Cao thủ Việt và món võ say "quái" hơn phim chưởng

Thiên Hà |

Bài Túy quyền do vị võ sư này sáng tạo ra vừa độc, vừa hiểm, biến ảo khôn lường mà ngay cả phim ảnh cũng chưa chắc lột tả hết được.

"Tam đại tuyệt kỹ"

Tinh thông nhiều môn võ công, nhưng những tuyệt kỹ ấn tượng nhất của võ sư Trần Hưng Quang là Túy quyền, Thiết đầu công và Linh giác công.

Nếu yêu thích dòng phim võ thuật, hẳn bạn đã từng chứng màn biểu diễn Túy quyền của các bộ phim điện ảnh Hồng Kông, với những chiêu thức được thi triển một cách biến ảo, sau khi đã say mèm.

Nhưng ở ngoài đời, những tuyệt kỹ Túy quyền của lão võ sư Quang Ốc còn “dị” hơn thế.

Bởi theo nhận xét của nhiều cao nhân làng võ, bài Túy quyền của Chưởng môn Bình Định Gia không giống với bất kỳ bài Túy quyền từng biết nào, kể cả trên phim ảnh.

Cố võ sư Trần Hưng Quang cùng các đệ tử.
Cố võ sư Trần Hưng Quang cùng các đệ tử.

Cái hay và “độc” trong bài Túy quyền này không cần phải “say” cũng có thể thi triển được, nghĩa là tất cả điệu bộ cơ thể phải tỉnh - nhưng như say, trông hở mà kín.

Thậm chí khi thi triển bài Tuý quyền này, lão võ sư còn phát ra những âm thanh đặc trưng của người say rượu như ợ, nấc, thậm chí là tiếng… nôn mửa. Nhưng quan trọng, tất cả lại đều phải ở trong trạng thái tỉnh.

Lão võ sư Quang Ốc cũng từng nhận định rằng, bài Túy quyền này với những người đã có võ thuật cơ bản thì không khó để nắm bắt nhưng lại cực khó để thành một cao thủ. Bởi Túy quyền của môn phái Bình Định Gia bởi không chỉ khó luyện mà còn là duyên từng người.

Chính lão võ sư Quang Ốc cũng từng khẳng định để sáng tạo ra tuyệt kỹ này, ông phải đúc kết cả đời lăn lộn, nghiền ngẫm võ thuật.

Ngoài “đặc sản” Túy quyền, võ sư Trần Hưng Quang rất tinh thông Thiết đầu công của Thiếu Lâm Tự.

Chuyện kể rằng có một lần, võ sư Trần Hưng Quang ra ga Hà Nội để trở về Bình Định, tới nơi tàu đã lăn bánh. Hai tay cắp hai con nhỏ, vai đeo túi, ông đuổi theo đoàn tàu thì thấy cửa đóng im ỉm.

Trong lúc cấp bách, võ sư đành dùng Thiết đầu công húc bung cửa sắt toa tàu rồi vọt lẹ lên.

Cố Chưởng môn Bình Định Gia còn có một tuyệt kỹ cũng thuộc loại “dị” nữa, đó chính là Linh giác công – một bí kíp gia truyền tưởng chừng không quá khó nhưng lại rất mạo hiểm và cần rất nhiều thời gian mới có thể luyện thành thục.

Khi thực hiện bài biểu diễn Linh giác công, bất kể một vật gì từ quả cam, táo hay chuối… trên đầu người biểu diễn.

Võ sư bịt kín mắt cầm cây kiếm sắc lẹm chém tới bằng giác quan và khả năng phán đoán siêu việt: nhát chém dứt khoát và uy lực chỉ làm bay lìa quả cam, chuối chứ không hề đụng tới một sợi tóc!

Tuy nhiên, chính võ sư Trần Hưng Quang có lần từng khẳng định con trai ông - võ sư Trần Hưng Hiệp (đã qua đời vì tai nạn giao thông) mới chính là “thiên hạ đệ nhất” của tuyệt kỹ này.

Về sau, nhận thấy bí kíp này quá nguy hiểm, rất dễ gây ra rủi ro cho người tập nên gia đình võ sư Trần Hưng Quang đã không truyền thụ ra ngoài.

Từ “thần đồng” võ học đến biểu tượng bất khả chiến bại

Trần Hưng Quang quê gốc ở Bình Định. Từ khi mới lên 10, võ sư Quang đã được cha mình truyền thụ võ nghệ, kể từ đó ông được một số người ví như “thần đồng” võ thuật.

Đến năm 13 tuổi, với tư chất lanh lẹ, tinh túy của phái võ gia truyền đã được ông cơ bản lĩnh hội.

Tuy không muốn để lộ khả năng võ thuật của mình nhưng tiếng tăm về cậu bé “thần đồng” này cứ ngày một vang xa.

Tiếng lành ấy kinh động đến cả quan phủ. Bởi thế, rất nhiều lần họ triệu tập ông đến chỉ với mục đích được thực mục sở thị ông thi triển quyền cước.

Năm 14 tuổi, sau khi hết bí kíp để truyền cho ông, cha ông bắt đầu tìm thầy để mở rộng khả năng cho con trai.

Gần chục năm ròng, hễ thầy nào có tiếng ở Bình Định là cha ông đều dắt ông tới tầm sư học đạo. Cứ một vài năm, thậm chí vài tháng ông lại lên đường đi tìm thầy mới.

Lão võ sư tập luyện cùng thiết mộc nhân.
Lão võ sư tập luyện cùng thiết mộc nhân.

Tương truyền ngày ấy, thầy Hà Trọng Sơn ở Phước Sơn (Tuy Phước) có môn song kiếm thuộc loại tuyệt kỹ, mỗi khi đường kiếm vung lên thì chẳng khác nào “phượng múa rồng bay”.

Đặc điểm của tuyệt kỹ này là cương nhu phối triển, mềm mại nhưng sự lợi hại thì kinh hồn bạt vía. Độc chiêu ấy, dù đệ tử rất đông, nhưng không ai lĩnh hội vẹn toàn.

Cho tới một ngày Trần Hưng Quang đến và bái người thầy này là sư phụ. Thật ngạc nhiên khi chỉ sau ít bữa, ông đã tinh thông bí kíp này.

Thậm chí người đệ tử thi triển tuyệt kỹ còn đẹp mắt và uyển chuyển hơn cả so với sư phụ.

Tuy tạng người nhỏ bé, nhưng võ sư Quang vẫn mải mê đi đánh võ đài, và lần thượng đài nào ông cũng thắng.

Có những trận đấu giữa ông và nhiều võ sĩ nổi tiếng tại đây. Không chỉ giỏi về quyền cước, võ sư Quang còn nổi tiếng với những cú đánh bằng cùi chỏ và đầu.

Những cú đánh bằng cùi chỏ và đầu của ông đều nhanh và mạnh, từng được ví như như “nồi đồng cối đá” nên rất ít đối thủ nào chịu hết hiệp thứ hai.

Làng võ thuật còn nhắc nhiều đến một trong những trận đấu thư hùng nổi danh nhất của võ sĩ Trần Hưng Quang và một đối thủ danh khác là Đào Duy Hạ tại mảnh đất Quy Nhơn.

Trận đấu được giao kèo đánh 3 hiệp, mỗi hiệp là 1 phút rưỡi. Trong 3 hiệp ấy, ai rớt đài trước thì là người thua cuộc.

Trong sự cổ vũ của hàng trăm người, hai đại võ sư thi nhau tung quyền cước nhanh tới mức không phân biệt nổi đâu là võ sư Quang, đâu là võ sư Hạ.

Đây là lần duy nhất ông gặp được đối thủ xứng tầm và trận đấu kết thúc bất phân thắng bại. Về sau, dư âm của nó sau này còn được truyền tụng mãi.

Phát dương Bình Định Gia – môn võ trứ danh đất Việt

Theo gia phả của gia đình võ sư Trần Hưng Quang, cách đây trên 200 năm, cụ Trần Đại Chí là người Trung Quốc, được gia đình gửi vào chùa Thiếu Lâm học võ từ nhỏ.

Hơn chục năm trời theo thầy miệt mài với thập bát ban thành thạo, cụ Chí trở thành một võ tướng.

Nhưng do thời cuộc nên cụ Chí đã đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam, đến mảnh đất Bình Định.

Tại đây, cụ Chí đã kết bạn với võ tướng Võ Văn Dũng, một trong những tướng tài, cực kỳ tinh thông thập bát ban võ nghệ của vua Quang Trung.

Từ lúc đó hai người đã trao đổi cho nhau tất cả những bí kíp võ công mà cả đời tầm sư học được.

Qua cụ Dũng, cụ Chí đã lĩnh hội được toàn bộ võ công chân truyền của Bình Định, đồng thời, nhờ cụ Chí mà cụ Dũng đã thông tuệ võ học Trung Hoa.

Sau khi cụ Võ Văn Dũng qua đời, cụ Trần Đại Chí đã nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa của hai nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, sáng lập môn phái Bình Định Gia.

Phái này theo nguyên tắc kết hợp giữa cương, nhu, trường, đoản, hư, thực… rất mạnh về tính chất chiến đấu, không nặng về biểu diễn khoa trương.


Chân dung cố võ sư Trần Hưng Quang

Chân dung cố võ sư Trần Hưng Quang

Nhưng Bình Định Gia chỉ thực sự lớn mạnh ở Việt Nam và đặc biệt được các cao thủ đất Bắc biết đến khi võ sư cao cấp Trần Hưng Quang nhận chức Chưởng môn đời thứ 5.

Võ sư Trần Hưng Quang có duyên với Hà Nội khi ông mang môn võ gia truyền của mình biểu diễn trong một Liên hoan võ thuật tại Hà Nội vào đầu những năm 80.

Lúc ấy, ông Hoàng Vĩnh Giang, đang là Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội - người cũng say đắm với võ thuật, từng học Vịnh Xuân và dạy võ ở Nga, đã mê mẩn với những bài quyền của võ sư và đề nghị ông ra Hà Nội truyền bá môn phái.

Năm 1982, được sự đồng ý của các trưởng lão trong gia tộc, võ sư Trần Hưng Quang đã bắt đầu truyền thụ võ công cho các đệ tử bên ngoài.

Chỉ trong khoảng thời gian 5 năm, dưới sự chỉ đạo của võ sư trưởng môn Trần Hưng Quang, con trai ông là cố võ sư Trần Hưng Hiệp đã phát triển môn phái Bình Định Gia phát triển hầu hết các tỉnh phía Bắc.

Đến năm 1995, số lượng môn sinh của môn phái đã lên tới hàng vạn người. Ngoài sự lớn mạnh về số lượng, Bình Định Gia còn là tượng đài bất khả chiến bại, từng đào tạo ra rất nhiều tên tuổi trong làng võ thuật Việt Nam.

Bảng thành tích với 27/28 lần vô địch toàn các kỳ Đại hội võ thuật cổ truyền khu vực phía Bắc cũng phần nào chứng minh sức mạnh của Bình Định Gia.

Võ sư Trần Hưng Quang qua đời vào mùa hè năm 2014, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông có không ít uẩn khúc và để lại niềm đau sâu sắc cho các học trò.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại