Máy bay đưa tiễn người nông dân số 1 Trung Quốc
Ngày 22-3 vừa qua, đám tang của Ngô Nhân Bảo – sinh năm 1928, Anh hùng lao động – Nông dân số 1 Trung Quốc (Trung Quốc đệ nhất nông dân), người sáng lập và là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Tây thôn – “Thiên hạ đệ nhất thôn” từ năm 1957 đến 2003, đã được tổ chức trọng thể với hàng vạn người tham gia.
Trong hội trường được thiết kế mô phỏng Đại lễ đường nhân dân, một bức chân dung khổng lồ của Ngô Nhân Bảo được treo ở giữa linh đường, phía dưới là vòng hoa của rất nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc như Du Chính Thanh, Lý Nguyên Triều, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Bằng, Kiều Thạch…
Một chiếc trực thăng bay lượn phía trên đoàn xe 20 chiếc kết hoa đưa tiễn con người đã tạo ra “thiên đường XHCN” nằm trong quan tài được phủ quốc kỳ và hoa tươi về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều dân làng mang theo biểu ngữ ca ngợi ông Ngô, không ít người bật khóc…
Tại Lễ truy điệu được Tân Hoa xã và các báo lớn đưa tin với vị trí trang trọng, Tưởng Hồng Lượng, Bí thư thành ủy Giang Âm, tỉnh Giang Tô đọc điếu văn ca ngợi Ngô Nhân Bảo là “đảng viên ưu tú, đại biểu kiệt xuất của cán bộ nông thôn thời nay, người vĩ đại tìm tòi, mở ra, đi đầu thực thi con đường xây dựng nông thôn mới XHCN”.
Bản tin của Tân Hoa xã cũng xác nhận: Bí thư Hoa Tây hiện nay Ngô Hiệp Ân là con trai thứ 4 của Ngô Nhân Bảo, người chính thức kế nhiệm cha từ 2003.
Từ 2003 đến nay, ông nhường chức cho con trai, lui về làm phó, qua đời vì ung thư ngày 18-3 vừa qua. Cho đến tận khi qua đời, Ngô Nhân Bảo vẫn là nhân vật “linh hồn” của Hoa Tây.
Người tạo nên “Huyền thoại Hoa Tây”
Ngay từ năm 2006, cuốn Ngô Nhân Bảo truyện của NXB Nhân dân, bộ phim truyền hình Câu chuyện làng Hoa Tây và phim nhựađã được phát hành, dân chúng Trung Quốc dần dần biết đến cái tên Hoa Tây cùng câu chuyện của nó.
Ngay từ năm 1961, khi cả Trung Quốc đang ở trong thời kỳ đói khát, Bí thư chi bộ thôn Hoa Tây Ngô Nhân Bảo đã lặng lẽ mở các xưởng gia công, xí nghiệp nhỏ để kiếm tiền, chính chúng là cơ sở cho việc phát triển các xí nghiệp hương trấn và mô hình phát triển kinh tế Nam Giang tô lừng danh sau này.
Hiện nay, Hoa Tây đã trở thành "Thiên hạ đệ nhất thôn" với diện tích gần 16 cây số vuông với hơn 17 ngàn dân, tất cả đều sống trong các biệt thự với tiện nghi đầy đủ, có xe hơi, mỗi gia đình đều có số dư tiết kiệm 6 chữ số (triệu NDT).
Nhà văn chuyên viết về đề tài kinh tế Ngô Hiểu Ba từng viết về Ngô Nhân Bảo: “Khi lớn tiếng hô hào “học tập Đại Trại”, nhưng Ngô Nhân Bảo lại lén lút làm những việc trái phép thời đó. Từ 1969 ông đã điều 20 người lén lút mở xưởng ngũ kim; năm 1978 vốn liếng của Ngô ở Hoa Tây đã có tới 1 triệu tệ cộng với 1 triệu gửi ngân hàng cùng kho lương thực dự trữ đủ ăn 3 năm cho cả làng, giàu nhất trong số hàng vạn làng cả Trung Quốc thời đó”.
Năm 1980, Trung Quốc đẩy mạnh mở cửa với bên ngoài, Ngô Nhân Bảo lại kiên trì phát triển kinh tế tập thể ở thôn làng, đưa công nghiệp trở thành nền tảng để kinh tế Hoa Tây phát triển.
Năm 1989, Hoa Tây trở thành “Làng trăm triệu đầu tiên”. Sang thập kỷ 1990, sau khi “Đặng Tiểu Bình nam tuần”, kinh tế Hoa Tây đã cất cánh, đến 2010 tổng số vốn của toàn thôn đạt 16 tỷ NDT, có hơn 60 xí nghiệp trực thuộc, tổng giá trị sản lượng vượt 50 tỷ NDT. Làng Hoa Tây trở thành công ty cổ phần, dân làng là nhân viên đồng thời là các cổ đông.
Trong làng dần dần xuất hiện các công trình như Tháp vàng Hoa Tây, Khách sạn 5 sao Long Hy cao 328 mét, Bò Vàng – biểu tượng của thôn; ngoài ra còn có hàng loạt các công trình kiến trúc như Nhà quốc hội Mỹ, Nhà hát Opera Sydney, Cố Cung, Thiên An Môn được “nhân bản”.
Báo Đô thị Nam Phương trong một bài phỏng vấn Ngô Nhân Bảo năm 2011 đã khẳng định, con người Ngô còn lưu giữ nhiều đặc điểm của thời Mao Trạch Đông, thích trương khẩu hiệu, thích các hoạt động lễ lạt linh đình.
Tranh cãi về thiên đường Hoa Tây
Khi Ngô Nhân Bảo qua đời, các báo chí chính thống của Trung Quốc đều dành những vị trí trang trọng đăng tải những bài dài viết về thân thế, ca ngợi sự nghiệp của ông, nhưng rất ít đề cập đến các vấn đề phức tạp của Hoa Tây như quyền sở hữu cổ phần, quan hệ sản xuất, dân thôn tự trị…
Ngô Nhân Bảo vừa nằm xuống, trên mạng đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về “thiên đường Hoa Tây”, như “Dưới ánh hào quang, Hoa Tây là một nhà tù, thử hỏi chúng ta ai muốn chui vào đó?”, “Hoa Tây chính là công xã nhân dân thủa trước, chỉ khác là hiện nay làng được hưởng thành quả của công nghệ cao và mặt tốt của chính sách nhà nước cho phép một bộ phận người giàu trước. Cũng giống như mô hình Trùng Khánh, mô hình Hoa Tây không thể nhân rộng”.
Giáo sư Vương Tư Tưởng, Đại học Hà Nam có bài “Cái chết của Ngô Nhân Bảo liệu có cứu được làng Hoa Tây?”, bày tỏ cá nhân ông luôn giữ thái độ phủ định đối với Hoa Tây.
Ông cho rằng Hoa Tây là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc hiện nay. Ở đó, tiền bạc trở thành tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá thành bại; cách kiếm tiền ở đó theo “thuyết con Mèo”, tức bất kể mèo Đen hay Trắng, cứ bắt được chuột đều là Mèo tốt, không có vấn đề bản quyền, tiêu chuẩn đạo đức, hay trật tự khai thác tài nguyên. Phân phối của cải cũng bình quân theo đầu người.
Ông Vương còn viết, ở Hoa Tây, bất cứ dân làng nào bày tỏ nghi ngờ về gia đình họ Ngô đều bị đàn áp; quyền lực trong làng đều do gia đình Ngô Nhân Bảo nắm giữ và truyền lại cho nhau. Hiện nay 22 người trong gia đình này đang khống chế cả khối tài sản khổng lồ.
Nhà sử học nổi tiếng Chương Lập Phàm coi đây là một kiểu thế lực tôn tộc trong lịch sử, một kiểu cường hào địa phương, “quốc gia trong quốc gia”…
Sau khi Ngô Nhân Bảo qua đời, phóng viên Tân Kinh báo Bắc Kinh đã phỏng vấn Ngô Hải Yến, thư ký cho Ngô Nhân Bảo suốt thời gian dài. Ngô Hải Yến phủ nhận việc Hoa Tây hiện đang được quản lý kiểu gia tộc.
Nhưng một điều không thể phủ nhận là các hậu duệ của Ngô Nhân Bảo đang nắm giữ các vị trí quan trọng: Con thứ tư Ngô Hiệp Ân làm Bí thư kiêm Chủ tịch HĐQT tập đoàn thay cha, con cả Ngô Hiệp Đông, con thứ Ngô Hiệp Đức là Phó Bí thư, con thứ ba Ngô Hiệp Bình là Ủy viên thường vụ, con gái Ngô Phụng Anh và con rể Liêu Hồng Đạt đều là UV thường vụ.
Các cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể của Ngô Nhân Bảo hết thảy đều giữ các chức vụ quan trọng trong thôn và cả trên thành phố.