Thế lực hậu trường Venezuela

Alexander Busch, cây bút chuyên về Mỹ Latin của đài Deutsche Welle (Đức) |

Mỹ và Nga đang khẩu chiến về tình hình khủng hoảng ở Venezuela, cứ như hai nước quay lại thời kỳ đối đầu trong chiến tranh lạnh.

Trong khi Mỹ công khai nói về phương án can thiệp quân sự và trút trừng phạt lên ngành dầu khí Venezuela thì Nga nhiều lần cảnh báo về một "thảm họa" nếu Mỹ sử dụng vũ lực.

Không ồn ào như Mỹ và Nga, Trung Quốc lặng lẽ hơn. Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi cả hai phe ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, ẩn sau phát ngôn có vẻ vô thưởng vô phạt, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Venezuela không ngừng gia tăng.

Trong hơn 10 năm qua, Bắc Kinh đã rót hơn 60 tỉ USD vào quốc gia Nam Mỹ này. Không nước nào trên thế giới cho Venezuela vay nhiều như Trung Quốc.

Giờ đây, khi Venezuela trở thành tâm điểm toàn cầu cũng là lúc thế lực mà Bắc Kinh âm thầm gầy dựng trong 15 năm qua ở Mỹ Latin - khu vực vốn được xem là sân sau của Mỹ, với khoảng 650 triệu dân sinh sống ở 23 quốc gia - dần được hé lộ.

Ban đầu, Trung Quốc tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng ở Mỹ Latin. Tới nay, tất cả khu vực này phụ thuộc vào việc xuất khẩu quặng sắt, đậu nành, đồng và dầu mỏ cho Trung Quốc.

Bắc Kinh đầu tư vào Mỹ Latin tới 150 tỉ USD, vượt qua mức đầu tư mà họ dành cho châu Phi. Các công ty Trung Quốc không chỉ thâu tóm nhiều nhà máy, mạng lưới phân phối và cảng ở Mỹ Latin mà còn thầu xây dựng nhiều tuyến đường sắt, khu thương mại tự do và đầu tư vào ngành chế tạo xe hơi cùng các nền tảng số.

Tính đến nay, có 14 quốc gia Mỹ Latin chào đón đầu tư của Trung Quốc. Các nước Chile, Peru và Colombia - đều nằm ven Thái Bình Dương - cạnh tranh nhau để trở thành các trung tâm đón nhận hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trong khi đó, Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama sẵn sàng thay đổi đường lối ngoại giao - cụ thể là cắt đứt với Đài Loan - để thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh ký kết 20 dự án hạ tầng lớn với Panama, qua đó khiến Mỹ khó chịu vì nước này dựa vào kênh đào Panama để duy trì vị thế trong khu vực.

Tân Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cũng tỏ ý cởi mở với đầu tư từ Trung Quốc. Ông hy vọng sẽ cùng Bắc Kinh triển khai một "Kế hoạch Marshal cho Trung Mỹ" trị giá 30 tỉ USD, với nội dung phát triển hạ tầng, tạo việc làm và ngăn dòng người di cư tới Mỹ. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khó lòng phản đối một dự án như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại