Thế hệ U19 thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới có lẽ thuộc về những người Bồ Đào Nha. Họ khởi đầu bằng 2 chức vô địch giải trẻ thế giới các năm 1989 và 1991 – năm mà những Figo và Rui Costa đều chưa quá 19 tuổi. Rồi sau đó, thế hệ này trưởng thành để trở thành một đội tuyển Bồ Đào Nha hùng mạnh, với các ngôi sao đắt giá nhất hành tinh, nhưng kém duyên, khi “chỉ” vào đến bán kết EURO 2000, World Cup 2006 và về nhì ở EURO 2004.
Thậm chí, nếu bạn nghi ngờ rằng “một cây làm chẳng nên non” thì lịch sử cũng đã từng ghi nhận cả những thế hệ cầu thủ trẻ chủ yếu do một CLB đào tạo: đội hình của Liên Xô trong trận chung kết EURO 1988 có đến 7 cầu thủ từ lò Dinamo Kiev, ở độ tuổi sàn sàn nhau, từ 24-27.
Nếu gặp những điều kiện thuận lợi, việc chúng ta sở hữu một đội tuyển quốc gia mạnh có nòng cốt thế hệ HAGL này không phải là lạc quan tếu.
Đó là những trường hợp đã quá nổi tiếng. Nhưng ít người nhớ đến những đội tuyển U19 “chìm không sủi tăm” – mà trường hợp đó thì nhiều hơn những đội thành công. Gần đây nhất, chính là đội tuyển U19 Đức vô địch giải U19 châu Âu năm 2008: trong số 23 cầu thủ dự giải năm đó, chỉ có thủ môn Zieler là được cùng Đức dự World Cup 2014 vào 6 năm sau đó với tư cách dự bị.
Cầu thủ xuất sắc nhất của Đức giải U19 châu Âu năm 2008, Savio Nsereko thậm chí còn không “ngóc đầu” lên được trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Anh chuyển tới chơi cho West Ham với giá 9 triệu bảng rồi sau đó chỉ được chơi 10 trận, không ghi bàn nào. Bị bán rẻ sang Fiorentina, thần đồng này được đem cho mượn khắp nơi và giờ đang đá ở… Kazakhstan.
Vấn đề của Nsereko chỉ ra rằng không phải là người Đức quá dư thừa tài năng nên họ không có cơ hội, mà bản thân các cầu thủ có thể tự thui chột đi vì áp lực.
Cả Rui Costa và Joao Pinto các cầu thủ thuộc “Thế hệ Vàng” của Bồ Đào Nha đều “được” tiếp tục chơi bóng ở các CLB trong nước là Sporting và Benfica vài năm sau khi vô địch giải trẻ thế giới, để tiếp tục phát triển. Sau đó, họ mới chuyển tới chơi cho các ông lớn châu Âu.
Joao Pinto thì còn “may” hơn vì Atletico Madrid mua anh về sau khi vô địch giải trẻ thế giới năm 1991 để cho đá… đội B. Tức là họ đều không chịu áp lực lớn của cái danh “thần đồng” khi mới nổi lên. Thậm chí Joao Pinto sau khi bị “làm nhục” ở Tây Ban Nha thì còn quyết tâm hơn, quay về Bồ Đào Nha đá như lên đồng.
Vấn đề áp lực tâm lý dành cho cầu thủ trẻ từ lâu đã là điều được các Liên đoàn bóng đá châu Âu chú trọng. Việc cầu thủ trẻ tự thui chột là điều quá phổ biến – và các Liên đoàn hay CLB đều có bác sỹ tâm lý. Nhiều liên đoàn còn có riêng “Ban sức khỏe tâm lý” với nhiều chuyên gia.
Điểm mấu chốt của việc sở hữu một Thế hệ Vàng là không coi thế hệ đó là “Thế hệ Vàng”. Người Anh có lẽ hiểu hơn ai hết về việc tung hô quá nhiều về “Thế hệ Vàng” có thể tạo ra những áp lực và khiến cầu thủ của họ thất bại như thế nào. Thế hệ của David Beckham được gọi là “Vàng” và điều tốt nhất họ có thể làm, chỉ là vào đến tứ kết World Cup.
Đội tuyển U19 hiện nay đang được gọi là “Thế hệ Vàng” với tần suất dày đặc. Tất nhiên, niềm hy vọng là không thể giấu diếm. Nhưng những niềm hy vọng quá lớn có thể giết chết các cầu thủ một cách dễ dàng. Xin nhắc lại: đến cả người Đức cũng đã từng là nạn nhân.