"NATO là một nền tảng của chính sách quốc tế của Ý. Tuy nhiên, đất nước chúng tôi có thể và phải thể hiện tiếng nói của mình trong những quyết định chiến lược quan trọng ...
Ý dự định mở ra một chương mới hợp tác mới với Moscow, theo tinh thần của Thượng đỉnh Pratica di Mare[2002]", Picchi, hiện cũng là cố vấn chính sách đối ngoại của Phó thủ tướng Ý kiêm lãnh đạo Đảng Lega Matteo Salvini, cho biết.
Thượng đỉnh Pratica di Mare là sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin và 19 nguyên thủ NATO đã ký thỏa thuận thành lập một hội đồng Nga - NATO (NRC) quyết định các vấn đề có sự đồng thuận song phương, liên quan đến việc xử lý khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, các lĩnh vực quân sự như phòng không, các hoạt động tìm kiếm cứu hộ và các cuộc tập trận chung.
Ông Picchi cũng nhắc lại rằng Thủ tướng Ý Conte đã ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump để Nga quay trở lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (từ G8 chuyển thành G7).
Ông Picchi nói thêm, mặc dù Nga đã có những hành động về phía đông – điều cần NATO có một hành động cứng rắn, thì mối nguy hiểm lớn nhất đối với liên minh này, theo quan điểm của Ý, bắt nguồn từ phía nam, đặc biệt là sự xuất hiện của những người di cư từ khắp biển Địa Trung Hải.
Vào ngày 1/4/2014, NATO đã đình chỉ mọi hợp tác thực tế và quân sự với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, liên minh này vẫn quyết định giữ các kênh liên lạc mở trong khuôn khổ NRC từ cấp đại sứ trở lên.
Chính phủ mới lên cầm quyền tại Ý- một liên minh của Phong trào 5 sao (M5S) và đảng Lega, đã liên tục kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga và Moscow nên được phục hồi vị thế như một nhà hòa giải chiến lược về khủng hoảng Syria, Libya và Yemen.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Elisabetta Trenta cho biết nước này có thể đóng vai trò "cầu nối" trong quan hệ giữa Đông và Tây, lưu ý rằng các chính sách của NATO cần linh hoạt hơn và tập trung vào các vùng khác nhau, đặc biệt là Địa Trung Hải.