Mạng lưới điệp viên Mỹ 'chào thua' Triều Tiên?

Cuộc tranh cãi mới nhất quanh việc liệu Triều Tiên có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay chưa đã phơi bày thực tế rằng, tình báo Mỹ dù được trang bị phương tiện tối tân hàng đầu cũng “bó tay” trước Triều Tiên.

Ảnh minh họa
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một điều bí ẩn đối với tình báo Mỹ

Tranh cãi nóng bỏng

Đây không phải là lần đầu tiên giới quan chức, chuyên gia và tình báo Mỹ bộc lộ mâu thuẫn trong cách đánh giá về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) – một bộ phận tình báo trong Lầu Năm Góc, trở thành lực lượng khơi nguồn đầu tiên trong việc “tung” ra những kết luận gây giật mình về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Mỗi lần như vậy đều kéo theo một cuộc tranh luận nóng bỏng với việc các cơ quan tình báo khác hầu hết đều bác bỏ những thông tin do DIA cung cấp.

Theo báo cáo của DIA được tiết lộ tại một phiên điều trần của Quốc hội hôm 11/4, Triều Tiên đã đạt được bước tiến dài trong chương trình hạt nhân đến mức nước này có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo của họ.

Đây là thông tin thực sự gây chấn động trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang “tung” ra một loạt những lời đe dọa đáng sợ liên quan đến tấn công hạt nhân.

Trong bản báo cáo trên, cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc cho biết, họ “có niềm tin nhất định” vào việc Triều Tiên đã có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa đáng tin cậy.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông tin gây sốc trên được “tung” ra, ông James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đã ra tuyên bố khẳng định, bản báo cáo của DIA không phản ánh đúng đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Ông Clapper đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với những gì được đưa ra trong báo cáo của DIA. Cụ thể, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho rằng: “Triều Tiên hoàn toàn chưa có được năng lực cần thiết để sở hữu một tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân”. Quan điểm của ông Clapper nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các quan chức Mỹ và Hàn Quốc.

Cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó đều lên tiếng khẳng định, Bình Nhưỡng trên thực tế chưa thể đạt được công nghệ tinh vi cho phép họ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên tên lửa.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – ông Kim Min-seok đã nói tại một cuộc họp báo ngày hôm qua rằng: "Triều Tiên đã 3 lần tiến hành thử hạt nhân. Người ta đang đặt câu hỏi về việc liệu nước này đã có khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân thu nhỏ hay chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì Triều Tiên chưa thể đạt được trình độ đó”.

Tuy vậy, ông Kim cũng cho biết thêm, Bình Nhưỡng đang trong quá trình nghiên cứu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng phủ nhận hoàn toàn thông tin đưa ra trong bản báo cáo của DIA. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc – ông George Little nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Tôi không thể công bố tất cả chi tiết bản báo cáo mật của DIA, nhưng thông tin cho rằng chính quyền Triều Tiên đã đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là không chính xác".

Vừa mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định lại một lần nữa rằng, thông tin Triều Tiên đã có tên lửa hạt nhân là không đúng.

Sự bất lực của tình báo Mỹ

Cuộc tranh cãi nóng bỏng mới nhất giữa các cơ quan tình báo Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên lại làm người ta nhớ đến một vụ tranh cãi tương tự năm 1998.

Khi đó, DIA đưa ra báo cáo cho rằng, tổ hợp ngầm dưới lòng đất ở Kumchangri của Triều Tiên là một cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân bí mật. Tuy nhiên, quan điểm của DIA đã không nhận được sự đồng tình của giới tình báo Mỹ.

Ngoài sự mâu thuẫn bộc lộ trong giới tình báo Mỹ về cách nhìn nhận, đánh giá năng lực hạt nhân của Triều Tiên, các cơ quan tình báo của cường quốc hàng đầu của thế giới còn nhiều lần thể hiện sự bất lực trước việc phát hiện các hoạt động hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng.

Cách đây không lâu, Mỹ cùng với các đồng minh của mình hoàn toàn bất ngờ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba. Tình báo Mỹ rõ ràng luôn theo sát các hoạt động ở Triều Tiên, vậy vì sao họ lại không phát hiện ra vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng?

Sau đó, các cơ quan tình báo của Mỹ và các nước đồng minh cũng hoàn toàn bất lực trong việc tìm kiếm dấu vết từ vụ thử hạt nhân mới nhất hôm 12/2 của Triều Tiên.

Như vậy, Mỹ không thể tìm hiểu được các vấn đề mà họ hết sức quan tâm trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên như thiết kế, tầm xa và sức công phá của vụ nổ hạt nhân mới nhất cũng như Bình Nhưỡng sử dụng nhiên liệu gì, uranium hay pluton, và nước này đã tiến xa được bao nhiêu trong con đường phát triển hạt nhân.

Giới tình báo và chuyên gia Mỹ đến nay đã phải thừa nhận, Triều Tiên ngày càng tiến bộ trong việc che giấu các hoạt động và dấu vết liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân tối mật của họ.

Tình báo Mỹ nổi tiếng là lực lượng hoạt động mạnh và tinh vi hàng đầu thế giới với đội ngũ nhân viên xuất sắc, được đào tạo bài bản cùng với những trang thiết bị đỉnh cao. Mạng lưới tình báo Mỹ không chỉ “đỉnh” về chất mà còn vươn ra khắp thế giới.

Thế nhưng, họ đã bị một nước bé nhỏ và còn nghèo nàn như Triều Tiên làm khó. Rõ ràng, giới tình báo Mỹ không thể không cảm thấy bẽ mặt trước sự bất lực của họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại