Tuy nhiên, là người không tin vào những chuyện hoang đường nên tôi đã bỏ ra 2 đêm đi tìm bí mật ẩn giấu sau những sự việc lạ lùng trong tòa nhà 7 tầng nằm giữa trung tâm thủ đô nước Lào mà bị bỏ hoang gần 2 thập kỷ. Đây cũng là khoảng thời gian căng thẳng nhất trong quãng đời làm báo của tôi…
Nằm ngay giữa Viêng Chăn, đối diện với Trung tâm văn hóa Việt - Lào, tòa nhà này được gọi là “nhà 7 tầng” vì nó là công trình xây dựng 7 tầng duy nhất ở thủ đô. Ngay sau khi xây dựng xong vào năm 1996, do nhiều nguyên nhân, nó bị bỏ hoang đến tận bây giờ và hằng đêm gieo rắc sự hãi hùng cho các cư dân xung quanh.
Bữa tiệc của… "ma, quỷ"
Mỏn Phai là nhân viên của cửa hàng Conieur d Asie - cửa hàng chuyên bán đồ len vải cho khách du lịch nằm ngay dưới tòa nhà 7 tầng. Lần đầu gặp Mỏn, tôi thấy cô nàng đứng run bần bật dưới chân tòa nhà đen sì, cao ngút bên chiếc xe máy bị hỏng.
Thời điểm này, vì đang có sự kiện Quốc tế tại Viêng Chăn nên người ra đường sau 21h bị cơ quan an ninh kiểm tra rất kỹ càng. Lúc ấy, đã gần đến quãng thời gian đó nên Mỏn cuống cuồng gọi: “Anh Việt Nam ơi! Sửa xe hộ em”.
Hiểu biết của tôi về máy móc phải ngang với hiểu biết của Napoleon về… thơ lục bát nên tôi nảy ra sáng kiến bảo Mỏn: “Tốt nhất là ngủ luôn tại cửa hàng”. Lập tức cô nàng khóc ầm lên, nước mắt đầm đìa.
Còn gì bất tiện hơn khi giữa đêm tối lại đứng ngay cạnh một cô gái khác quốc tịch đang gào khóc, tôi hoảng thực sự. Tằm lượt (cảnh sát) mà gô cổ lại thì tha hồ mà thanh minh. Tôi xuống nước: “Thế thì cất xe đi, tôi đưa về”. Mỏn vẫn đang run bần bật nhưng đã nhoẻn miệng cười. Suốt quãng đường 20km từ đó về nhà của Mỏn ở huyện Hat Sai Phong, cô gái Lào bé nhỏ kể cho tôi một câu chuyện ma quái đến rợn tóc gáy xung quanh ngôi nhà 7 tầng hoang phế.
Mỏn kể, cách đây gần một năm, cô xin việc vào cửa hàng này. Do nhà xa nên sẵn giường, màn, Mỏn xin ngủ lại. Khi thành phố tắt đèn đường (tại Viêng Chăn, 23 giờ đèn đường phải tắt), Mỏn ra dắt xe vào cửa hàng rồi bất chợt ngước mắt nhìn lên ngôi nhà 7 tầng thì thấy ở ô cửa sổ tầng cao nhất có hai đốm sáng xanh lè nhấp nháy.
Dụi mắt, Mỏn nhìn sang các ô cửa khác lại thấy nhiều đốm xanh như thế hơn. Khiếp hồn, Mỏn chạy vào nhà lấy mấy lá phan (tờ giấy màu vàng in bùa chú của Lào để chống ma tà) ra đốt. Bắt đầu từ lúc ấy, một cuộc diễu binh khổng lồ của "quân đoàn ma" bắt đầu diễn ra. Những tiếng rầm rập lúc nhanh, lúc chậm liên tục trên nóc cửa hàng.
Quá sợ hãi, Mỏn bấm máy điện thoại cố định gọi chủ cửa hàng nhưng điện thoại bị ngắt. Sau này, với nhiều lần thử, Mỏn thấy mỗi khi đèn đường Viêng Chăn tắt là lúc điện thoại của cửa hàng không liên lạc được.
Trong khi, hễ ban ngày, đèn sáng, điện thoại lại dùng được như thường. Đóng chặt cửa hàng, Mỏn lên giường trùm chăn nhưng vẫn toát mồ hôi lạnh khi nghe thấy tiếng trẻ con khóc vang lên. Lúc đầu còn khóc rấm rứt kiểu đòi sữa, càng về sau tiếng khóc càng thê lương.
Trọn một đêm với cuộc hành xác cả về âm thanh và hình ảnh, dù uống đến 4 viên thuốc ngủ, Mỏn cũng không thể chợp mắt. Dù rất sợ nhưng với bản chất tò mò của phụ nữ, sáng hôm sau, Mỏn tìm sang nhìn vào tiền sảnh của tòa nhà 7 tầng (cửa chính của tòa nhà bằng kính chống đạn nên vẫn có thể nhìn vào trong), những gì tại tiền sảnh làm cô gần ngất xỉu tại chỗ. Khắp nền nhà vung vãi máu tươi như sau một bữa tiệc ma quỷ. Từ ấy, Mỏn luôn rời khỏi cửa hàng trước 20 giờ để về nhà dù phải đi tận 20km.
Mảnh đất hành hình các tù binh
Câu chuyện của Mỏn dẫu ly kỳ nhưng tôi cho là chuyện nhăng nhít, “thần hồn nát thần tính” của phụ nữ nên dù phải về một mình trong đêm tối từ ngoại ô Viêng Chăn, tôi vẫn cười nhạt. Hôm sau, thư viện của Trung tâm văn hóa Việt-Lào cho tôi một thông tin khiến câu chuyện của Mỏn trở nên thuyết phục hơn. Trong cuốn sách lịch sử được các nhân viên trung tâm tỉ mẩn dịch ra tiếng Việt bằng bản viết tay có đoạn nói đến mảnh đất mà ngôi nhà 7 tầng tọa lạc.
Đây vốn là nơi hành hình các tù binh của cuộc chiến Lào-Thái trong lịch sử. Có lẽ chỉ cách nhau con sông Mekong nên những nhà lãnh đạo các cuộc chiến của Lào lấy vị trí sát bờ sông làm nơi hành hình nhằm uy hiếp đối phương. Sau này sang Thái Lan, tôi cũng biết một nơi hành hình tương tự mà bên phía Lào cũng có thể “thưởng lãm” được.
Có một điều đặc biệt khiến ai cũng rợn tóc gáy là tất cả các tù binh trước khi hành quyết đều bị móc mắt treo lên thanh gông trói 2 tay và cổ. Nhà sư Kẹo Lăm tại ngôi chùa nơi vườn Phật sát bờ Mekong cho biết: “Việc này, theo quan niệm cổ lại không hề mang tính dã man. Các đao phủ và binh lính muốn người chết trước lúc lìa đời hiểu được rằng: Việc hành hình là một quy luật đơn thuần của chiến tranh, không có sự thù hằn riêng của các cá nhân.
Những đôi mắt của tử tù được móc ra trước giờ phút mà các đao phủ hạ đao sẽ làm chứng cho việc làm theo nghĩa vụ của những người phải đặt mình vào vị trí của kẻ sát nhân”. Cách giải thích của vị sư rất lằng nhằng, nhưng tôi thì nghĩ, có thể mấy bác đao phủ tin rằng, sau khi biến thành hồn ma, mấy người bị chặt đầu ấy không còn đôi mắt nên cũng khó có thể tìm được người giết mình để trả thù?