3 điểm/trận thắng: “Phát minh” tồi tệ bậc nhất!?

Chúng ta đã quá quen thuộc với việc một đội bóng nhận được 3 điểm cho một trận thắng, như thể nó là một luật lệ mặc nhiên trong bóng đá.

Nhưng thực ra quy định ấy chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, và – từ nhiều góc độ - thì đó là một “phát minh” vô cùng tai hại.

Phần thưởng đáng giá?

Alan Durban không phải là cái tên đáng chú ý trong làng HLV. Đội Stoke City mà ông dẫn dắt trong những năm 80 của thế kỷ trước thì lại càng chẳng có gì thú vị. Nhưng chỉ một câu nói của Durban cũng đã đủ để người ta nhớ mãi và lưu danh ông như là một trong những người đã góp phần làm nảy sinh cuộc cách mạng về điểm số trong bóng đá.

Tháng 10/1980, khi bị báo giới chỉ trích thậm tệ vì chiến thuật phòng ngự tiêu cực trong trận hòa 0-0 với Arsenal, chiến lược gia người xứ Wales đã phản ứng: “nếu các anh thích những gì hấp dẫn, về nhà mà xem bọn hề ấy”. Phát ngôn của Durban đã đại diện cho tư tưởng của phần đông, nếu không muốn nói là toàn bộ, các HLV ở thời điểm đó: kết quả là tất cả và để đạt được nó thì mọi cái giá đều là xứng đáng, bao gồm cả việc chơi bóng một cách tiêu cực nhất có thể và chỉ nhăm nhe phá hỏng trận đấu.

 

Lối chơi buồn tẻ của các CLB, cuộc khủng hoảng kinh tế Anh, sự gia tăng giá vé vào cửa và sự phổ cập của truyền hình đã khiến tổng số khán giả đến sân sụt giảm nghiêm trọng trong thập niên 1980, chỉ còn bằng xấp xỉ 50% so với mức cao kỷ lục ở những năm 1950. Bóng đá Anh trong giai đoạn đó đã rơi vào tình cảnh tương đối nguy hiểm và Jimmy Hill – cựu Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA) nghĩ ra một giải pháp nhằm thu hút thêm CĐV.

Với cảm hứng từ Durban, Hill đề xuất thay đổi luật lệ theo hướng nâng cao phần thưởng cho các CLB chịu chơi tấn công, cụ thể là tặng cho đội chiến thắng 3 điểm thay vì 2 điểm như trước. Năm 1981, chỉ chưa đầy một năm sau phát biểu của Durban, Hill đã thuyết phục được FA đồng ý áp dụng luật 3 điểm/trận thắng. Đến năm 1994, FIFA cũng quyết định học theo người Anh vì lo ngại rằng NHM bóng đá Mỹ - một thị trường còn rất nhiều tiềm năng khai phá - sẽ cảm thấy nhàm chán trước cảnh các đội bóng cố gắng chơi an toàn và tìm kiếm những trận hòa.

Năm 1995, hầu hết các giải VĐQG lớn đã chuyển sang cách tính 3 điểm cho mỗi trận thắng. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng tuyên bố rằng “đó là quyết định quan trọng nhất từng được đưa ra trong lịch sử trò chơi, và nó tưởng thưởng cho những đội bóng theo đuổi lối chơi cống hiến”. Nghe có vẻ hợp lý bởi 3 điểm thì hiển nhiên là giá trị hơn 2 điểm và các CLB sẽ tích cực tràn lên tấn công, nhưng liệu sự thực có phải như vậy?

Thành công mà không thành công

Nếu chỉ căn cứ theo tiêu chí kích thích các CLB xông lên giành chiến thắng và giảm bớt số trận hòa thì đúng là luật 3 điểm đã thành công. Trong 5 mùa giải hạng Nhất Anh (lúc đó còn mang tên First Division) gần nhất trước lúc luật 3 điểm được áp dụng, đã có trung bình 133 trận hòa mỗi mùa, cao hơn khá nhiều so với con số 113,4 trận/mùa ở 5 mùa sau đó. Số liệu từ các giải VĐQG Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho ra kết quả tương tự, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Các con số khô khan không thể phản ánh được đầy đủ diễn biến trận đấu, và số trận hòa ít hơn không có nghĩa là các cuộc tranh tài diễn ra hấp dẫn hơn.

 

Trên thực tế, luật 3 điểm hóa ra lại có tác động tiêu cực đến chất lượng của các trận đấu. Trước đây, khi một chiến thắng có giá trị là 2 điểm thì để tuột mất lợi thế dẫn trước cũng chỉ tương đương với việc đánh rơi 1 điểm (từ được 2 thành được 1) mà thôi, nhưng bây giờ thì đánh mất ưu thế dẫn bàn cũng có nghĩa là đánh mất 2 điểm (từ được 3 thành được 1).

Rõ ràng là các CLB có nhiều thứ để mất hơn, và hệ quả là họ chuyển sang chơi bóng thận trọng hơn, hoặc nói thẳng ra là thực dụng và xấu xí hơn, một khi đã vươn lên dẫn trước. Đội nào có khả năng cầm bóng tốt (Man City hoặc Arsenal chẳng hạn) sẽ chuyền bóng vòng quanh nhằm làm giảm nhịp độ trận đấu, tạo cơ hội cho chính mình nghỉ ngơi và không cho đối thủ cơ hội phản đòn.

Đội nào không thể giữ được bóng lâu thì sẽ lùi về phòng ngự chặt và đương nhiên là không ngại phá nát trận đấu bằng mọi giá. Với sự tồn tại của luật 3 điểm thì, về lý thuyết, một trận đấu sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều sau khi đã có tỷ số (so với trường hợp tính 2 điểm cho mỗi trận thắng), và rất tiếc là lý thuyết đó lại…đúng.

Tất cả vì 3 điểm

Trong cuốn sách “The Numbers Game: Why Everything You Know About Soccer Is Wrong”, hai chuyên gia thống kê Chris Anderson (ĐH Cornell, Mỹ) và David Sally (ĐH Dartmouth, Mỹ) đã khẳng định rằng luật 3 điểm mang lại lợi ích cho bóng đá thực dụng chứ không phải bóng đá tấn công.

Họ có lý, bởi trong một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Kinh tế thể thao (Journal of Sports Economics) số tháng 6/2009 thì các tác giả Alexander Dilger và Hannah Geyer (cùng ở ĐH Munster, Đức) đã chứng minh được rằng các đội bóng ở Anh, Đức và TBN có xu hướng phạm nhiều lỗi và nhận nhiều thẻ phạt hơn mỗi khi họ kiếm được bàn dẫn trước.

 

Nguyên lý ở đây là cực kỳ đơn giản: khi bạn đã dẫn 1-0 chẳng hạn, giá trị của 1 bàn thắng là nhỏ hơn rất nhiều so với 1 bàn thua. Nếu ghi thêm một bàn thì bạn chỉ thắng đậm hơn và thuyết phục hơn thôi (nhưng về điểm số thu hoạch là không có gì khác biệt), còn nếu không may để thủng lưới một bàn thì chiến thắng sẽ tạm thời vuột khỏi tầm tay bạn và mọi thứ sẽ quay lại vạch xuất phát.

Nếu chừng ấy dẫn chứng vẫn là chưa đủ thì đã có công trình của hai nhà kinh tế học Luis Garicano và Ignacio Palacios – Huerta (ĐH Chicago, Mỹ). Họ đã so sánh dữ liệu ở giải VĐQG TBN trong hai giai đoạn, đầu tiên là 1991-1995 và sau đó là 1995-1999, tức trước và sau khi luật 3 điểm có hiệu lực.

Sau khi loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên như mức độ nghiêm khắc của trọng tài, chấn thương… thì Garicano và Palacios – Huerta kết luận rằng luật 3 điểm đã tỏ ra không hiệu quả, ít nhất là trong môi trường La Liga. Cụ thể, khi luật 3 điểm được áp dụng thì số lượng cầu thủ phòng ngự được các đội bóng tung vào sân sau khi có bàn dẫn trước đã tăng tới 28% so với thời của luật 2 điểm.

Ngoài ra, số pha phạm lỗi và thẻ vàng cũng tăng thêm 10% (bởi các đội dẫn trước cố gắng hơn trong việc bảo toàn tỉ số). Tệ hại nhất, hai ông này đã chứng minh rằng luật 3 điểm thực ra có ảnh hưởng xấu đến số khán giả tới sân.

Luật 3 điểm thực ra không có quá nhiều tác động hữu hình tới bóng đá. Tại VCK World Cup 1994, khi luật 3 điểm lần đầu được sử dụng, đã có trung bình 2.71 bàn thắng được ghi trong mỗi trận so với con số 2.31 bàn của Italia 90 và 2.54 bàn của Mexico 86.

Tuy nhiên sự tăng trưởng đó không hẳn là do sự ra đời của luật 3 điểm, mà còn nhờ tác động từ luật cấm thủ môn bắt bóng sau các pha chuyền về (giúp các trận đấu đỡ bị bẻ vụn) và luật phạt thẻ đỏ với các pha xoạc bóng từ phía sau (giúp các cầu thủ tấn công chơi bóng thoải mái hơn).

Tương tự, nếu chỉ tính 2 điểm/trận thắng trong tất cả các mùa giải từ năm 1981(khi bắt đầu áp dụng luật 3 điểm) tới nay thì danh sách các CLB VĐ Premier League cũng hầu như không đổi, với ngoại lệ duy nhất là việc M.U chứ không phải Blackburn sẽ đăng quang ở mùa 1994/95. Xem ra những lợi ích mà luật 3 điểm mang lại chưa chắc, nếu không muốn nói là rất khó, bù đắp được cho các tác hại của nó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại