Chưa khi nào ở Việt Nam, người ta muốn biết chính xác về tuổi của một con người đến thế. Rất cuộc điều tra đã được thực hiện, nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác tuổi Công Phượng. Đó là lúc người ta nghĩ đến các phương pháp khoa học.
Từ trước đến nay, phương pháp đo xương (chụp X-quang) vẫn thường được sử dụng để xác định tuổi của các tài năng trẻ. Nhưng trong trường hợp Công Phượng, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam chia sẻ với một tờ báo rằng không hiệu quả. Theo bác sĩ Phú, ở độ tuổi 19, 20 thậm chí là 23, xương con người khá giống nhau nên không thể đo kiểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú điều trị cho Lê Thị Huệ
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Phú chia sẻ, có thể sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để xác định tuổi con người. Phương pháp này hiện đại hơn nhiều và thường được FIFA, AFC sử dụng. Tuy nhiên do phương pháp này tốn kém nên chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Một phương pháp khác có thể sử dụng để xác định tuổi của Công Phượng là đo tuổi răng. Nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Phú khẳng định không có bất cứ phương pháp nào đưa ra kết quả chính xác tuyệt đối. Vì thế cũng không có phương pháp nào kết luận được chính xác độ tuổi của Công Phượng.
Ông Vũ Quang Vinh trong một giải đấu trẻ
Từ trước đến nay, chuyện gian lận tuổi không hiếm trong bóng đá Việt Nam. Thực tế là để đối phó vấn nạn này, BTC của các giải đấu cũng đã rất nỗ lực. Ông Vũ Quang Vinh – người từng nhiều năm giữ vị trí Trưởng BTC giải bóng đá Thiếu niên - nhi đồng toàn quốc chia sẻ với một tờ báo rằng những VĐV sẽ được kiểm tra xương, kiểm tra tinh hoàn, lông mu, chiều cao, cân nặng... Ngoài ra, BTC các giải đấu trẻ còn nhờ cán bộ của Bộ Công An về tận địa phương xác minh.
Trong vụ việc Công Phượng, xem ra các biện pháp khoa học đã “bó tay”. Giờ đây nếu muốn biết “sự thật”, chỉ còn cách chờ các cơ quan hữu quan vào cuộc và công bố kết luận cuối cùng.