Gã cửu vạn lang bạt
Lưu Nhất Long (Yilong) sinh ra tại vùng đất Đức Châu – Sơn Đông. Mặc dù được sống trong gia đình có cha và chị gái rất yêu thích võ nghệ nhưng Yilong lại được cha mẹ khuyên nên theo nghề làm công nhân hoặc thợ cơ khí.
Thuở Yilong còn là một cậu bé loắt choắt, vốn mê võ nên cha của anh đã hứa hẹn theo kiểu đùa vui với cậu con trai rằng sau này sẽ cho cậu lên một ngọn núi nào đó để học võ.
Kể từ đó, trong đầu Yilong luôn mường tượng ra viễn cảnh được lên núi luyện công y như những câu chuyện kiếm hiệp.
Trong gia đình, chị gái của Yilong cũng được tập môn Judo và được lọt vào đội tuyển của địa phương. Thi thoảng cao hứng, chị gái lại dạy cho cậu em vài chiêu “lặt vặt” để có thể phòng thân.
Phải đến năm 14 tuổi, Yilong mới được học võ theo kiểu “có một chút bài bản”. Hồi đó sau khi có được giấy giới thiệu của một số người thầy, Yilong đã đến Hà Bắc và một số nơi khác học võ.
Suốt một thời gian sau đó, Yilong từ giã gia đình để lang bạt khắp nơi, từ Giang Tô, Thượng Hải, Hàng Châu, Ôn Châu, Quảng Châu, Hồ Nam, Đường Sơn, Bắc Kinh, Hà Nam, Sơn Đông.. để tầm sư học đạo.
Trong đó, quãng thời gian tập Vịnh Xuân ở Quảng Đông diễn ra được lâu nhất. Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian rất khó khăn với Yilong bởi anh không có tiền để theo học võ.
Có những lúc bụng thì đói mà trong túi chẳng có một xu, Yilong nghĩ phải kiếm tiền trước đã rồi mới tính đến chuyện võ vẽ. Anh xin làm bồi bàn ở một quán café, buổi tối anh xin ngủ lại tại quán để có thể giảm thiểu tối đa chi phí.
Nhưng quãng thời gian vất vả nhất của gã thanh niên lại là thời điểm anh phụ trách công việc của một “cửu vạn”. Hàng ngày, anh được giao phụ trách vận chuyển gạch, công việc rất nặng nhọc nhưng lương thì bèo bọt.
Yilong từng tâm sự “đó là quãng thời gian cay đắng nhất”. Có những lúc bê vác, vận chuyển gạch mệt mỏi rã rời, khiến anh bị chóng mặt, hoa mắt suốt mấy ngày liền.
Ấy vậy mà chàng thanh niên vẫn cứ làm việc một cách hùng hục, không chỉ để kiếm tiền sinh nhai mà còn để… rèn luyện sức khỏe.
Thậm chí có rất nhiều buổi trưa anh sẵn sàng xách hàng chục hộp cơm từ tầng 1 lên tầng 25 trong một tòa nhà cao tầng thay vì đi thang máy chỉ nhằm mục đích để… tập thể dục.
Sự khó hiểu trong phong cách và sự nghiệp của Yilong
Trong nghiệp võ của Yilong, có một điều rất khó hiểu đó là mặc dù được cho là có tập võ Thiếu Lâm tuy nhiên không ai biết anh bắt đầu tập môn này từ bao giờ và anh là đệ tử của ai.
Tham khảo từ tư liệu của wikipedia cùng nhiều bài báo của Trung Quốc đều không có thông tin về việc Yilong bắt đầu đến với Thiếu Lâm từ khi nào.
Hầu hết các tài liệu chỉ mô tả một cách “chung chung’ rằng Yilong từng học Thiếu Lâm, Thái cực quyền, Vịnh Xuân, đấm bốc, đấu vật và cả quyền Anh, Muay Thái, Jiu Jitsu,..
Thậm chí, ngay chính bản thân Yilong cũng chưa từng tiết lộ anh đến với Thiếu Lâm ra sao và từ khi nào.
Chỉ biết rằng sau khi đã trở thành một võ sĩ nổi tiếng vượt ngoài lãnh thổ Trung Hoa, anh vẫn tự nhận mình là một cao tăng Thiếu Lâm và từng gắn bó tại đây trong quãng 2 đến 3 năm.
Thực tế, nếu theo dõi nhiều trận đấu của Yilong cũng có thể thấy phong cách chiến đấu của anh là sự pha tạp, không dễ để nhận ra một môn võ chủ đạo.
Trong đó ngoại trừ khả năng chịu đòn vùng mặt hơn hẳn người thường (có thể bắt nguồn từ cách tập luyện của Thiếu Lâm) thì phong cách của Yilong khá giống với môn võ tổng hợp.
Ở đất nước Trung Hoa, những trận đấu của Yilong thu hút rất lớn sự quan tâm của người hâm mộ, đặc biệt là sau mỗi trận đấu của anh với một đối thủ ngoại quốc.
Từ các võ sĩ lừng danh của Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ukraine đều thất bại trước những cú đấm của Yilong, nhưng cứ gặp người Mỹ, anh lập tức “sấp mặt”. Chính vì thế, một số người đã gọi đó là “đám mây bí ẩn” bao quanh sự nghiệp của Yilong.
Sau khi 2 lần thất bại trước Adrian Grote – một người được giới thiệu là sĩ quan của quân đội Mỹ, người ta đã thi nhau mổ xẻ lý do vì sao mà Yilong có thể bị đánh sấp mặt một cách khó hiểu đến như vậy.
Trong đó có rất nhiều luồng dư luận trái chiều. Luồng thứ nhất giải thích đơn giản rằng trình độ của 2 võ sĩ là quá chênh lệch, Yilong quá yếu so với Adrian Grote nên thất bại là đương nhiên.
Tuy nhiên giải thích này có vẻ không hợp lý cho lắm bởi đẳng cấp của Yilong là điều đã được minh chứng sau nhiều trận thắng trước các đối thủ rất mạnh.
Luồng ý kiến thứ 2 đã giải thích rằng, rất có thể võ sĩ người Mỹ đã sử dụng một tiểu xảo hay một thủ thuật bí mật nào đó. Tuy nhiên tiểu xảo này cụ thể là gì thì chẳng một ai có thể giải thích nổi.
Luồng ý kiến thứ 3 lại cho rằng, kết quả các cuộc tỉ thí giữa Yilong với Adrian Grote thực chất là sản phẩm của một cuộc dàn xếp của giới cá độ, và “cao tăng Thiếu Lâm” đã chủ động thua theo một kịch bản được dựng trước.
Cho đến nay, tất cả những luồng ý kiến vẫn chỉ là sự suy đoán. Bản thân Yilong cũng “mất hút”, không một lời giải thích với dư luận. Cũng chính vì thế, sự nghiệp đằng sau vẻ hào nhoáng của “Đệ nhất Thiếu Lâm” vẫn là cả một bức màn nhung đầy bí ẩn.
Trước các đối thủ ở rất nhiều môn phái khác nhau từ Taekwondo, Muay Thái, Boxing, Yilong từng giành thành tích rất ấn tượng (thắng 30, thua 6).
Sau khi nghiên cứu lối đánh của Yi Long, trang web kungfumagazine.com đã gọi anh là “con rồng với chiếc áo giáp sắt”.
Xem tình huống Yilong bị đánh knock-out:
Yilong