Theo hãng tin AP, Colombia đã trở thành quốc gia Mỹ Latin mới nhất tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel vì chiến dịch quân sự của họ ở Gaza, nhưng hậu quả đối với quốc gia Nam Mỹ này có thể nặng nề hơn so với các nước khác do các thỏa thuận song phương lâu đời về các vấn đề quân sự.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro hôm 2/5 đã mô tả các hành động của Israel ở Gaza là "sự diệt chủng" và tuyên bố chính phủ của ông sẽ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Israel từ ngày 3/5.
Nhưng ông Petro không đề cập đến việc quyết định của mình có thể ảnh hưởng như thế nào đến quân đội Colombia, vốn sử dụng máy bay chiến đấu và súng máy do Israel chế tạo để chống lại các băng đảng ma túy và các nhóm phiến quân; cũng như hiệp định thương mại tự do giữa hai nước có hiệu lực vào năm 2020.
Cũng trong khu vực, Bolivia và Belize đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel vì cuộc xung đột Israel-Hamas.
Tại sao hợp tác quân sự giữa Colombia và Israel lại quan trọng?
Theo AP, Colombia và Israel đã ký hàng chục thỏa thuận về nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục và thương mại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1957. Nhưng không có gì gắn kết họ chặt chẽ hơn các hợp đồng quân sự.
Máy bay chiến đấu của Colombia đều do Israel chế tạo. Hơn 20 máy bay chiến đấu Kfir do Israel sản xuất đã được Lực lượng Không quân Colombia sử dụng trong nhiều cuộc tấn công tổ chức du kích cánh tả Colombia mang tên Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Các cuộc tấn công đã buộc FARC phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình dẫn đến việc giải giáp vũ khí vào năm 2016.
Ngoài ra, đội tàu được Colombia mua vào cuối những năm 1980 đã cũ và cần được bảo trì, việc này chỉ có thể được thực hiện bởi một công ty Israel.
Quân đội Colombia cũng sử dụng súng trường Galil - được thiết kế ở Israel và Colombia đã giành được quyền sản xuất và bán loại súng này.
Israel cũng hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này về các nhu cầu an ninh mạng.
Tuyên bố của Tổng thống Colombia có ảnh hưởng đến các hợp đồng quân sự?
Bộ Ngoại giao Colombia ngày 3/5 cho biết trong một tuyên bố rằng, "tất cả các thông tin liên quan đến thông báo này sẽ được thực hiện thông qua các kênh chính thức đã được xác lập và sẽ không được công khai".
Bộ này không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ AP, trong khi Đại sứ quán Israel tại Bogota từ chối giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, một ngày trước khi Tổng thống Petro công bố quyết định của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Iván Velásquez đã nói với các nhà lập pháp nước này rằng sẽ không có hợp đồng mới nào được ký với Israel, mặc dù những hợp đồng hiện có sẽ vẫn được thực hiện, bao gồm cả hợp đồng bảo trì máy bay chiến đấu Kfir và một hợp đồng cho hệ thống tên lửa.
Ông Velásquez cho biết, chính phủ Colombia đã thành lập một ủy ban "chuyển tiếp" nhằm tìm cách "đa dạng hóa" các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào Israel. Ông nói thêm rằng một trong những khả năng đang được xem xét là ngành công nghiệp quân sự Colombia phát triển một loại súng trường để thay thế súng Galil.
Theo AP, hợp tác quân sự là trung tâm của căng thẳng giữa hai nước. Israel cho biết vào tháng 10 năm ngoái rằng họ sẽ ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự sang Colombia sau khi Tổng thống Petro từ chối lên án cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào miền nam Israel và so sánh các hành động của Israel ở Gaza với các hành động của Đức Quốc xã. Vào tháng 2/2024, Tổng thống Petro tuyên bố đình chỉ mua vũ khí từ Israel.
Tướng Guillermo León đã nghỉ hưu - cựu chỉ huy lực lượng không quân Colombia – cho biết, khả năng quân sự của nước này sẽ bị ảnh hưởng nếu chính quyền của Tổng thống Petro phá vỡ các điều khoản trong hợp đồng hoặc ngay cả khi họ tuân thủ nhưng từ chối ký các hợp đồng mới.
Ông León nói với AP rằng: "Đến cuối năm, việc bảo trì và phụ tùng thay thế sẽ cạn kiệt, và từ đó trở đi, đội tàu sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng mà chúng tôi không còn đủ năng lực để duy trì nó nữa. Trong năm nay, ba máy bay đã ngừng hoạt động do tuân thủ vòng đời sử dụng của chúng."
Quan hệ thương mại Colombia - Israel ra sao?
Thỏa thuận thương mại tự do giữa Colombia và Israel có hiệu lực vào tháng 8/2020. Israel hiện là điểm đến của 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Colombia, bao gồm than đá, cà phê và hoa.
Theo Bộ Thương mại Colombia, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Israel năm ngoái đạt 499 triệu USD, giảm 53% so với năm 2022.
Colombia nhập khẩu thiết bị điện, nhựa và phân bón từ Israel.
Chính phủ hai nước đều không giải thích liệu xung đột ngoại giao có ảnh hưởng đến hiệp định thương mại hay không.