Hoàn Cầu khẳng định, dù tình hình căng thẳng vừa qua không ngừng leo thang nhưng khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là rất thấp.
Điều này không phù hợp với lợi ích và mong muốn của hai bên Mỹ - Triều Tiên. Sách lược của các nhà lãnh đạo Triều Tiên là “dùng vũ khí hạt nhân để tìm kiếm hòa bình”, không có ý định sa lầy vào cuộc chiến tranh đầy ẩn số.
Trong khi đó, Mỹ vừa mới trải qua cuộc chiến tranh chống khủng bố kéo dài hơn một thập kỷ hao người tốn của, dân chúng và binh lính Mỹ đã căm ghét chiến tranh đến tột độ, và cuộc khủng hoảng của thị trường thứ cấp, khủng hoảng nợ nần vẫn chưa hết “dư âm”.
Nếu phát động chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, có thể Mỹ còn sẽ phải đối mặt với nguy hiểm đối đầu với Trung Quốc và Nga. Do đó, đây chắc chắn không phải là ý nguyện của chính quyền Tổng thống Obama.
Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn là đối thủ của Mỹ, về mặt khách quan đảm nhận vai trò cửa ngõ của Nga và Trung Quốc, đồng thời cũng là kẻ thù số 1 của Hàn Quốc.
Tấn công về kinh tế và các khâu yếu nhất của chính trị Triều Tiên, không sử dụng pháo đạn mà vẫn có thể làm suy yếu sức mạnh quốc gia của Triều Tiên, giành vị thế chủ động luôn là mục tiêu mà Mỹ, Hàn Quốc theo đuổi. Từ thập kỷ 1990 trở lại đây, nông nghiệp và an ninh lương thực luôn là khâu yếu nhất trong nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc gia của Triều Tiên.
Do từ lâu Triều Tiên đi theo con đường ưu tiên phát triển quân sự quốc phòng, lực lượng lao động thanh niên trai tráng hầu hết tập trung trong quân đội.
Theo số liệu của bản Báo cáo cân bằng sức mạnh quân sự do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London công bố, chỉ riêng số quân nhân Lục quân Triều Tiên đã lên tới 1,2 triệu người, ngoài ra còn một lượng lớn quân dự bị và chuẩn quân sự.
Thời điểm mùa vụ, quân đội và các tổ chức chuẩn quân sự của Triều Tiên đều phải tranh thủ thời gian tham gia vào hoạt động thu hoạch, trồng cấy.
Nếu đến vụ thu hoạch mà ép quân đội Triều Tiên tập trung trên quy mô lớn, không có thời gian đầu tư cho sản xuất thì chắc chắn sẽ đe dọa được an ninh lương thực của Triều Tiên.
Vụ xuân của Triều Tiên thường bắt đầu vào trung hoặc hạ tuần tháng tư, kết thúc trước trung tuần tháng 5. Mấy năm trước các cuộc tập trận quân sự chung “Chim ưng”, “Giải pháp then chốt” của Mỹ và Hàn Quốc thường kết thúc vào trung hoặc hạ tuần tháng 3.
Tuy nhiên năm nay lại lựa chọn trong cả hai tháng 3, tháng 4, đến tháng 5 có thể vẫn tiếp tục tổ chức các đợt tập trận mới, chiếm trọn vào cả vụ xuân của Triều Tiên.
Theo đó, Mỹ - Hàn Quốc không những dùng sự kiện này để làm nổi bật hình ảnh “kẻ thù” của Triều Tiên nhằm củng cố sức gắn kết trong nội bộ liên minh, mà còn muốn chọc tức để Bình Nhưỡng phải đáp trả, phá hoại vụ xuân của Triều Tiên, phá hoại an ninh lương thực của quốc gia này hòng chiếm đoạt và tăng cường vị thế chủ động cho mình.