Tất nhiên, ông Thắng có cái lý của mình. Về mặt pháp lý thì ông cũng như bầu Hiển, tức là chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ cho 1 đội bóng (với bầu Hiển là SHB.Đà Nẵng) chứ không phải chủ sở hữu. Như vậy, cả hai nghiễm nhiên lách qua quy định cấm 1 ông chủ 2 đội bóng.
Trong khi đó, cũng ngày hôm qua, ở nước Đức xa xôi, BLĐ CLB Bayern Munich đã tuyên bố bác đơn xin từ chức của Uli Hoeness và khẳng định ông này sẽ tiếp tục là Chủ tịch của CLB.
Hai câu chuyện này có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng nếu soi xét kỹ nó lại phản ánh sự khác biệt rất lớn trong cách hành xử của người làm bóng đá xứ ta và xứ người trước cùng 1 vấn đề. Lí do ông Uli Hoeness đâm đơn từ chức là do ông đang bị điều tra vì một vụ trốn thuế. Đây dĩ nhiên hoàn toàn là việc riêng của ông này, chẳng liên quan đến CLB. Thế nhưng, vì lo ngại chuyện cá nhân này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của đội bóng nên ông Hoeness đã tự động nộp đơn xin từ chức, bất chấp việc ông đang làm rất tốt công việc của mình tại Bayern Munich.
Bầu Thắng không lo bị đàm tiếu
Cũng cần nói thêm rằng, việc trốn thuế của Uli Hoeness thật ra có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ. Sự tình là năm ngoái Chính phủ của Thủ tướng Merkel đề xuất một luật "ân xá" cho những kẻ trốn thuế. Luật này cho phép nếu ai đó đã bí mật chuyển tiền ra nước ngoài để trốn thuế, nhưng nay ra tự thú và hoàn trả chỗ thuế đã trốn, thì danh tính sẽ được giữ kín và pháp luật không truy cứu nữa. Theo quan điểm của bà Merkel đây là cách hiệu quả nhất để lấy lại số thuế đã mất.
Ông Uli Hoeness, vốn đã chuyển 10 triệu euro sang Thụy Sỹ mà không khai báo, ngây thơ tin rằng luật này sẽ có hiệu lực. Tháng 1/2013, ông đã đi khai báo về số tiền đang nằm ở nước ngoài của mình với hy vọng rửa sạch tội lỗi. Tuy nhiên, đen cho Hoeness sau đó phe đối lập không đồng ý với đề xuất của Chính phủ và Quốc hội Đức đã bác luật này. Thế là ông Hoeness coi như đã tự “lạy ông tôi ở bụi này”.
Trở lại với bầu Thắng, việc ông này nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long cũng hoàn toàn là việc cá nhân, làm ăn của ông Thắng. Vấn đề là nói gì thì nói, nó cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, những điều tiếng liên quan đến hoạt động của VPF. Khi mà ông Thắng thân là Chủ tịch VPF – tổ chức được kì vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam nhưng chính ông lại ở thế “lý ngay, tình gian” chẳng khác nào bầu Hiển – người đã bị “ném đá” suốt 1 thời gian dài.
Vì thế, nên chăng ông Thắng hãy học theo cách hành xử anh hùng thực sự của Uli Hoeness; thay vì chỉ tỏ ra anh hùng, mạnh miệng rằng: chẳng sợ bị đàm tiếu?