Các phần mềm nhắn tin miễn phí đang dần trở thành xu thế liên lạc phổ biến hiện nay đối với những người sử dụng điện thoại thông minh.
Với khả năng truyền tải dữ liệu nhanh chóng với dung lượng vượt trội của mạng 3G trên các thiết bị di động, việc sử dụng điện thoại để gửi đi các tin nhắn sms với mức giá 200-300đ đang trở thành một mức giá đắt so với việc liên lạc qua các phần mềm nhắn tin miễn phí vốn chỉ tính cước dung lượng không đáng kể.
Ở các nước trên thế giới, các ứng dụng này đang ngày càng được mở rộng khi nó giúp người sử dụng nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu trao đổi với tần suất liên tục và không chỉ có thể nhắn tin đơn thuần, họ còn có thể gửi đi các tệp hình ảnh, âm thanh, video một cách vô cùng thuận tiện.
Câu chuyện miễn phí
Điểm qua một số ứng dụng loại này hiện đang phổ biến tại Việt Nam, đến từ các nhà phát triển nước ngoài có thể kể đến Whatsapp hay Wechat còn xuất xứ từ Việt Nam thì tiêu biểu nhất chính là Zalo của VNG.
Hình thức nhắn tin miễn phí thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh đang ngày càng len lỏi và được các bạn trẻ giới thiệu với nhau nhằm phục vụ cho mục đích trao đổi một cách dễ dàng mọi lúc mọi nơi. Rất đơn giản, chỉ cần mở thiết bị di động của mình và truy cập vào ứng dụng nhắn tin của mình.
Được thiết kế với tính năng “Always on”, người dùng chỉ cần nhận tin qua thiết bị chứ không phải bằng tài khoản(có tích hợp tài khoản đối với một số ứng dụng).
Tin nhắn sẽ tự động đẩy về thiết bị của người dùng bất kỳ lúc thiết bị đó kết nối với internet. Nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí chính là các lí do người dùng thiết bị thông minh tại Việt Nam ngày càng lại gần với các ứng dụng chat miễn phí này hơn.
Nếu cách đây vài ba tháng, bạn dễ dàng gặp các bạn trẻ sử dụng Wechat như một công cụ "thời thượng" để trao đổi thông tin. Sở dĩ nó trở nên "hot" như vậy là do phần mềm này vừa tiện, vừa nhanh và quan trọng lại miễn phí.
...và những hệ lụy
Tuy nhiên, các phần mềm nhắn tin miễn phí này hiện đang trở thành một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của các nhà chức trách của mỗi quốc gia.
Cùng với những lợi ích kể trên, vấn đề bảo mật và các động cơ tiêu cực khác có thể dễ dàng nhìn thấy ở những ứng dụng này. Thông tin của người sử dụng phần mềm đều bị kiểm soát và quản lí bởi công ty phát triển và cung cấp nó.
Vì thế, họ có thể bị lợi dụng cho những mục đích không tốt nếu một tổ chức, cá nhân hay cơ quan, bằng cách nào đó, có được quyền truy cập và sử dụng thông tin, chi phối hoạt động trên phần mềm mà họ đang sử dụng.
Không những thế, những phần mền này lại dễ dàng trở thành trào lưu khi giới trẻ đua nhau sử dụng. Được biết, số lượng người sử dụng smartphone mà đặc biệt là iPhone tại Việt Nam đang tăng nhanh với số lượng chóng mặt.
Nó không chỉ là phương tiện hữu ích để sử dụng mà còn trở thành đồ trang sức chứng tỏ sự sành điệu hay chuyên nghiệp. Chính vì thế, đôi khi, một số bạn trẻ tiếp cận với những phần mềm đặc biệt này theo kiểu "a dua" mà không hiểu hết về tính năng cũng như những hệ lụy.
Không phải đến bây giờ những câu chuyện về phần mền miễn phí mới được đăng đàn thảo luận. Từ giữa năm trước, rất nhiều thông tin khẳng định Wechat là 1 phần mền không hề thân thiện bởi nó sẵn sàng "trộm" thông tin của bạn.
Bằng tính năng “Look Around” trên Wechat, những tên tội phạm có thể dễ dàng xác định thông tin về những người dùng ứng dụng trên và đang ở gần bọn chúng.
Một số ngôi sao cũng không ngần ngại chia sẻ với cộng đồng về việc sử dụng phần mềm nhắn tin miễn phí của mình. Gần đây nhất, việc hai giọng ca nổi lên từ The Voice Việt Nam là Bùi Anh Tuấn và Bảo Anh liên tục có các hoạt động PR cho phần mềm Wechat đến từ Trung Quốc hiện đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Vẫn biết, cài đặt phần mềm chat miễn phí và khuyến khích mọi người cùng sử dụng như mình không phải là xấu nhưng người dùng cũng nên quan tâm và chú ý để có thể tự bảo vệ mình tránh khỏi những rủi ro không thể lường trước được đến từ loại hình nhắn tin mới này.