Mỹ quan ngại Wechat đe dọa an ninh quốc gia

Thiên Minh - My Lan |

(Soha.vn) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, WeChat đang ngày càng trở thành mối lo ngại đối với tính mạng người dân cũng như an ninh Quốc gia.

Công cụ gây án

Năm 2012, kênh truyền hình CCTV (Trung Quốc) đã phát đi một đoạn phóng sự ngắn cảnh báo sự nguy hiểm khi sử dụng dịch vụ nhắn tin và chia sẻ thông tin WeChat của tập đoàn Tencent. Theo đoạn phóng sự, tính năng Look Around, cho phép những người sử dụng có thể xác định địa điểm thực tế của những người sử dụng khác, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tội phạm gây án.

Những phóng viên CCTV dẫn ra trường hợp một phụ nữ đơn thân tên là Xu Xianghong đã bị một kẻ cướp đón đầu rồi sát hại. Hắn ta biết rất rõ cô ấy ở đâu và khi nào tới đó – hắn chính là một người bạn nạn nhân quen qua WeChat.

Hãng thông tấn chính thức Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng đăng tải thông tin về một vụ hiếp dâm hàng loạt tại Chiết Giang, kèm lời cảnh báo những người dùng ứng dụng này, nhất là phụ nữ trẻ, phải cảnh giác khi trò chuyện với người lạ qua WeChat.

Thủ phạm của vụ hiếp dâm là một người đàn ông họ Cao, 32 tuổi. Sau khi dùng ứng dụng Look Around tìm kiếm mục tiêu là các cô gái trẻ, hắn bắt đầu tâm sự để dành được sự tin tưởng họ, rồi chở họ tới những nơi vắng vẻ và thực hiện hành vi đồi bại của mình.

Danh bạ, tin nhắn và vị trí thực của một người sử dụng có thể bị người khác tìm thấy một cách dễ dàng.

Không chỉ có truyền thông, mà chính những cảnh sát Trung Quốc cũng khẳng định rằng ứng dụng này đang được những kẻ xấu lợi dụng để làm công cụ lừa đảo, cướp giật hoặc cưỡng hiếp.

Trên thực tế, chỉ tính riêng ở Hàng Châu, trong 3 tháng cuối 2011 – đầu 2012, đã có hơn 20 vụ phạm tội liên quan tới các dịch vụ của WeChat.

Trong thời điểm mà con số người dùng WeChat đã tăng gấp đôi - lên 200 triệu chỉ sau 1 năm, và tới tháng 1/2013 là 300 triệu người, thì tỉ lệ số tội phạm liên quan tới mạng này cũng không ngừng nhân lên nhiều lần.

Hiện nay, dịch vụ này đã hỗ trợ 8 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh.

Lỗ hổng cho tình báo

Khi WeChat được giới thiệu tới Đài Loan vào khoảng tháng 10 năm ngoái, giới lập pháp của Đảng Dân chủ Tiến bộ đã lo ngại rằng việc yêu cầu đăng ký số điện thoại cá nhân và tài khoản email khi sử dụng WeChat có thể dễ dàng để lộ những cuộc đàm thoại cá nhân của người sử dụng. Điều này càng trở nên sẽ rất nguy hiểm nếu ứng dụng này được dùng ở những nơi nhạy cảm như căn cứ quân đội bởi nó có thể đe dọa an ninh quốc gia.

“Về mặt kỹ thuật, các tin tặc sẽ không khó khăn gì để phát triển một phần mềm, bí mật theo dõi người dùng”, ông Hsu Chung-hsin, một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tiến bộ cho biết.

Tính năng “Look Around” của WeChat cho phép những người sử dụng khác dễ dàng nhận biết được những ai sử dụng WeChat ở gần vị trí của mình.

Ông Hsu chỉ trích nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu khi ông này cố gắng nới lỏng những thắt chặt về đầu tư ở đại lục trong lĩnh vực viễn thông. Ông Hsu cho rằng Trung Quốc đại lục “từ lâu đã khét tiếng với các hoạt động gián điệp”.

Adam Segal, một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Chính phủ Anh cũng cho rằng WeChat là một trong những dịch vụ tiềm tàng nguy cơ lỗ hổng an ninh mà kẻ thù có thể lợi dụng để "khai thác, thu thập thông tin tình báo".

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã từng đưa ra một báo cáo đầu năm 2012, khẳng định rằng WeChat "có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc". Chủ tịch Ủy ban Tình báo Trung Ương, Mike Rogers cho biết “có những mối quan ngại sâu sắc về an ninh quốc gia” đối với Wechat.

Tuy nhiên, đại diện công ty Tecent không hề đưa ra bất cứ bình luận nào về những vụ phạm tội nào liên quan tới dịch vụ của mình.

Công ty này vẫn khẳng định: “Chúng tôi đã bảo vệ dữ liệu người dùng một cách nghiêm ngặt trong quá trình phát triển sản phẩm và các hoạt động hàng ngày, và cũng như các dịch vụ quốc tế khác, chúng tôi tuân thủ những quy định ở quốc gia mà chúng tôi hoạt động”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại