Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã dẫn đến những thay đổi lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho các quốc gia thành viên ASEAN.
Để có thể nổi lên là một thị trường phát triển cũng như là cơ sở sản xuất linh hoạt, ASEAN phải có được vị trí vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng châu Á.
Đồng thời, ASEAN cũng cần phải tự khẳng định là khu vực sản xuất của châu Á, mở cửa với toàn bộ các nước trên thế giới. Đây được coi là vai trò chủ chốt đối với ASEAN, ngay cả trước khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung xuất hiện.
Sự bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế đã đẩy nhanh tính cần thiết về một nền tảng khu vực hoàn chỉnh, qua đó tạo điều kiện cho ASEAN nắm bắt thời cơ trong chuyển đổi kinh tế toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu cũng như tăng nguy cơ chia rẽ giữa các quốc gia. Covid-19 là minh chứng cho thấy cơ sở hạ tầng logistics thương mại và việc đi lại trên thế giới có thể dễ dàng bị đứt gãy bởi việc chính phủ các nước nhanh chóng đóng cửa biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Mở cửa biên giới là yếu tố cần thiết và quan trọng trong công cuộc toàn cầu hoá. Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các quốc gia phải đặt người dân của mình lên hàng đầu, ưu tiên việc sản xuất và phân phối các sản phẩm y tế thiết yếu trong nước.
Điều không may đó là tính cấp thiết của dịch bệnh đã tạo ra những thói quen có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do vậy, các chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực hiện nay rất có thể trở nên ngắn hơn, dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống thương mại và việc di dời các cơ sở sản xuất về nước.
Cho dù đại dịch Covid-19 sẽ qua đi, nhưng những hậu quả kinh tế của nó sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ phản ánh những thay đổi sâu sắc về cơ cấu trong quan hệ chính trị và chiến lược giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh này, ASEAN sẽ nhận được một số lợi thế nhất định. 10 quốc gia thành viên ASEAN đều không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh đều hiểu và điều chỉnh các chính sách phù hợp đối với khu vực Đông Nam Á.
Sự tự do chiến lược này đem lại cho ASEAN khả năng điều động kinh tế giữa hai cường quốc trên thế giới. Mối đe doạ về sự tách rời hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể cắt đứt được tính tập thể của ASEAN.
Khu vực Đông Nam Á có thể tiến lên trên cơ sở này, nhưng chỉ khi ASEAN tiếp tục mở rộng và tăng tốc độ hội nhập khu vực. Đại dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực cho các quốc gia thành viên ASEAN về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, khi có thể vượt ra khỏi giai đoạn tồi tệ này, các nước ASEAN sẽ cần phải xem xét kĩ lưỡng cách thức xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững hơn trong nội khối, đẩy nhanh khả năng tiếp cận với các khu vực khác trên thế giới. Chủ nghĩa khu vực mở là nền tảng của trật tự đa phương.