Tam Sư đang đứng trước một vấn đề nhức nhối rất nhiều năm qua. Và chỉ đến khi gặp bước đường cùng, nước Anh mới tìm cách bới móc lại. Trên Daily Mail, cây bút Martin Samuel phân tích khá sâu sắc về thực trạng tuyển quốc gia nơi các trụ cột dần già nua và từ bỏ trách nhiệm. Trong khi đó, lớp kế cận lại không đủ khả năng tiếp bước. Điều này khiến HLV Roy Hodgson thiếu nhân sự trầm trọng hoặc nếu có tuyển được người thì cũng không thực sự chất lượng.
HLV Roy Hodgson triệu tập hậu vệ vô danh Steven Caulker lên tuyển khi Ferdinand từ chối nhiệm vụ quốc gia
Trước thực trạng nói trên, có người đã nói Tam Sư đang trong thời kỳ quá độ, thay máu và sẽ sớm trở lại mạnh mẽ. Nhưng chính sự quá độ ấy của tuyển Anh đã là sai lầm. “Thay máu” chỉ là quá trình có thể thực hiện ở cấp CLB khi đội bóng ra sân thi đấu mỗi tuần. Trong khi đó ở cấp quốc tế, các cầu thủ thi đấu rất ít trong một năm và không có nhiều điều kiện để thử nghiệm đội hình. Những giải đấu lớn như Euro, World Cup cũng phải tới 4 năm mới có một lần. Và khi thử nghiệm hỏng ở một giải đấu lớn sẽ cần rất nhiều thời gian sửa chữa lỗi lầm.
Đó là còn không kể lớp cầu thủ vừa thử nghiệm sẽ già nua khi chưa kịp có cơ hội thứ 2. Tam Sư đích thực đang rơi vào tình trạng này. Hiện ở tuyển Anh, Danny Welbeck (22 tuổi) và Jack Wilshere (21 tuổi) có thể coi là những ngôi sao trẻ sáng giá. Wayne Rooney là trụ cột (27 tuổi) còn Glen Johnson cũng không thể thay thế (28 tuổi). Nhưng nếu dàn cầu thủ nói trên cùng Tam Sư thất bại ở VCK World Cup 2014 (trong trường hợp được tham dự), họ sẽ phải chờ tới kỳ WC 2018 ở Nga. Khi ấy, Welbeck đã 27 tuổi, Wilshere là 26 tuổi còn Glen Johnson cùng Rooney đã già, một thế hệ sẽ lại chấm dứt chóng vánh…
Nhìn sang tấm gương đội tuyển Đức mới thấy rõ những sai lầm của Tam Sư. Tại VCK Euro 2012, Đức có tới 9 cầu thủ dưới 23 tuổi được triệu tập lên đội hình chính thức. Ở 2 VCK WC 2006 và 2010, Đức đều lọt vào tới bán kết với những đội hình được đánh giá là trẻ nhất trong 76 năm qua. Nhờ việc thường xuyên bố trí các cầu thủ trẻ ra sân bên cạnh các lão tướng ở tuyển quốc gia, Đức duy trì rất tốt sức mạnh tổng thế với sức trẻ của đội bóng. Đây chính là cách phát triển mang tính hình mẫu đang được nhiều quốc gia học tập. Và có lẽ xứ Sương Mù cũng lên nhìn sang đối thủ để tìm con đường đi khác cho mình.
Đức kết hợp sức trẻ và các lão tướng rất tốt
Tất nhiên những sự thay đổi ở Tam Sư khó lòng diễn ra một sớm một chiều. Tại đảo quốc Anh, sự phù phiếm đã ăn khá sâu vào gốc rễ FA. LĐBĐ xứ Sương Mù vẫn thường chú ý tới việc gọi lên tuyển các ngôi sao tên tuổi hơn là trao cơ hội cho lớp trẻ. Và nếu có cho những cầu thủ trẻ lên thi đấu quốc tế thì chỉ sau 1, 2 trận không thực sự nổi bật sẽ lại bị thay thế bởi các lão tướng. Với cách làm việc phiến diện và thiếu dũng cảm đó, FA đã khiến đội tuyển quốc gia xứ Sương Mù không thể có sự đột phá về đội hình cũng như cách thức thi đấu.
Ngay cả trong phương pháp huấn luyện trẻ, xứ Sương Mù cũng đang gặp rất nhiều vấn đề. Trong một điều tra mới đây, người ta phát hiện rất nhiều cầu thủ bóng đá trẻ ở Anh cảm thấy chán nản và kiệt quệ với những giáo án tập luyện. Kết quả là hoặc tài năng của những cầu thủ này phát triển kém hoặc từ bỏ hẳn sự nghiệp bóng đá…
Man City chi 100 triệu bảng đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển cầu thủ trẻ
Trước thực trạng nước nhà, đáng may mắn cho Tam Sư là Man City đang cắp sách học theo Barcelona. Khả năng đào tạo trẻ của Gã khổng lồ xứ Catalan đang được khen ngợi giỏi nhất thế giới với đỉnh cao là hồi cuối tháng Mười năm ngoái, Barca đã thi đấu với đội hình gồm 10 cầu thủ “cây nhà lá vườn” trên sân. Hiện dự án của The Citizens đang trong những bước đầu phát triển và chưa biết sẽ đạt được thành tựu tới đâu. Nhưng giống như Man City, nước Anh nên sớm cắp sách đi học hỏi các nước giáng giềng về công tác đào tạo trẻ. Nếu không, Tam Sư sẽ chỉ “vô đối” về khoản đánh bóng tên tuổi các siêu sao già nua trong đội hình rồi sau đó lại thua liểng xiểng đầy xấu hổ như hồi WC 2010…