Bài học về sự độc quyền

Đức Phan |

(Soha.vn) - Cuối cùng thì LĐBĐ VN (VFF) và BQL SVĐ QG Mỹ Đình đã tìm được tiếng nói chung về hợp đồng tổ chức trận đấu giữa ĐT các ngôi sao Việt Nam và Arsenal. Tuy nhiên, đằng sau vụ việc tiêu tốn rất nhiều giấy mực của báo giới này vẫn còn rất nhiều điều đáng ngẫm…

Sau khi ra sức nói xấu lẫn nhau, vạch áo cho người xem lưng (thậm chí khiến cả truyền thông quốc tế phải đưa tin), VFF và BQL SVĐ QG Mỹ Đình cũng đã đạt được thỏa thuận nhờ có sự đứng ra dàn xếp của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Dẫu vậy, có thể nói, ngay cả lúc này (khi bản hợp đồng đã được kí kết) thì 2 bên vẫn đang bằng mặt mà không bằng lòng. Bằng chứng là bản hợp đồng đã không được Lãnh đạo 2 bên gặp mặt kí trực tiếp mà do nhân viên chuyển gián tiếp.

Trở lại với vụ việc, công bằng mà nói thì vụ lùm xùm này “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Cả 2 bên đều đặt quyền lợi về mặt kinh tế của mình lên hàng đầu. Điều này về lý thì không sai, vì chúng ta đang ở trong thời kì kinh tế thị trường, song rõ ràng vì cò cưa vài trăm triệu đồng mà khiến cả các hãng thông tấn hàng đầu thế giới phải để ý thì hoàn toàn không đáng. Nó ít nhiều cũng làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam.

	Vụ sân Mỹ Đình sẽ là bài học đắt giá cho VFF

Vụ sân Mỹ Đình sẽ là bài học đắt giá cho VFF

Ở đây, ban đầu VFF đã lấy lợi thế của mình (là SVĐ QG Mỹ Đình) buộc phải tổ chức các trận đấu chính thức của ĐT Việt Nam (VFF gọi đây là nhiệm vụ chính trị) rồi vin vào đó mà trả cho đối tác 1 cái giá tương đối bèo bọt. Tất nhiên, con giun xéo mãi phải quằn. BQL SVĐ QG Mỹ Đình đã nhân cơ hội trận đấu với Arsenal: vốn được dư luận quan tâm lại không phải là một trận đấu chính thức, cũng chẳng phải là ĐTQG để làm tới. Kết quả là VFF đã phải xuống nước khá nhiều, chấp nhận nhiều ưu sách của BQL SVĐ QG Mỹ Đình (bên cạnh tiền hợp đồng) như chia sẻ phòng doanh nhân, vé mời, vé cung ứng nội bộ hay trở thành đại lý bán vé….

Hẳn vào lúc này Lãnh đạo VFF mới thấm thía cái giá rất chát của sự độc quyền. Thực tế, ngoài SVĐ QG Mỹ Đình, VFF không có sự lựa chọn nào khác. Bởi ở VN chẳng còn sân đấu nào có đủ tiêu chuẩn chất lượng và quan trọng hơn nữa là sức chứa 4 vạn khán giả để LĐBĐ Việt Nam cùng các nhà tài trợ chính có thể thu hồi số vốn đã bỏ ra tổ chức trận đấu. Vì vậy, VFF buộc phải cắn răng, bấm bụng đáp ứng những yêu cầu từ phía BQL SVĐ QG Mỹ Đình nếu không muốn cú áp phe lịch sử với Arsenal (một động thái để ghi điểm trước thềm đại hội nhiệm kì mới) bị đổ bể một cách bẽ bàng.

Chẳng hiểu ở trong tình cảnh bị chèn ép vì độc quyền như vậy, Liên đoàn liệu ngẫm lại bản hợp đồng vô cùng dài hạn với AVG. Nếu như nó không bị vô hiệu, rồi một lúc nào đó AVG dùng sự độc quyền đó để ép người hâm mộ thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn nó sẽ không đơn giản như thương vụ thuê sân Mỹ Đình. Vì vậy, xét cho cùng cú tai nạn mang tên Mỹ Đình này cũng là một bài học quý báu cho chính VFF trong những quyết sách của tổ chức này trong tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại