Trào lưu 'vợ chồng tạm bợ' gia tăng ở Trung Quốc

Phải xa gia đình kiếm sống, lao động di cư Trung Quốc được xem là có khả năng chịu đựng được các áp lực công việc và điều kiện ăn ở tồi tàn nhưng lại không thể kìm chế các ham muốn tình dục.

Công nhân di cư Trung Quốc ngày càng dễ sa vào lối sống "vợ chồng hờ".

Do đó, để giảm các áp lực tình dục do phải sống xa vợ/chồng, ngày càng có nhiều lao động di cư Trung Quốc tìm kiếm “đối tác tạm bợ” trong môi trường làm việc.

“Nhiều người có thể ngạc nhiên với những mối quan hệ gần như vợ chồng kiểu này nhưng nó đang trở nên phổ biến hơn, phức tạp hơn xung quanh chúng ta”, Liu Li, một nữ đại biểu Quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo Cục Thống kê quốc gia, Trung Quốc hiện có khoảng 150 triệu lao động nhập cư và 84,9 triệu trong số này là những người đàn ông và phụ nữ sinh sau năm 1980, đang ở trong giai đoạn hoạt động tình dục mạnh.

Trước đó, năm 2008, theo nhà văn  Zhiping Wu, chuyên viết về đề tài phụ nữ nông thôn, ở Trung Quốc, khái niệm “vợ/chồng hờ” còn là khái niệm mới mẻ và là hiện tượng chỉ diễn ra “lẻ tẻ”.

Nhưng nay, với sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc dẫn đến làn sóng lao động từ các vùng nông thôn ồ ạt đổ lên thành phố trong khi đó, mức phí thuê nhà tại đây luôn có giá trên trời, mức sống đắt đỏ không phù hợp để công nhân nhập cư đèo bòng thêm gia đình, đã tạo điều kiện cho lối sống "vợ chồng hờ" nảy mầm, phát triển và lan rộng.

Chưa hết, theo ông Dang Guoying, một nhà nghiên cứu về chính sách nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhu cầu sinh lý nguyên thủy cộng với sự giảm sút của các chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thồng trong xã hội là những lý do góp phần làm gia tăng số lượng các cặp vợ chồng tạm bợ.

Tuy nhiên, theo bà Liu, hiện tượng vợ/chồng hờ chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng và đáng lo ngại, chẳng hạn, tỷ lệ ngoại tình và ly hôn tăng mạnh ở các khu vực nông thôn, tác động không tốt đến thế hệ tiếp theo.

Trong nhiều trường hợp, khi mối quan hệ “vợ/chồng tạm bợ” bị phát hiện, các cuộc hôn nhân chính thức của họ khó tránh khỏi kết cục đổ vỡ. Sau đó có thể nhiều cặp đôi tạm bợ lại trở thành vợ chồng chính thức, xây dựng một gia đình mới sau khi hôn nhân của cả hai đều tan vỡ.

Về vấn đề này, một số ít người Trung Quốc cho rằng, tình trạng vợ chồng hờ trong giới công nhân nhập cư gia tăng vì "họ không còn lựa chọn nào tốt hơn. Họ cần nhau để an ủi và động viên nhau về mặt tinh thần. Do đó, sẽ không hợp lý nếu đánh giá sự việc trên quan điểm đạo đức”, một cư dân mạng Trung Quốc nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại