gian lận tuổi chủ yếu xảy ra ở nền bóng đá của các nước thứ ba, nhất là ở cấp độ đội trẻ. Ở Việt Nam cũng thế thôi. Chẳng ai gian lận tuổi khi đã ở ngưỡng hết sự nghiệp cầu thủ, mà thường là khi những cầu thủ này còn rất trẻ. Các ông cò cầu thủ và gia đình hoàn toàn có thể thống nhất chuyện mua chuộc các nhà chức trách địa phương để làm giả hoặc sửa đổi nhân thân cho những cầu thủ trẻ, sau đó tìm cách bán họ sang Châu Âu. Ở Italia, người ta đã từng điều tra ra cầu thủ Eriberto của đội Chievo gian lận 4 tuổi (khai sinh năm 1979, trên thực tế, tên thật là Luciano, sinh năm 1975). Anh này sau đó bị phạt 160 nghìn euro và treo giò 6 tháng. Gian dối thể thao là một lỗi nặng và sẽ bị phạt nặng. Các LĐBĐ thường kiểm tra rất kĩ hồ sơ của các cầu thủ trước khi cho phép họ được CLB mua về đăng kí thi đấu.

- Gửi ông Nguyễn Thế Khoa: Trong vụ Công Phượng, nhiều người cho rằng ở góc độ nào đó, truyền thông đã hơi quá đà, anh có nghĩ vậy không? (Lý Thức – Quảng Bình)

Ông Nguyễn Thế Khoa: Trong vụ việc này cần nhìn rõ nguồn gốc của vấn đề. Truyền thông đã làm đúng phận sự của mình là đưa ra cái nhìn đa chiều, việc quá đà hay không thì không do truyền thông quyết định. Mà là do chính những nhân tố trong cuộc quyết định. Bản thân những ngưòi làm công tác truyền thông ở phía Công Phượng hay HAGL đã hơi thụ động ban đầu. Nên không thể trách truyền thông quá đà được.

- Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên đi đến cùng trong vụ việc này, ít nhất là để đảm bảo sự công bằng cho các cầu thủ khác và trong sạch của nền bóng đá trẻ Việt Nam. Theo ông, điều đó có cần thiết không? (Ông Hoàng Minh, Q. Gò Vấp, TP.HCM)

Bác Đình Khải: Với báo chí, khi điều tra, đương nhiên phải tiến hành điều tra đến cùng để đảm bảo những thông tin mình đưa ra là chuẩn xác. Nhưng tránh sa đà vào những kết luận không đúng thẩm quyền của báo chí.

Trong chuyện của Công Phượng, thì cá nhân tôi cho rằng, báo chí thời gian qua đã cung cấp thông tin như vậy là đầy đủ. Còn kết luận cuối cùng thì nên dành cho các cơ quan chức năng.

- Thưa anh, ở Australia từng có trường hợp gian lận tuổi hay không? Nếu có họ xử lý thế nào?

Nhà báo Tất Đức: Theo tôi được biết thì trong bóng đá đỉnh cao của Australia chưa có trường hợp gian lận tuổi nào. Bởi thứ nhất họ không đặt nặng vấn đề thành tích để mà phải gian lận, với họ sự minh bạch, trung thực là quan trọng nhất. Hơn nữa, hệ thống quản lý của họ hoàn chỉnh tốt hơn chúng ta nên muốn gian lận cũng khó. Tôi chỉ biết Australia từng là nạn nhân của 1 vụ gian lận tuổi. Hồi tháng 11/2012, LĐBĐ Australia và Saudi Arabia đã cùng kiện đội tuyển U19 Syria sử dụng cầu thủ quá tuổi ở giải U19 Châu Á năm ấy. Nói chung, gian lận tuổi trong thể thao có lẽ chỉ là vấn đề của những nước đang phát triển, chứ khó có đất ở những nước phát triển

Phan Tất Đức - du học sinh tại Úc

Phan Tất Đức - nhà báo, du học sinh tại Úc

- Liên quan đến CLB HAGL, bác có thể cho ý kiến về quyết định giữ toàn bộ các thành viên U19 để đá V-League của bầu Đức? So với phương án chuyển nhượng sang các quốc gia khác, phương án nào được coi là tối ưu hơn? (Nguyễn Hải – Gia Lai)

Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Không có phương án tối ưu, phương án nào cũng có cái hay và cái dở. Riêng tôi  rất thích giữ nguyên khung đội U19 HAGL, đó là 1 làn gió tươi mát thổi 1 V-League đang có quá nhiều bạo lực và tiêu cực. Ít ra, làn gió ấy sẽ làm cho V- league trong lành hơn. Tôi hi vọng V-League sẽ chuyển

- Chào anh Minh Hải. Anh có khá nhiều vlog nói về U19 cũng như Công Phượng, bây giờ anh có điều gì muốn nói với Công Phượng? (Nguyễn Đại Thắng – Ninh Bình).

Nhà báo Minh Hải: Cũng như tuyệt đại đa số NHM Việt Nam, tôi dành nhiều tình cảm cho đội U19 Việt Nam với rất nhiều gương mặt trẻ, tài năng, nhiệt huyết và được đào tạo bài bản. Chính lứa cầu thủ này đang làm hồi sinh nền bóng đá của chúng ta, ít nhất là ở tình yêu của NHM.

Với riêng Công Phượng, tôi biết, em đang ổn, vẫn tập luyện bình thường nhưng nếu có cơ hội, tôi sẽ nói với Công Phượng rằng: “Phượng à, anh biết em vẫn ổn nhưng hãy kiên cường và bình thản đón nhận những áp lực dành cho người nổi tiếng. Hãy nỗ lực hơn nữa để phát triển tài năng, đóng góp cho HAGL, cho BĐVN và đền đáp tình yêu mà những người yêu mến, tin tưởng đã, đang dành cho em. Nhưng trước hết, hãy luôn vững vàng để mang lại sự bình an cho gia đình, đặc biệt là bố Bảy, mẹ Hoa. Anh tin em sẽ làm được tất cả những điều này”.

- Chào Quốc Vượng, là người trưởng thành từ bóng đá, hẳn anh đã nhìn thấy muôn vàn trường hợp thay tên đổi tuổi, quê quán... để đá được giải này, giải nọ. Cứ bát nháo mãi thế này, là người "ghét giả dối" như anh nói thì anh có thấy nản không? Anh có ủng hộ một làn sóng trung thực để bớt đi những uất ức, bất công trong thể thao? Anh có thấy Công Phượng được chiều quá không? (Song An – Hà Nội).

Cựu cầu thủ Quốc Vượng: Cá nhân mình rất ủng hộ bóng đá sạch và trung thực trong tất cả vấn đề. Dù giờ không còn đá bóng mình vẫn ghét giả dối. Nếu có phong trào bóng đá sạch mình sẽ là người đầu tiên ủng hộ.

Cựu danh thủ Quốc Vượng

Cựu danh thủ Quốc Vượng

- Chào ông Tấn Anh. Tôi muốn hỏi giả sử Công Phượng sinh năm 1993 thật thì bên HAGL có xử lý gì với hành động này? Phương án giải quyết để trường hợp trên không còn tái diễn nữa? (Đinh Mạnh Quang – Tuyên Quang).

Ông Nguyễn Tấn Anh: Nếu giả thuyết này là đúng, chúng tôi sẽ tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có sai phạm? Ai là người đã thực hiện? Mục đích của việc thay đổi này là gì?... thì lúc đó chúng tôi mới có thể đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, tình cảm mà chúng tôi dành cho Công Phượng cũng như tất cả các em trong học viện là không thay đổi bởi vì khi các em bước chân vào Học viện đều rất bé mới 11, 12 tuổi, phải sống xa tình thương yêu của ba mẹ, anh chị và người thân suốt 7 năm trời để khổ luyện trong một môi trường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp do các chuyên gia Arsenal JMG trực tiếp huấn luyện. Nếu các em không có niềm say mê bóng đá cuồng nhiệt thì chắc chắn đã không thể theo đuổi đến cùng. Có thể nói, giờ đây các em đã là những đứa con của Bầu Đức, những đứa cháu của chúng tôi…

- Chào anh Minh Hải. Rất nhiều ý kiến cho rằng sự thật đang bị ghẻ lạnh chỉ vì hai chữ tài năng. Với tư cách là một nhà báo ắt hẳn anh hiểu rằng sự thật là một điều luôn luôn cần trong cả báo chí và thể thao. Nếu câu chuyện được giải quyết bằng hai chữ "bỏ qua" liệu nó có trở thành một tiền lệ xấu đối với làng thể thao nước nhà và chúng ta nên làm gì để mọi việc tốt đẹp nhất có thể? (Vũ Sơn Hà – Thanh Hóa).

Nhà báo Minh Hải: Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này. Không ai ghẻ lạnh với sự thật cả, thậm chí, chúng ta khao khát sự thật. Một tài năng hay vĩ nhân, trước pháp luật, bình đẳng như những người bình thường khác và chấp hành pháp luật được coi là thước đo cho phông văn hóa, sự văn minh của mỗi con người. Còn trường hợp bạn đặt ra: “Nếu câu chuyện được giải quyết bằng hai chữ "bỏ qua" liệu nó có trở thành một tiền lệ xấu đối với làng thể thao nước nhà? Tôi không rõ bạn nói về chuyện cụ thể gì nhưng nếu câu này ám chỉ đến nghi án của Công Phượng thì không ai bỏ qua cả, đặc biệt, HAGL cũng đã gửi công văn đến các Bộ, Ban, Ngành có trách nhiệm để tìm sự thật. Mới nhất, phòng tư pháp huyện Đô Lương cũng về xã Mỹ Sơn, quê của Công Phượng, để tìm sự thật. Đó cũng là nỗ lực để tạo sự minh bạch và công bằng.

- Chào anh Anh Ngọc. Em muốn hỏi sự việc lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp đang lên của Công Phượng? Liệu có vì scandal này mà Việt Nam mất đi 1 tài năng? (Lý Quốc Huy – Cần Thơ)

Nhà báo Anh Ngọc: Phượng là một người đã đủ tuổi công dân và có năng lực hành vi. Dù 19 hay 21 tuổi thì cậu ấy cũng không phải là trẻ con nữa. Cậu ấy phải có trách nhiệm với mình và với người hâm mộ. Tôi có cảm tưởng chúng ta cưng chiều cậu ấy quá. Nếu đủ bản lĩnh và biết coi sự cố này như là một động lực để thể hiện mình, Phượng sẽ vượt qua tất cả. Còn liệu Việt Nam có mất đi tài năng hay không thì là một câu hỏi mà cũng chỉ Phượng mới có thể trả lời rõ được. Trong quá khứ, Việt Nam đã mất nhiều cầu thủ tài năng vì những thói hư tật xấu, vì những tệ nạn xã hội, mà chính những cầu thủ ấy cũng từng được người hâm mộ quá nuông chiều. Các bạn có thể bảo vệ Phượng, nhưng đừng nuông chiều Phượng.

- Gửi bác Quang Vinh: “Xuất phát từ lý do gì mà Nhà văn lại đặt câu hỏi lại cho BTV chương trình Chuyển động 24h và đề nghị xin lỗi nhân vật mà VTV đã thông tin?” (Nguyễn Thị Huyền – Hải Dương)

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi đã nói ở trên, tại thời điểm đặt câu hỏi là khi Chuyển động 24H phát phóng sự lần 1, đặt nghi vấn Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải năm 1995, sau đó nhiều tờ báo đưa chứng cứ của địa phương cung cấp về tuổi Công Phượng sinh năm 1995 mà Chuyển động 24H sau đó suốt tuần không thấy nói gì. Tôi nói thẳng thắn với cô Lê Bình, nếu các em nghi vấn sai nên xin lỗi hoặc nên thông tin lại, nhưng lúc đó Chuyển động 24H đã cử tổ công tác thứ 2 đi điều tra, nên tôi không được phép biết kết quả một khi tổ điều tra chưa về.

Cuộc giao lưu trực tuyến "Chuyện Công Phượng: Làm gì để "xây" bóng đá Việt?" kết thúc lúc 11h30. Cảm ơn các chuyên gia, nhà báo, BLV, luật sư, cựu cầu thủ cùng NHM đã nhiệt tình tham gia và đưa ra những góc nhìn, cách ứng xử để cùng xây dựng một nền bóng đá Việt vững mạnh.

Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại