Lâu nay, các sản phẩm nông sản Việt Nam như: cà phê, hồ tiêu, chè… đã xuất khẩu đi khắp thế giới nhưng thường được xuất thô hoặc gia công chế biến dưới tên thương hiệu lớn hoặc nước ngoài.
Hành trình doanh nghiệp tự xây dựng chuỗi cung ứng, chế biến có thương hiệu riêng và vươn mình ra thị trường quốc tế luôn đầy cam go, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Với sự kiên trì đầu tư theo đuổi chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch, đã có những doanh nghiệp ở Gia Lai bắt đầu thu “quả ngọt” khi vươn mình ra được thị trường quốc tế. Những thế hệ doanh nghiệp mới này tại Gia Lai có cách làm hoàn toàn khác với thế hệ trước đó, vốn thường đi lên từ khai thác gỗ và bất động sản.
Năm 2021, Gia Lai có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Hoa Trang Gia Lai và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, thông tin từ báo Gia Lai.
Từ những vườn Chè sạch
Chè Biển Hồ là một thương hiệu đã có tiếng với những đồi chè xanh bạt ngàn tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chưpăh, Tỉnh Gia Lai..
Công ty CP Chè Biển Hồ tiền thân là đồn điền trà Biền Hồ được Pháp xây dựng từ năm 1921 với 534ha chè già, phần lớn được trồng vào trước năm 1930. Khi tiếp quản sau giải phóng, Công ty được mang tên Nông trường Chè Biển Hồ.
Sau này, Chè Biển Hồ được cổ phần hoá, trở thành CTCP Chè Biển Hồ và chính thức giao dịch trên UPCOM vào tháng 10/2018.
Hai sản phẩm chính của công ty hiện nay là chè và cà phê. Đặc biệt, nông trường chè Biển Hồ có tiếng trong cả nước về quy mô độ lớn với vùng nguyên liệu rộng 299,7300 ha được giao khoán cho 502 hộ nông dân trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm theo quy trình kỹ thuật của Công ty.
Nông trường chè Biển Hồ
Từ năm 2010, Công ty Chè Biển Hồ đã triển khai áp dụng 3 hệ thống ISO 9001:2015, 14001:2015 và 22000:2005 vào quy trình chăm sóc, sản xuất chè xanh.
Công ty cấm hoàn toàn việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trong vườn chè, toàn bộ diện tích được làm cỏ bằng tay để tận dụng chất hữu cơ cho vườn chè.
Đầu năm 2019, Công ty CP Chè Biển Hồ đã và đang triển khai việc sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học cho cây chè của Công ty CP EMI Nhật Bản trên diện tích 12,8370ha chè trồng năm 2007, 2008.
"Sản phẩm xanh, môi trường sạch” luôn là mục tiêu phát triển của Công ty. Sản lượng chè xanh xuất khẩu của Công ty liên tục tăng qua các năm, chiếm tới 80% sản lượng chè sản xuất. Thị trường xuất khẩu được ưa chuộng chủ yếu là các nước Trung Đông.
Hiện nay, quy mô kinh doanh của công ty khá khiêm tốn, với doanh thu chỉ dao động từ vài chục tỷ đến 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận chỉ vài trăm triệu, cá biệt năm 2019 lợi nhuận sau thuế đạt 1,8 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 93 tỷ đồng, với LN sau thuế 500 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản DN đến cuối 2022 đạt 165 tỷ đồng. Vốn điều lệ 89,3 tỷ đồng.
Tới những trang trại cà phê hữu cơ
Ông Thái Như Hiệp - CEO kiêm Founder Vĩnh Hiệp đã tạo ra thương hiệu cà phê hữu cơ L'amant Café cùng giấc mơ "Mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới" với khởi đầu chỉ có 6 công nhân trong một nhà kho diện tích 500m2 cùng số vốn 500 triệu đồng.
Thời gian đầu, doanh nghiệp của ông Hiệp chủ yếu tập trung chế biến và cung cấp các sản phẩm nông sản như đậu phộng, mè đen, vàng, đậu trắng, ớt khô, gừng khô, tiêu,… cho các công ty xuất khẩu đi Nga và Algeria.
Tới năm 1999, Vĩnh Hiệp đặt văn phòng chính thức tại TP Pleiku, tỉnh Giai Lai. Khi này công ty phát triển hơn với hệ thống nhà máy chế biến cùng nhà kho có kích thước gấp đôi, chuyên mua, chế biến và cung cấp hạt cà phê, tiêu, điều cho các công ty xuất khẩu.
Năm 2014, ấp ủ ý định về việc mang cà phê sạch phục vụ cộng đồng, ông chủ Vĩnh Hiệp nghiên cứu, xây dựng và hình thành quy trình trồng cà phê sạch với 45 ha cà phê hữu cơ tại huyện Chư H’drong, tỉnh Gia Lai.
Theo thông tin trên website, nguồn nguyên liệu cà phê của Vĩnh Hiệp chọn lọc từ hơn 10.000 hộ nông dân, với phương thức canh tác trồng trọt đạt tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance. Bên cạnh đó, Vĩnh Hiệp sở hữu nông trại cà phê hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của USDA của Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đáng chú ý, Vĩnh Hiệp là DN xuất khẩu được cà phê hữu cơ sang Châu Âu ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực hồi tháng 9/2020.
Hiện nay, mặc dù vẫn hoạt động với loại hình Công ty TNHH và không huy động vốn từ bên ngoài nhưng Vĩnh Hiệp đã phát triển thành 1 DN lớn trong tỉnh, với vốn điều lệ đạt 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy tại KCN Tân Uyên, Bình Dương; Khu Nhơn Trạch 3, Đồng Na và KCN Trà Đa, Gia Lai.
Năm 2021, Vĩnh Hiệp xếp thứ 412 trong VN500 - TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam, nhưng chỉ sau đó 1 năm, Vĩnh Hiệp đã tăng 150 bậc, lên vị trí số 262 trong bảng xếp hạng này, chỉ đứng sau Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 20 bậc (xếp thứ 242).
Nguồn: VN500.com
Mới đây, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đặt một chân vào thị trường Trung Quốc thông qua việc ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ với đối tác trong thời gian tham gia Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023), được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.